(Baonghean) - Hiện nay, việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) được thực hiện rộng rãi trong các nhà trường, trong đó có việc ứng dụng các phần mềm để soạn thảo bài giảng. Đây được coi là nỗ lực trong đổi mới phương pháp dạy và học, góp phần tích cực nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở các cấp học. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai chương trình giảng dạy có sự hỗ trợ của CNTT đã bộc lộ nhiều bất cập...

Đổi mới phương pháp dạy và học

Tham gia một tiết học Hình học với phương pháp ứng dụng bài giảng điện tử của lớp 8B, Trường THCS Tôn Quang Phiệt – Thanh Chương, mới thấy được sự hào hứng của các em học sinh. Giáo viên sử dụng trình chiếu slide power point, giao diện trên màn hình máy chiếu lần lượt thay đổi; những hình khối minh họa trong không gian ba chiều giúp các em dễ dàng hình dung và tiếp thu bài giảng. Em Nguyễn Khánh Quỳnh (Lớp 8B – Trường THCS Tôn Quang Phiệt) cho biết: “Những bài giảng điện tử như thế này luôn tạo hứng thú cho chúng em. Bởi không còn lệ thuộc vào sách giáo khoa nhiều, mà chúng em còn được nghe, nhìn nên dễ dàng hiểu bài và ghi nhớ kiến thức”.
 
Theo Thầy giáo Nguyễn Quốc Trường, giáo viên nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy môn Toán “Với đặc thù của môn học tự nhiên có nhiều công thức, hình khối nên khi sử dụng các hiệu ứng CNTT thì giáo viên chỉ đóng vai trò người hướng dẫn, đặt vấn đề, còn học sinh chủ động xây dựng bài, giải quyết vấn đề. Ngoài ra, sử dụng giáo án điện tử, giáo viên không phải mất nhiều thời gian trình bày hình vẽ trên lớp, nên sẽ có nhiều thời gian hơn cho việc thuyết trình, học sinh phát biểu ý kiến. Bởi vậy công việc của người giáo viên sẽ giảm bớt, đồng thời tạo thói quen chủ động tiếp thu bài giảng cho các em”. Nhận thấy những lợi ích về mặt trực quan sinh động mà giáo án điện tử mang lại nên nhà trường đã quy định các tổ bộ môn trong trường chọn lọc ra những bài giảng phù hợp với phương pháp hỗ trợ của ứng dụng CNTT và phân công các giáo viên soạn bằng hình thức bài giảng điện tử. Đây cũng là yếu tố được đưa vào để xem xét khi bình xét thi đua của giáo viên cuối năm của nhà trường.
 
Còn với những bộ môn cần sự hỗ trợ của đồ dùng học tập như môn Tiếng Anh thì giáo án điện tử  thực sự phát huy hiệu quả. Cô Đặng Thị Hiền Lương, giáo viên Trường THCS Thị trấn Anh Sơn cho biết: Theo quy định của nhà trường, mỗi tuần bộ môn Tiếng Anh chúng tôi có ít nhất một tiết dạy giáo án điện tử. Giáo án điện tử như là một công cụ hỗ trợ đắc lực trong các tiết học nhằm tăng tính phản biện, hấp dẫn học sinh; giúp các em dễ dàng hơn trong việc ghi nhớ từ điển, luyện nói, viết... Bởi vậy, từ khi ứng dụng CNTT vào giảng dạy, các em rất hứng thú, tích cực và chủ động xây dựng bài. Kết quả học tập nhờ vậy được nâng lên đáng kể”. 
 
Trường THCS Anh Sơn có 2 phòng học có máy chiếu và một phòng đa chức năng phục vụ giảng dạy. Bởi vậy, để khuyến khích các giáo viên ứng dụng CNTT như là một công cụ hỗ trợ đắc lực cho bài giảng, đầu năm nhà trường quy định các giáo viên đăng ký các tiết dạy giáo án điện tử; riêng giáo viên bộ môn Tiếng Anh, quy định mỗi tuần có ít nhất một tiết học tại phòng học đa năng. Đây là một trong những tiêu chí để nhà trường đánh giá xếp loại thi đua cuối năm của giáo viên” -  Thầy Nguyễn Hữu Hào Quang – Phó Hiệu trưởng Trường THCS Anh Sơn cho biết. 
 
