(Baonghean) - Cái hối hả phố đông không làm căng lên nhịp phố, và quang cảnh bộn bề xây dựng mới như càng làm đọng lại cảm nhận một tuyến phố đang ngày một chứng tỏ tầm quan trọng cho giao thông nội đô của Thành phố Vinh. Đó là đường Nguyễn Sỹ Sách…
Có thể nói, từ khi có kênh Bắc (những năm 60 thế kỷ trước) - công trình thoát nước quan trọng bậc nhất của đô thị Vinh, thì đã hình hài nên đường Nguyễn Sỹ Sách bây giờ. Đường dài khoảng hai cây số rưỡi, chạy suốt bờ Nam kênh Bắc, bắt đầu từ Ngã tư Ga Vinh xuôi xuống điểm nối đường Nguyễn Phong Sắc và cầu Bưu điện. Ban đầu, đường cũng chỉ là mặt “cơ ta-luy” của kênh Bắc nối các đường ngang nhỏ qua các thửa ruộng cạn, khu nghĩa địa vào thưa thớt dân cư gốc của phường Hưng Bình.
Sức phát triển phố đầu tiên trên đường Nguyễn Sỹ Sách bắt đầu từ đoan Ngã tư Ga Vinh đến góc cầu kênh Bắc (nơi giao nhau đường Nguyễn Văn Cừ) với các toà nhà ngân hàng nhà nước bám mặt Bắc phố và trụ sở Công ty xăng dầu Nghệ - Tĩnh mặt Nam phố được xây dựng cuối những năm 1980; đoạn phố này lúc đó đã có 2 chiều với 4 làn xe để từ đó quy hoạch phóng tuyến thẳng xuống Hưng Lộc như bây giờ. Khi các khu dân cư chưa đông đúc, đây là một phố vắng được coi như là “âm hưởng” cuối cùng của “vòng sóng” đô thị từ nội đô Vinh tỏa ra phía Bắc thành phố vùng các xã cũ Yên Dũng, Nghi Phú. Dần dà, khi quy hoạch nhiều khu phố mới Hà Huy Tập và một phần Nghi Phú, Hưng Lộc, các cây cầu nhỏ vắt qua kên Bắc nối lưu thông các khu dân cư ấy vào trung tâm, những công sở mới lên bám mặt Nam, đường Nguyễn Sỹ Sách thoắt trở thành tuyến giao thông nội đô quan trọng, gánh trọn một vùng phát triển phía Đông Bắc Thành phố Vinh.
Với rất nhiều trụ sở, văn phòng ngân hàng đóng trên phố, đường Nguyễn Sỹ Sách nay được ví như là phố tài chính ngân hàng của Vinh. Và đây cũng là một trong những phố có nhiều mặt hàng chuyên doanh, nhất là dịch vụ vật liệu xây dựng từ hàng nội thất cao cấp đến sản phẩm gạch ngói gắn biển “gốm đất Việt” mở ra trên 2/3 tuyến phía Đông phố. Đường rộng, là tuyến lưu thông quan trọng, kiến thiết mặt phố phát triển chóng mặt, nhưng phần lớn đường chưa xây vỉa hè, lại là điều kiện để đường Nguyễn Sỹ Sách có cơ hội chỉnh trang trở thành một con phố thoáng đẹp, lãng mạn nhất Thành phố Vinh sau khi sự án kè kênh Bắc hoàn thành.
Là phố đón nhận làn sóng cư dân mặt phố có phần sau muộn hơn một số phố trung tâm khác, nên đường Nguyễn Sỹ Sách có được những “khoảnh khắc kiến trúc” ở các building (tòa cao ốc) và villa (nhà kiểu biệt thự) thiết kế một cách tân kỳ, độc đáo như một nét chấm phá bất ngờ ở vài, ba góc phố. Phố này còn có các hàng karaoke quy mô lớn với bài trí nội thất đậm không gian Ả-rập đầu tiên của Thành phố. Đến với phố, lại sẽ có những cảm giác đối chứng thú vị; ví như những hoạt động ca hát công nghệ mới, vũ trường (Avatar) sôi động ở bên cạnh những nỗ lực gìn giữ hồn ví, dặm của chiếu hát Nhà hát Dân ca Nghệ An đóng trên đường này....
Cũng bởi có vai trò gánh trọn một vùng phát triển phía Đông Bắc thành phố, nên đường Nguyễn Sỹ Sách có hoạt động chợ búa rất phong phú. Ban sáng và buổi chiều, nếu như hoạt động của chợ Kênh Bắc nống ra tràn suốt một quãng dài mặt Bắc phố; thì ở quãng giữa đường mặt Nam, nơi giao nhau với đường Herman, là các chợ xép họp nối tiếp nhau, cảm tưởng như bất kỳ một góc phố nhỏ nào cũng có thể là một cái chợ xép. Nếp chợ búa ấy, thực ra đã có từ hàng chục năm nay, về mặt trật thự đô thị có thể coi là “vấn đề”, nhưng với người ở phố, dường như đó lại là một sự “tiện lợi tiêu dùng” cùng với điểm chợ lao động, các hàng cắt tóc vỉa hè, rửa xe giá rẻ… đang làm dịu lại nhịp phố có phần căng lên ở công trường thi công kênh Bắc và nhiều dự án building nhỏ đang được triển khai.
