(Baonghean) - Lên với miền biên ải Kỳ Sơn, ngắm nhìn những dãy núi với bản làng của đồng bào các dân tộc ẩn hiện trong sương, thưởng thức những đặc sản của núi rừng, hòa cùng tiếng khèn, điệu lăm…vượt “cổng trời” thăm hang Thẳm Đạn và qua cửa khẩu Nậm Cắn giao lưu, tham quan đất nước Lào. Những tiềm năng du lịch hấp dẫn này đang được huyện Kỳ Sơn đánh thức và hứa hẹn mang đến cho du khách những trải nghiệm thú vị nơi miền sơn cước.

images967302_3..ph_a_trong_th_m___n.jpgHang Thẳm Đạn

Đầu tháng 4, trong chuyến công tác lên Kỳ Sơn, ông Vi Hải Thành - Bí thư huyện ủy rủ chúng tôi đi khảo sát thực tế hang Thẳm Đạn ở xã Mỹ Lý, với giới thiệu ngắn gọn: “Các anh vào mà coi, tuyệt lắm! Không khác chi các hang động ở Phong Nha - Quảng Bình. Đặc biệt, vào đây được thưởng thức các món ăn dân tộc hấp dẫn, tham gia điệu múa nhịp nhàng của người Thái và có thể thưởng ngoạn núi sông bằng thuyền trên lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ, phía thượng nguồn sông Nậm Nơn…”. Trước lời mời đó, chúng tôi “xách máy ảnh và đi”. 

Con đường từ thị trấn Mường Xén đến Huồi Tụ, qua “cổng trời” Mường Lống, rẽ vào đến Mỹ Lý giờ được rải nhựa bằng phẳng. Vòng qua mấy ngọn đồi phủ xanh chè Shan tuyết và rừng nguyên liệu, với thời gian khoảng 1h15 phút, chúng tôi dừng bên con suối trong vắt, phía trên là cửa hang Thẳm Đạn. Biết có đoàn của huyện vào thăm, lãnh đạo xã và mấy “nọong” (tiếng Thái là em gái) váy áo Thái sặc sỡ chờ sẵn. Con đường lên hang Thẳm Đạn được xã Mỹ Lý ghép đá thành bậc, thuận lợi cho mọi người vào tham quan. Ông Kha Văn Minh - Chủ tịch UBND xã cho biết: “Hang được dân bản phát hiện từ nhiều năm qua. Đây từng là nơi người dân tránh trú thiên tai và là nơi được bộ đội sử dụng làm căn cứ trong thời kỳ chiến tranh. Những già làng của xã kể về sự tích Thẳm Đạn gắn liền với câu chuyện tình cảm bền chặt giữa cô gái Thái xinh đẹp và chàng trai con của “Phà” (Trời) tài hoa - Đó có thể là tổ tiên của người Thái vùng này. Phía trong hang có những nét hoang sơ, kỳ bí với nhiều nhũ đá lấp lánh và nhánh hang nhỏ hấp dẫn. Mùa hè, vào trong hang không khí trong lành, mát lạnh. Còn mùa đông, hang ấm áp với hơi sương mờ ảo...”.
 
Rất nhiều đoàn khách ở các vùng miền trên địa bàn huyện đã tổ chức tham quan theo hình thức tự phát hang Thẳm Đạn. Nhiều gia đình ở Mỹ Lý đã mạnh dạn mở quán phục vụ đồ uống và các món ăn: cá, thịt nướng, cơm lam ở gần cửa hang. Sau khi khảo sát, huyện ủy, UBND huyện Kỳ Sơn thông qua chủ trương xây dựng tuyến du lịch từ thị trấn Mường Xén vào thung lũng Mường Lống (có khí hậu giống Sa Pa) kết nối với tham quan Thẳm Đạn và du thuyền trên lòng hồ thủy điện Bản Vẽ phía thượng nguồn dòng Nậm Nơn. Cùng với việc thưởng ngoạn cảnh quan, du khách sẽ được thưởng thức các món ăn được nướng chín (thịt, cá, cơm lam, măng nướng...) và vui hội rượu cần đặc sắc của đồng bào dân tộc ở Mỹ Lý. Ông Vi Hải Thành - Bí thư huyện ủy rất tâm đắc với việc khai thác tuyến du lịch này gắn với tham quan Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn và sẵn sàng mở rộng kết nối với tỉnh Xiêng Khoảng (Lào) tổ chức cho du khách tham quan Cánh đồng Chum. Theo ông Thành, “Nếu khai thác được sẽ đánh thức tiềm năng du lịch của Kỳ Sơn, góp phần kết nối với các tuyến du lịch của Nghệ An và cả nước…”.
 
Huyện Kỳ Sơn là địa bàn có nhiều dân tộc sinh sống với những nét văn hóa đặc sắc. Các dân tộc Thái, H’Mông, Khơ Mú đã tạo nên những nét văn hóa riêng. Người H’Mông có những bí quyết cổ truyền trong rèn dao mẹo, nổi bật với văn hóa múa khèn, đàn môi, ném còn; Người Khơ Mú có những ca khúc bằng sáo 4 lỗ hấp dẫn và người Thái nổi tiếng với nghề dệt thổ cẩm bao đời được gìn giữ và phát huy. Tuy nhiên, nhiều năm qua, chính quyền và người dân ở vùng biên viễn này chưa thực sự chú trọng quảng bá những nét văn hóa phong phú cũng như tiềm năng du lịch sẵn có. Chính vì vậy, khi đặt vấn đề khai thác các tuyến du lịch ở Kỳ Sơn giai đoạn hiện nay được ví như việc “đánh thức nàng công chúa ngủ trong rừng”. 
 
Trong thực tế, những năm qua, cùng với việc đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, huyện Kỳ Sơn cũng từng bước phát huy những giá trị văn hóa, tổ chức các lễ hội Đền Pu Nhạ Thầu (xã Hữu Kiệm), Đền thờ Cây Đa (hay đền thờ ông Đức Thánh - xã Tà Cạ) thu hút hàng vạn đồng bào và du khách gần xa tham quan. Nhưng tất cả đang là sơ khai và chưa được đầu tư đúng tầm.
 
Vấn đề cơ bản hiện nay, bên cạnh tâm huyết của chính quyền và người dân, rất cần có sự vào cuộc tích cực của các doanh nghiệp, nhà đầu tư để xây dựng hạ tầng, sản phẩm du lịch và kết nối các điểm đến một cách hiệu quả. 
 
Nguyên Nguyên