Có thể khẳng định rằng trong khoảng 5 năm trở lại đây việc ứng dụng CNTT ở các cấp học, bậc học trên địa bàn toàn tỉnh đã có hiệu quả nhất định. Đến thời điểm này cơ bản các trường học ở tỉnh ta đã được kết nối mạng internet tạo thuận lợi để các trường học trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh ứng dụng CNTT; tạo ra phong trào sử dụng ứng dụng CNTT trong các nhà trường. Nhiều giáo viên đã xây dựng được hệ thống giáo án điện tử, mang lại nhiều lợi ích trong việc hỗ trợ dạy và học, góp phần thay đổi phương pháp đọc, chép truyền thống. 
 
Còn nhiều bất cập…
 
Tuy nhiên, để soạn được giáo án điện tử cho một bài học trên lớp là một việc làm không đơn giản; đòi hỏi ngoài việc nắm vững kiến thức trong sách giáo khoa, giáo viên cần phải có kỹ năng sử dụng được các phần mềm Tin học thành thạo như trình diễn PowerPoint, E - learning. Đây chính là trở ngại lớn đối với nhiều giáo viên hiện nay. Cô Trần Thị Nhung – giáo viên bộ môn Tiếng Anh - Trường THCS Quán Hành – Nghi Lộc cho biết, trung bình mỗi tuần cô cũng thường sử dụng 3 bài giảng bằng giáo án điện tử. Với sự hỗ trợ của các file âm thanh, hình ảnh, bài giảng trở nên sinh động, hấp dẫn học sinh. Tuy nhiên, cô cũng thẳng thắn thừa nhận trở ngại lớn nhất đối với giáo viên hiện nay chính là trình độ Tin học có hạn. Bởi vậy, nhiều lúc có ý tưởng nhưng chưa chuyển tải được thành nội dung (hình ảnh, liên kết) theo đúng ý tưởng của mình. 
 
images895146_anh_2.jpgGiờ học Tiếng Anh với giáo án điện tử ở Trường THCS Quán Hành (Nghi Lộc).
 
Trình độ Tin học còn hạn chế cũng chính là một trong những lý do khiến nhiều giáo viên hiện nay gặp khó khăn trong việc sử dụng các ứng dụng CNTT. Ông Nguyễn Văn Thông – Phó trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Nghi Lộc cho biết: “Hiện nay hầu hết giáo viên đã có thể ứng dụng CNTT để soạn giáo án nhưng chỉ có khoảng 50% giáo viên có thể sử dụng được các phần mềm tương tác để soạn bài giảng điện tử. Ưu điểm là khi soạn giáo án trên máy tính thì giáo viên tiết kiệm được thời gian, khai thác, tham khảo và sử dụng được các nguồn tư liệu sẵn có làm phong phú thêm cho bài giảng. Tuy nhiên, nếu kiểm soát không tốt thì không tránh khỏi trường hợp giáo viên sao chép giáo án”. 
 
Khi được hỏi về vấn đề này, một giáo viên xin được giấu tên (Trường THCS Kim Liên – Nam Đàn) cho biết, soạn giáo án điện tử vừa tốn nhiều thời gian, trình độ Tin học lại hạn chế nên ít giáo viên “mặn mà” với việc này mà chủ yếu vẫn là gõ văn bản trên máy tính thay vì viết tay như trước đây. Chỉ thỉnh thoảng có tiết thao giảng chúng tôi mới soạn giáo án điện tử để dạy, nhưng cũng phải nhờ cậy đến giáo viên Tin học hỗ trợ. 
 