Ở nhiều dịch vụ khác như hàng cơ khí nhỏ, tạp hóa bánh kẹo, nước mắm trưng biển Vạn Phần, Cửa Hội, cả hàng than củi, than đá, cám Con Cò cho chăn nuôi… đều bày bán trong những dãy ki-ốt lè tè xây cất đơn giản, vốn thuộc đất mặt tiền của các cơ quan nhà nước đã, đang được quy hoạch lại chờ khởi động những dự án mới. Tất cả, tạo cảm giác đang “ép” một vài cơ quan nhà nước bám mặt phố vào những không gian ngày một ẩn khuất hơn; nhưng đó lại cũng như những “dấu lặng” cần thiết cho nhịp phố đông đúc lên từng ngày vậy!
Về ẩm thực, phố Nguyễn Sỹ Sách chục năm trước được biết đến với hàng gân bò hầm bình dân tập trung phía Ngã tư Vinh phục vụ cánh công nhân lao động. Gần đây quãng vỉa hè đó được các nhà đầu tư giải phóng cho mặt tiền các dự án mới như nhà hàng lẩu băng chuyền đầu tiên của Vinh với thương hiệu “Kichi Kichi” Hà Nội, tuy nhiên khai trương được chưa đầy một năm vắng khách do có lẽ không hợp khẩu vị, nên phải nghỉ. Đó cũng là lúc phố lác đác mọc lên các hàng bia hơi, thịt chó và cho đến nay thì đã nở rộ các hàng bún phở, lẩu, cháo lòng, cơm bình dân… và sau này có thêm thương hiệu bún Đò Trai. Các hàng ấy mọc lên, phát triển chừng mực, nhưng hàng nào cũng gắn bó với khách của riêng mình ở cách chế biến dân dã, biết cách đẩy vị ngon của thực phẩm quê lên đúng với đặc trưng của nó.
Những sôi động phát triển ấy của suốt một mặt phía Nam phố Nguyễn Sỹ Sách, chắc sẽ có nhiều thay đổi trong tương lai với vai trò một trong những huyết mạch nội đô quan trọng của nó. Nhưng những sự thay đổi ấy, chắc chắn sẽ là sự chỉnh trang ngày càng hoàn mỹ, phù hợp với không gian khoáng đạt, hướng đến thiên nhiên và tạo khung cảnh lãng mạn phố ở dự án kiến thiết lại con kênh Bắc mà đang định hình dần những giá trị văn hóa – lịch sử và môi trường của nó.
Nguyễn Sỹ Sách sinh ngày 20/1/1907 ở làng Tú Viên, tổng Xuân Lâm (nay là xã Thanh Lương, huyện Thanh Chương). Năm 1924, sau khi đỗ bằng Thành chung tại Trường trung học Thành phố Vinh, ông làm trợ giảng Trường Tiểu học Pháp - Việt, Thị xã Hà Tĩnh. Tháng 7/1925, Nguyễn Sỹ Sách gia nhập Hội Phục Việt, phụ trách việc xây dựng tổ chức và truyền bá tư tưởng yêu nước trong trường học và Thị xã Hà Tĩnh. Một thời gian sau ông bỏ nghề dạy học trở về quê hoạt động cách mạng. Tháng 8/1927, Nguyễn Sỹ Sách được Hội Hưng Nam cử sang Trung Quốc dự lớp huấn luyện chính trị của Hội Thanh niên. Về nước, ông được cử làm Bí thư Kỳ bộ Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội ở Trung Kỳ. Tại Đại hội đại biểu Thanh niên CMĐCH họp ngày 1/5/1929, Nguyễn Sỹ Sách được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Tổng bộ, đặc trách công tác trong nước. Ngày 28/7/1929, Nguyễn Sỹ Sách bị sa vào tay giặc. Ngày 30/10/1929, Toà án Nam Triều tỉnh Nghệ An kết án ông khổ sai chung thân và đày đi ngục Lao Bảo. Tại nhà ngục, Nguyễn Sỹ Sách đã lãnh đạo các đồng chí tù cộng sản đấu tranh với hình thức tuyệt thực vào ngày 19/12/1929 và bị tên chúa ngục sát hại vào lúc 17 giờ cùng ngày. Tên của Nguyễn Sỹ Sách cho đến nay được đặt tên đường ở TP. Hồ Chí Minh và TP. Vinh. |
Đình Sâm