(Baonghean) - Đốc Thiết là vị thủ lĩnh trong phong trào Cần Vương chống Pháp của người Thái ở Nghệ An những năm 1886 - 1897. Với những dân bản ở các xã Châu Hội, Châu Nga (huyện Quỳ Châu), Đốc Thiết là một vị anh hùng luôn sống mãi trong tâm thức mỗi người…

Theo một số sử liệu thì Đốc Thiết tên thật là Lang Văn Thiết, con trai của võ quan Lang Văn Thu phục vụ dưới triều Tự Đức. Ông sinh năm 1850, tại bản Chiềng, làng Gia Hội, tổng Đồng Lạc, nay thuộc xã Châu Hội huyện Quỳ Châu. Từ nhỏ đã ham luyện cung, múa kiếm, lớn lên thân hình cường tráng lại giao lưu rộng nên có uy tín lớn trong cộng đồng. Ông được cho là người có công lớn trong việc dẹp loạn người Xá đến quấy phá bản mường ở miền Tây Nghệ An. Trong một lần đi Trung Quốc, Tôn Thất Thuyết cùng vua Hàm Nghi đã dừng chân tại đại bản doanh của Đốc Thiết. Tại đây, ông được Tôn Thất Thuyết giao nhiệm vụ phối hợp với nghĩa quân của Cầm Bá Thước ở miền Tây Thanh Hóa lập căn cứ chống Pháp. Cuộc kháng chiến kéo dài hơn 10 năm trên địa bàn miền Tây Nghệ An và Thanh Hóa do Đốc Thiết chỉ huy đã kết thúc bằng sự hy sinh anh dũng của ông tại làng Thanh Nga (xã Châu Nga – Quỳ Châu). Năm đó, ông mới 47 tuổi.

Ngoài những câu chuyện được kể lại cho các thế hệ sau bởi những cựu chiến binh thì trong dân gian còn truyền tụng một huyền thoại về Đốc Thiết. Ông Lương Xuân Liên, nguyên Phó Chủ tịch UBND xã Châu Hội kể lại: Người ta bảo rằng Đốc Thiết có một vật hộ thân mà người Thái ở Quỳ Châu gọi là “chộng cụt”. Nhờ vật hộ thân này mà khi bị bắt, kẻ địch đã không có cách nào giết ông, bởi khi mang vật hộ thân thì con người trở nên thần kỳ lắm. Đạn bắn, dao đâm không hề hấn gì. Người ta cho đem ông bỏ vào máng cối giã gạo dùng chày đâm, dùng nước sôi dội nhưng ông vẫn sống. Sau có người bày mưu dùng một cây lủi đem vót nhọn rồi dùng đâm từ hậu môn lên bụng. Bằng cách này, những kẻ phản bội đã giết được Đốc Thiết rồi đem đầu đi thị chúng, còn thân thì chôn ở làng Thanh Nga, nay là bản Nga Sơn, xã Châu Nga (Quỳ Châu). 
 
Theo lời kể của ông Lang Văn Thắng (chắt nội của Đốc Thiết) thì chuyện về sự hy sinh của ông có phần khác so với sử sách ghi lại: Trong giai đoạn cuối của cuộc khởi nghĩa, nghĩa quân của Đốc Thiết lâm vào tình cảnh khó khăn nên ông muốn chạy đến nương nhờ em rể của ông là Cầm Bá Thước cũng đang đứng lên chống Pháp ở miền núi Thanh Hóa. Lúc đó, Cầm Bá Thước cũng bị giặc bắt đem bắn. Khi mất đi mối liên minh, ông đành phải co cụm lại ở căn cứ Trịnh Vạn tại xã Châu Nga ngày nay. Ngày ấy, quan phủ trao giá rằng nếu ai giết được Đốc Thiết thì những gì chìm dưới đất trong làng sẽ thuộc về người đó, quan phủ chỉ lấy những gì nhìn được như ruộng nương, vườn tược… Dù đã đề phòng cẩn thận nhưng ông không biết rằng kẻ thù đã dùng đường tắt vào mai phục dưới gầm sàn. Đêm ấy, thấy có động, ông ra cửa sổ ngóng tình hình thì có 4 khẩu súng thò lên bắn. Ông dính đạn bị thương. Sau khi tự cầm máu bằng thuốc phiện rồi chạy đi. Đến cửa suối nơi con khe Châu Nga đổ ra sông Hiếu, ông bị kẻ địch đuổi và giết hại.
 
images1008392_khu_m____c_thi_t__c_nh_m__l__c_y_t_o_n_i_treo_th__c_p__ng.jpgKhu mộ Đốc Thiết.
 
Đốc Thiết mất đi, phong trào kháng Pháp ở miền núi Nghệ An – Thanh Hóa cũng dần lắng xuống. Bản làng mất đi một người con ưu tú. Nhưng ông mãi là niềm tự hào của thế hệ sau. Hơn chục năm nay, hài cốt của Đốc Thiết được chuyển từ Châu Nga về Châu Hội nơi ông sinh thành. Ngôi làng vẫn còn đó cái nét cổ xưa như thuở Đốc Thiết cầm quân kháng Pháp, những mái nhà tranh nép mình dưới tán cọ xanh um. Cạnh làng là khu di tích mộ Lang Văn Thiết được bộ Văn hóa – Thông tin công nhận Di tích Lịch sử - văn hóa vào năm 1998. Khu mộ tọa lạc trên khuôn viên có diện tích khoảng 800 m2. Cạnh ngôi mộ được bốc dời về từ xã Châu Nga là một cây táo được cho là nơi giặc Pháp treo thủ cấp Đốc Thiết để thị chúng. Về sau, cây táo này từng bị chặt hạ nhiều lần nhưng từ gốc cây lại nảy mầm chồi mới rồi phát triển thành cây. Dân bản cho rằng đây là một cái cây thiêng, một biểu tượng về ý chí quật cường của cộng đồng. Khu di tích được xây dựng, hàng tháng người dân đến thắp hương tưởng nhớ vị thủ lĩnh tài ba của bản làng. Hàng năm, vào ngày Thương binh – liệt sỹ (27/7), những học sinh giỏi của địa phương về đây để nghe những cựu chiến binh kể về truyền thống đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc, về người anh hùng Đốc Thiết. 
 
Hữu Vi - Ngọc Lan