(Baonghean) - Theo thống kê của Phòng Quản lý Khoa học cấp huyện (Sở Khoa học và Công nghệ Nghệ An), từ năm 2007-2013, số đề tài, dự án KHCN cấp tỉnh do phòng quản lý là 52 đề tài, dự án nhưng chỉ có 5 đề tài, dự án thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn. Đây là một con số quá ít so với những yêu cầu đặt ra thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn trong cuộc sống.
5 đề tài thuộc lĩnh vực KHXH&NV là: “Điều tra, khảo sát và đề xuất giải pháp bảo tồn và phát huy những di sản văn hóa trên địa bàn huyện Yên Thành”; “Nghiên cứu giải pháp huy động nguồn lực cộng đồng bảo vệ môi trường và cây xanh đường phố trên tuyến đường Nguyễn Thị Minh Khai - Thành phố Vinh”; “Nghiên cứu, biên soạn tài liệu và tổ chức dạy học chữ Thái hệ Lai-Tay ở huyện Quỳ Hợp, Nghệ An”; “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hán Nôm trên địa bàn huyện Hưng Nguyên”; “Mở rộng mô hình tổ chức dạy học chữ Thái hệ Lai - Tay ở huyện Quỳ Hợp, Nghệ An”. Thực tế, lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn còn rất nhiều vấn đề cần được nghiên cứu, ứng dụng như: Bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, phong tục, hôn nhân của các dân tộc đang bị pha tạp, Bảo tồn di sản thiên nhiên và di sản văn hóa tại các huyện, phát huy tri thức bản địa; Tác động của quá trình phát triển đô thị đối với môi trường nhân văn; Chính sách xóa đói, giảm nghèo; Chính sách tái định cư cho đồng bào dân tộc…
Trong xu thế phát triển kinh tế hiện nay, với sự tăng nhanh của quá trình đô thị hóa và sự gia tăng các nhà máy xí nghiệp, thiết nghĩ nếu chúng ta không coi trọng và đánh giá đúng những tác động đến môi trường nhân văn thì đó là một sự phát triển không vững chắc và lâu dài, hay nói cách khác là phát triển không bền vững. Nhất là trong giai đoạn hiện nay, việc xây dựng các khu kinh tế, các công trình thủy điện trong chương trình quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh đã có tác động không nhỏ đến môi trường nhân văn như người dân bị mất đất nông nghiệp dẫn đến thất nghiệp, một số trường hợp sử dụng tiền đền bù sai mục đích sa vào tệ nạn xã hội, hay các nhà máy, xí nghiệp gây ô nhiễm môi trường sống cho con người, các di tích lịch sử, văn hóa bị xen lấn, vấn đề định hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đào tạo nghề phù hợp cho người dân…
Đây chính là những vấn đề cần được các nhà nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn giải quyết. Một ví dụ điển hình là gần đây, khi xây dựng công trình Thủy điện Bản Vẽ (Tương Dương), chúng ta đã phải di dời một số đồng bào dân tộc Thái ở khu vực lòng hồ về nơi ở mới. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, đồng bào dân tộc Thái đã quay về chỗ cũ, điều này cần phải đặt ra câu hỏi tại sao? Bởi vì khi di dời đồng bào dân tộc về khu tái định cư, chúng ta không chú ý đến môi trường sống gắn liền với đời sống sản xuất, sinh hoạt của đồng bào, xây dựng nhà ở không phù hợp với phong tục, tập quán của họ, nhiều tập tục trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng bị phá vỡ… Như vậy, xây dựng công trình Thủy điện Bản Vẽ là điều cần thiết, nhưng trước khi xây dựng cần tính đến những tác động của nó đến môi trường nhân văn hay môi trường sống của con người. Có thể xem đây là bài học kinh nghiệm trước khi quy hoạch xây dựng các công trình phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, chúng ta cần có các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn để đảm bảo sự phát triển bền vững.
Tuyến phố Nguyễn Thị Minh Khai (Thành phố Vinh). Ảnh: H.T
Có thể nói trên địa bàn các huyện, thành thị ở Nghệ An đang có rất nhiều vấn đề cần thiết và cấp bách để thực hiện nghiên cứu và ứng dụng các đề tài, dự án thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn. Tuy nhiên, hiện nay, ở các huyện, thành, thị đang chú trọng đến nghiên cứu và thực hiện các đề tài thuộc lĩnh vực ứng dụng kết quả về công nghệ sinh học, nông lâm, thủy sản… mà ít chú ý đến lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn để phát huy vai trò của nó đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Nguyên nhân căn bản là chúng ta chưa nhìn nhận một cách hệ thống, toàn diện về vai trò của khoa học, xã hội và nhân văn. Mặt khác, lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn mang tính trừu tượng cao, kết quả nghiên cứu của các đề tài, dự án thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn không thể đo đếm và hiển hiện ngay mà nó cần thời gian kiểm chứng, có thể 5 năm, 10 năm mà cũng có thể hàng trăm năm sau mới thấy.
Ngoài các đề tài, dự án thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, các huyện thành, thị cần quan tâm đến việc nghiên cứu, sưu tầm, biên soạn các công trình địa chí văn hóa, lịch sử của địa phương mình nhằm hệ thống hóa những tri thức cơ bản nhất về bản sắc văn hóa các tộc người, những sáng tác văn thơ, những di sản văn hóa, lịch sử, kỹ thuật, đất nước, con người qua mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước, để lưu truyền và phát huy các giá trị văn hóa, truyền thống lịch sử vẻ vang của các huyện.
Để các đề tài, dự án thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn được nghiên cứu và ứng dụng nhiều hơn hàng năm, các huyện, thành, thị cần đề xuất những đề tài, dự án thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn cần thực hiện ngay để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương. Sở Khoa học và Công nghệ Nghệ An cần đưa ra chỉ tiêu đề tài, dự án về khoa học xã hội và nhân văn cho các huyện. Các huyện cần liên hệ với một số tổ chức thực hiện chức năng, nhiệm vụ nghiên cứu về khoa học xã hội và nhân văn để được tư vấn, trao đổi kinh nghiệm trong công tác nghiên cứu khoa học.
Đinh Văn Hưng