(Baonghean) - Chiều mơ màng nắng. Đứng trên tột mỏm phía Tây hòn Lan Châu để bao quát Thị xã Cửa Lò; bên kia thảm xanh cỏ cây choàng quanh bãi tắm đã hươm lên màu vàng loài cúc biển; giữa những toà khách sạn và khu dân cư đô thị du lịch, là linh thiêng, mời mọc ngọn cờ hội của đền Mai Bảng - linh hồn của một làng ngư tuổi mấy trăm năm có lẻ...
Tôi tạm biệt nhóm du khách trẻ tuổi đang cùng “thám hiểm” đảo Lan Châu, tạm rời bỏ cái cảm giác rất trào lộng mình là bậc tao nhân có niềm say mê như ông hoàng Bảo Đại khoan khoái đứng trên lầu vọng cảnh xưa, ngắm một vùng non nước Cửa Lò tựa dấu son trên bờ biển Việt; để rời núi hòa vào không gian quyến rũ một nét riêng của Thị xã Cửa Lò - làng Mai Bảng của phường Nghi Thủy.
Từ bãi tắm Lan Châu, vượt ngang qua Đại lộ Bình Minh, qua tiếp chợ Hôm bán đặc sản biển nổi tiếng của vùng này, hết vài thôi đường tản bộ qua những con đường bê tông rực rỡ cờ phướn hoa đăng dùng dằng tiết Xuân ngày Tết thường thấy ở những không gian làng ngư còn đậm nếp cổ, là đến đền làng Mai Bảng tọa lạc trên khuôn viên rộng với vẻ trầm mặc, uy linh. Địa giới đất đai, tâm thức làng xưa, nay ôm gọn không gian và những buồn vui cư dân 7/11 khối của phường Nghi Thủy. Vào đầu thế kỷ XX, người Pháp phát hiện ra bãi tắm biển tuyệt vời hàng bậc nhất miền Bắc Việt Nam này để lập khu nghỉ dưỡng chính trên địa bàn phường Nghi Thủy nay, thì cụ ông Nguyễn Quang Vinh, 77 tuổi, thủ từ đền Mai Bảng (Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh) hẳn chưa ra đời. Nhưng vẫn cụ rành rẽ về đất và người Mai Bảng như một hướng dẫn viên du lịch.
Câu chuyện đền thiêng thờ Chiêu Trưng Vương Lê Khôi - bậc khai quốc công thần nhà Hậu Lê dày công lao với đất nước, nhân dân miền Hoan Diễn xưa - xứ Nghệ nay, đã là cuốn hút. Linh thiêng ngày lễ vọng, trong khói hương cầu trời an bể lặng của người làng chài, tiếng trống hội dập dồn của đội trống làng Mai Bảng như trống trận thuở xưa Đại vương giong cờ kéo quân qua nơi cửa bể đi đánh dẹp Chiêm Thành. Ấy là đội trống của làng đang chuẩn bị đêm nay sẽ “hành quân” xuôi phường Nghi Hải phục vụ cho lễ cầu ngư ở đó. Cụ Vinh thành kính thắp hương lên thượng điện, cầu cho phóng viên sức khỏe và “dồi dào bút lực”, rồi dẫn cho chúng tôi nghe về thuở dân làng Mai Phụ, nơi an táng Chiêu Trương Vương Lê Khôi ở mạn trong về cư ngụ ở đây, lập đền và đặt tên làng mới Mai Bảng, bao thế hệ trải mấy trăm năm vun đắp một hồn làng ngư… Như buổi chiều này, những người ngư dân vừa xong chuyến biển, đôi chân chưa ráo nước biển khơi đã vội vã lên chùa để kịp thắp nén nhang ngày Rằm; có người ngày mai đi chuyến biển mới, hay chạy những chuyến hàng đặc sản biển đi các chợ trong vùng, đều tìm về không gian linh thiêng này cầu một sự an lành, may mắn… Hẳn cuối cùng, đó cũng là một nếp tâm linh hướng thiện, giữ gìn hồn làng biển mà thôi.
Rời đền Mai Bảng, theo con đường bê tông sạch sẽ uốn lượn trong làng chài đang dậy lên bao hương vị quyến rũ của công việc chế biến đặc sản biển, chúng tôi ra khu vực bến cá. Lao xao thuyền nhỏ chuyển cá tôm từ tàu lớn về đan trong nắng giăng tơ cửa lạch. Ngư phủ Trương Thanh Thúy, chủ con tàu 400 CV, vừa điều hành nhân công bốc xếp cá từ thuyền lên xe tải, chặc lưỡi hồ hởi: “Tiếc quá, tiếc quá! Giá anh về đây tầm mưng mửng sáng, tàu đánh cá đêm về, chợ bến rộn bán mua, cá ngon được nướng ngay tại chỗ. Rất nhiều khách du lịch tham quan chợ cá, mua hải sản tươi nướng làm quà, có người mua một lúc bảy, tám triệu đồng!”.
