(Baonghean) - Trong quá trình điền dã về các vùng quê, chúng tôi tìm thêm được một số tư liệu cổ liên quan tới cuộc chiến Trịnh - Nguyễn phân tranh tại đồng bằng sông Hồng. Đó là 2 đạo sắc phong tại nhà thờ Cường Mạch hầu Trần Hưng Thi, làng Tiên Hoa, xã Thanh Xuân, huyện Thanh Chương. Cả hai đạo sắc đều mang niên hiệu Vĩnh Thọ, tính đến thời điểm hiện tại đã hơn 350 năm nhưng được giữ nguyên vẹn… 
 
images1100914_dsc_0108.jpgNhà thờ cụ Trần Hưng Thi ở làng Tiên Hoa, xã Thanh Xuân, huyện Thanh Chương.
 
Cường Mạch hầu Trần Hưng Thi sinh ra trong một gia đình có truyền thống võ tướng: Thân phụ là cụ Trần Văn Cảnh - người từng giữ chức Cẩm y vệ dưới thời vua Lê Thần Tông. 2 anh trai là Quận công Trần Hưng Học, Trần Hưng Nhượng - từng giữ nhiều chức vụ trong quân đội Lê Trịnh, có công lớn trong việc trung hưng nhà Lê. Đạo sắc có nội dung tạm dịch như sau: “Sắc cho Kiệt Trung tướng quân, Chánh Đô úy thuộc ty Mã Cứu, tước Hiển Vinh bá Trần Hưng Thi: theo Thái úy Nghi Quốc công Trịnh Căn, vâng mệnh Đại Nguyên soái Trịnh Tạc chỉ chuẩn làm viên tùy tùng ở đội Tiền Hùng của quân doanh Tả Khuông. Ông là bề tôi mạnh mẽ, nghĩa khí, cùng thảo phạt bọn giặc cướp điên cuồng xứ Thuận Quảng tại nhiều địa phương ở các xứ; trải nhiều trận chiến đánh úp bọn giặc, phá tan trận địa giặc, rất có công lao. Nay triều thần hội bàn, ứng theo công trạng mà thăng lên chức Chỉ huy Thiêm sự, vẫn giữ tước cũ. Tức được thăng làm: Kiệt Trung tướng quân, Cẩm y vệ Kỳ thủ, đảm nhiệm chức Chỉ huy Thiêm sự ở ty Chỉ huy sứ, tước Hiển Vinh bá”.
 
Căn cứ vào nội dung và niên hiệu 2 đạo sắc phong tại nhà thờ Cường Mạch hầu, xác định được sự kiện ghi trong sắc chính là cuộc đại chiến Trịnh - Nguyễn phân tranh lần thứ 5 (1655 – 1660), 2 tập đoàn phong kiến giằng co nhau trên đất Nghệ An. Đây chính là lần duy nhất quân đội Đàng Trong chủ động đánh ra Bắc, và các huyện phía Nam sông Lam như Kỳ Anh, Thạch Hà, Can Lộc, Nghi Xuân, Đức Thọ, Hương Sơn, Thanh Chương thuộc quyền kiểm soát của chúa Nguyễn. Đây chính là cuộc chiến có thời gian kéo dài nhất và quy mô lớn nhất trong cuộc xung đột Trịnh - Nguyễn mà chiến trường chủ yếu diễn ra trên đất Nghệ An.
 
Sau khi chúa Trịnh đuổi quân Nguyễn trở về Nam, thu phục lại 7 huyện ở tả ngạn sông Lam đã ra chỉ chuẩn sắc phong cho các công thần có công, trong đó có cụ Trần Hưng Thi. Những đạo sắc này chứa đựng nhiều thông tin quan trọng về lịch sử lúc bấy giờ. Thứ nhất, trong sắc phong có chỉ đích danh quân đội Đàng Trong là: “Bọn giặc cướp điên cuồng xứ Thuận - Quảng” thể hiện rõ quan điểm thù địch “không đội trời chung” và thái độ hằn học của chính quyền họ Trịnh đối với họ Nguyễn. Bởi trong khoảng thời gian chiếm đóng tại đây, quân Nguyễn từng bước áp đặt và củng cố mọi mặt trong đó có kinh tế.
 
Ngoài ra, quân Nguyễn còn mở những đợt cưỡng bức người dân, gây nên sự bất bình lớn trong lòng dân, gặp phải sự phản kháng rất mạnh từ địa phương cũng như từ phía chính quyền Lê - Trịnh. Nhiều cá nhân cũng như dòng họ đứng lên để chống lại nhà Nguyễn, Cường Mạch hầu Trần Hưng Thi và dòng họ Trần Hưng, Thanh Chương là một trong số đó. Thứ 2, sắc phong ghi rõ cụ Trần Hưng Thi là “Bề tôi kiên nghĩa”, bởi mặc dù sống trên vùng đất do quân Nguyễn quản lý nhưng vẫn trung thành với chính quyền Lê - Trịnh, đồng tâm hiệp lực với triều đình chiến đấu chống lại quân Nguyễn trong vòng 5 năm với nhiều trận chiến. Điều đó chứng tỏ Cường Mạch hầu Trần Hưng Thi là một võ tướng rất được nhà nước phong kiến đương thời trọng vọng. Đạo sắc này chính là nguồn sử liệu rất có giá trị giúp chúng ta thấy rõ hơn về những con người Nghệ An gắn liền với một giai đoạn lịch sử đầy biến động của dân tộc thế kỷ XVII.
 
Tử Quang