Mặt khác, khó khăn chung của các trường học hiện nay chính là thiếu cơ sở vật chất trang, thiết bị phục vụ bài giảng điện tử; điều này cũng là những trở ngại lớn trong việc khuyến khích giáo viên ứng dụng CNTT để nâng cao chất lượng bài giảng. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện trung bình mỗi trường chỉ có 1-2 máy chiếu nên các trường rất khó khăn để bố trí tiết dạy theo giáo án điện tử. Đơn cử ở Trường Tiểu học Vân Diên 1 (Nam Đàn), trong gần 1 năm nay, nhà trường không thể giảng dạy bằng giáo án điện tử dù nhà trường có 1 máy chiếu nhưng đã bị hỏng từ năm 2012, chưa có kinh phí để sửa chữa. Mà nếu có máy chiếu thì cũng khó mà sử dụng được vì nguồn điện ở đây không ổn định - cô Trần Thị Hoa Hiệu trưởng nhà trường cho biết. 
 
“Giáo án điện tử đóng vai trò là phương tiện bổ trợ cho giáo viên khi giảng dạy, thế nhưng khó khăn hiện nay là còn có một số giáo viên vì chưa hiểu rõ nên đã sử dụng bài giảng điện tử, để thay thế hoàn toàn bài giảng của mình. Thực tế là  không phải bài giảng nào, bộ môn nào cũng sử dụng được giáo án điện tử, vì vậy có những bài giảng không mang lại hiệu quả. Ngoài ra, qua những cuộc thanh tra, kiểm tra, chúng tôi nhận thấy còn có một số trường hợp giáo viên mặc dù có học tập, tham khảo theo các sáng kiến kinh nghiệm, các nguồn tư liệu, tuy nhiên còn sao chép mà không chỉnh sửa để phù hợp đối tượng học sinh của mình” - ông Nguyễn Trọng Hoàn, Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết thêm. 
 
Để hạn chế việc lạm dụng CNTT trong soạn giáo án của giáo viên, từ đầu năm học này ngành Giáo dục Thanh Chương đã triển khai cho tất cả các trường học rà soát lại năng lực về CNTT của các giáo viên; những giáo viên chưa đủ khả năng sử dụng các kỹ năng Tin học thì không soạn giáo án điện tử. Thực hiện quy định chung của ngành, Trường THCS Xuân Tường đã tiến hành rà soát lại. “Trong tổng số 18 giáo viên của nhà trường, có 16 giáo viên đủ tiêu chuẩn để soạn giáo án điện tử; số giáo viên còn lại sẽ được tập huấn để nâng cao trình độ Tin học” – ông Nguyễn Hồng Quang – Hiệu trưởng Trường THCS Xuân Tường cho biết. 
 
“Để nâng cao trình độ Tin học cho giáo viên, chúng tôi triển khai tập huấn cho cán bộ Tin học các trường mỗi năm một lần. Ngành cũng thường xuyên tiến hành kiểm tra đột xuất việc soạn giáo án của giáo viên, cho giáo viên thực hành giáo án điện tử để đánh giá chất lượng. Ngoài ra, trong bài giảng luôn có phần rút kinh nghiệm, giáo viên phải có chỉnh sửa sau mỗi bài giảng để hoàn thiện hơn giáo án điện tử đó”, bà Nguyễn Thị Hằng – Phó trưởng phòng Giáo dục huyện Thanh Chương khẳng định.   
 
Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học là một nhu cầu bức thiết, trong đó có việc ứng dụng các phần mềm để soạn bài giảng điện tử. Tuy nhiên, để phương pháp dạy và học mới này mang lại hiệu quả, đòi hỏi bản thân mỗi giáo viên phải tự trau dồi các kỹ năng, trình độ Tin học đáp ứng yêu cầu tự xây dựng được bài giảng điện tử. Mặt khác, người giáo viên cần xác định CNTT là công cụ hỗ trợ bài giảng, phục vụ mục đích tham khảo; từ đó kết hợp phương pháp dạy truyền thống để mang lại hiệu quả thực sự trong việc nâng cao chất lượng giảng dạy chứ không nên chạy theo phong trào.
 
 
Đinh Nguyệt