Thuyền chiều về chỉ con man, con tép thôi, và chợ buổi mai đã chuyển phiên ra chợ Hôm tấp nập, nhưng trên bến cá nồng hương vị biển khơi theo những thuyền cá về, khách du lịch vẫn có thể háo hức hòa vào không khí bán mua của ngư dân làng biển Mai Bảng. Những sản vật biển khơi ấy, nhanh chóng được chuyển về các cơ sở chế biến trong làng, và sau đó trở thành những sản phẩm đặc sản hấp dẫn du khách đến đây. Chị Nguyễn Thị Lưu, đã 15 năm làm nghề sấy tôm nõn, một năm cho ra sản phẩm hàng chục tấn, mỗi ngày vào vụ du lịch chị sử dụng hàng trăm nhân công, lò sấy cứ sôi động như một làng nghề, khách du lịch vào tận nơi vừa xem vừa mua, hỏi han trò chuyện, chị hóa say đắm với cái nghề này cũng một phần vì thế.
Chị bảo, làm sản phẩm phục vụ khách du lịch là phải kỳ công, con tôm sấy khô ra trông đơn giản thế nhưng chỉ nói riêng cái công đoạn luộc tôm thôi, cũng phải pha chế theo cách riêng sao cho tôm thơm, ngon. Khi luộc, phải căn thời gian và sức nóng của lửa để tôm không mềm quá, cũng không cứng quá mà lại bóc vỏ dễ dàng, tôm không bị mất thịt và mất chất; để tôm sau khi luộc xong giữ được vị ngon, ngọt, phải dùng củi gỗ để luộc… Nguyễn Văn Thắng - sinh viên Trường Đại học Công đoàn Hà Nội, quê Tuyên Quang, theo bạn người Nghệ An về tắm biển Cửa Lò, giơ túi tôm nõn, khoe: “Em vừa mua đấy! Cứ nghĩ về Cửa Lò chỉ tắm biển rồi ăn đặc sản ngoài nhà hàng là hết. Không ngờ, lại được vào thăm một làng biển thích như thế này. Em cũng đã vào đền Mai Bảng và vào làng nghề xem người dân chế biến nước mắm, sấy tôm nõn. Rất thú vị!”.
Tôi đã chuyện trò với chàng sinh viên trẻ ấy về khởi phát của du lịch Cửa Lò đầu thế kỷ trước. Làng vốn cũng là một miệt biển nghèo mà biển và bờ mặc muôn con sóng vỗ vào cát mềm nơi vạch cửa sông; nương theo nhịp nhàng con nước triều lên xuống, cái vị mặn muối trùng khơi dan díu vào nhau cho những loài hải sản nuôi sống người làng chài thuở đi khơi đang là khát vọng! Can qua bao thời và sóng gió dữ dằn nơi cửa biển càng làm lớn lên trong mỗi người dân làng chài một tình yêu đất đai, sóng nước, để người làng chài Mai Bảng đã, đang và sẽ gắn bó với nghề biển, nhưng luôn năng động bắt nhịp với những gì mà biển quê ban tặng cho mình trong mỗi thời.
Theo một cứ liệu mô tả: “Khu vực người Pháp xây dựng khách sạn từ bãi biển Lan Châu (đảo Lan Châu) tiến lên phía Bắc 1 km (thuộc địa phận làng Mai Bảng - phường Nghi Thủy bây giờ), tại đây có 10 khách sạn của những ông chủ Pháp... Các khách sạn này thường được bố trí 4 gian 2 chái, mái lợp ngói Mác-xây, cửa sổ bằng gỗ lim, trong kính ngoài chớp, nền lát gạch hoa thị. Nền nhà được tôn cao, xung quanh có vườn, từng dãy phi lao xanh tốt, hành lang khách sạn khá rộng để đi dạo và chống nóng. Bình thường, người Pháp thuê người địa phương trông coi, lao công, nấu ăn; cứ mỗi người địa phương lại trông coi một khách sạn như thế...”.
Không biết, người làng Mai Bảng có ai là hậu duệ của một trong những người dân địa phương trăm năm trước được người Pháp giao trông coi khách sạn mà họ xây dựng hay không? Dấu tích kiến trúc xưa nay không còn, trả lại một vòng cung biển hoang sơ, thơ mộng. Nhưng dọc nơi mà người Pháp từng xây 10 khách sạn ấy, nay là dãy quầy hàng bán những đặc sản biển nổi tiếng do chính người làng Mai Bảng chế biến, luôn hút du khách về đây mua bán. Anh Hoàng Văn Yên - khối trưởng khối 7, cũng là trưởng Làng nghề chế biến hải sản Nghi Thủy, vóc dáng vạm vỡ, giọng nói ầm ào như sóng bể, lại là người duy nhất trong 8 anh chị em ruột nối nghề chế biến mắm ruốc gia truyền của mấy đời người làng Mai Bảng, say sưa nói với chúng tôi về hương vị sản phẩm mà chuyện xây dựng thương hiệu phục vụ khách du lịch đang được người làng nghề ở đây nung nấu.
Hoàng Văn Yên dẫn chúng tôi đi xem những thùng nước mắm thành phẩm dung tích hàng trăm lít/thùng được xếp gọn trên vuông sân sạch sẽ. Thử xem nhé! Yên vừa nói vừa khẽ mở một nắp thùng lên. Sanh sánh màu cánh gián của nước mắm tinh cốt và cả sanh sánh tỏa lên hương vị thơm tho đậm đà khó tả của thứ nước mắm không đun “ép” nhiệt theo kiểu “dây chuyền công nghệ” trong dăm ba tháng, mà được được ủ phơi nắng cả hàng năm ròng; đàn bà Mai Bảng làm nghề ai cũng thắt đáy lưng ong bởi ngày ngày đứng nhuyễn tay quấy đảo, dồn cả tâm huyết, mặn mòi xứ biển vào đó, khiến cho dòng nước mắm Mai Bảng để càng lâu càng ngon...
Và nữa, là đặc sản mắm ruốc với màu đỏ au au hấp dẫn, mà chắc hương vị đặc trưng như ở đây chỉ có một, dù giá cả có nhỉnh hơn nơi khác chút đỉnh. Nước mắm hay mắm ruốc Làng nghề chế biến hải sản Nghi Thủy được làm ra dưới tay nghề bí quyết truyền thống người làng chài Mai Bảng, ăn với thức gì cũng ngon, mà theo cách nói của khách sành ăn thì có thể “kích thích mọi giác quan”. Nhưng về tắm biển Cửa Lò, đến thăm làng Mai Bảng, người làng dứt khoát sẽ “bật mí” và sẵn lòng phục vụ luôn cho du khách: Mắm ruốc ở đây ngon nhất là dùng ăn thô với khế chua và bún, sẽ thưởng thức hết được mùi vị nguyên sơ của mắm. Thêm lát ớt tươi làm món ăn vừa chua vừa cay, đem lại cảm giác vừa rất lạ, vừa mãi không quên, để thêm tò mò mà thăm thú, vãn cảnh đền, tìm hiểu đời sống thị dân đô thị du lịch nhưng vẫn giữ nếp làng chài đầy cuốn hút này.
Đó là, chưa kể khi đã rảo vừa giãn bước chân trong cái không gian làng ấy, trước khi ra đắm mình thư giãn trong sóng biển trong xanh, mát lành, bạn hãy ghé chợ Hôm, vào hàng nướng cá thu trên bếp than củi, bắc chiếc ghế nhỏ ngồi vừa thưởng thức ngay được món đầu, đuôi cá thu nướng tươi ngon, vừa được nghe câu chuyện kể về nghề nướng cá thu ở đây mà sản phẩm từng được gửi máy bay sang tận Mỹ. Con gái làng Mai Bảng nướng cá thu ngon nổi tiếng, thường chiếm giải trong các hội thi nướng cá được tổ chức giữa các làng ngư. Cá thu chợ Hôm nướng xiên bằng thanh luồng huyện Tây Bắc Quỳ Châu, than củi cũng kỳ công chọn lựa bằng các loại than luyện từ các mạn rẻo cao xứ Nghệ. Ấy là đặc sản biển Cửa Lò đã biết kết hợp sự “phụ họa” của sản vật các miền để tôn lên hương vị phục vụ du khách muôn nơi. Chuyện ấy là khi tôi với một đồng nghiệp trong khi chén gọn một bộ đầu đuôi cá thu nướng tại chỗ, ở chợ Hôm Nghi Thủy, đã hóng được từ cụ bà Thái Thị Thanh, 68 tuổi, là con gái làng Mai Bảng, từng biết theo mẹ đi khắp các chợ quê nướng cá từ năm lên 10 tuổi đến bây giờ...
Đình Sâm