(Baonghean) - Mùa này, nước lũ lên cao, sông Giăng ngập một màu trắng xóa. Cơn lũ giữa tháng 9 đã cuốn mất cây cầu gỗ duy nhất nối hai bờ sông nên việc đến trường của học sinh Môn Sơn (Con Cuông) gặp không ít khó khăn. Các em phải qua sông trên những con đò chòng chành, mỏng manh, luôn rình rập mối hiểm nguy…
Cùng tôi đợi đò trước khi sang sông, anh Vi Văn Thái, ở bản Nam Sơn than thở: “Từ ngày cầu tạm bị nước cuốn trôi, ngày nào chúng tôi cũng thấp thỏm lúc con đến trường. Giá mà có chiếc cầu kiên cố, chứ cầu tạm thì trụ mô nổi nước lũ…”.
Không biết thời gian qua người dân Môn Sơn đã làm bao nhiêu chiếc cầu tạm cho học sinh qua sông, nhưng ít nhất mỗi năm phải làm lại cầu từ hai đến ba lần…Nhưng những chiếc cầu tạm mỏng manh chỉ có thể trụ được qua mùa khô, còn vào mùa mưa, nước dâng lên một hai mét là lại cầu bị cuốn phăng. Không có cầu, hơn hai trăm học sinh ở những bản thuộc vùng trong của Môn Sơn hàng ngày phải chen chúc trên bến sông, đợi đò để sang trường cấp II học. Mọi sinh hoạt, đi lại của người dân hai bên bờ sông cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì hàng trăm con người nhưng chỉ có một chiếc đò duy nhất vận chuyển hàng ngày…
Mỗi tháng, học sinh qua đò phải trả cho người lái đò 15.000 đồng/người, còn người lớn, xe máy và các phương tiện khác phải mất từ 20 – 30.000 đồng/người. Chèo đò đưa đón khách, mỗi tháng cũng kiếm được tiền triệu nhưng ông La Văn Trúc vẫn không thấy vui vì “thương cho học trò và người dân nghèo quá”.
Địa hình trải rộng, giao thông cách trở nhưng xã chỉ có duy nhất một ngôi trường cấp II nằm bên này sông nên tất cả học sinh vùng trong muốn đi học cấp II, cấp III chỉ có con đường duy nhất là theo đò đi dọc sông Giăng. Con sông bắt nguồn từ Khe Khặng, trong lõi Vườn Quốc gia Pù Mát có độ dốc khá lớn, lại có nhiều ghềnh đá giữa dòng nên mùa nước chảy xiết, ẩn họa nhiều mối nguy hiểm. Gặp chị Lê Thị Thảo, bản Thái Sơn 1 có con gái Nguyễn Thị Na hiện đang học lớp 6A3 Trường THCS Môn Sơn khi đang sang sông đón con về nhà, chị cho biết: Từ ngày cầu tạm bị lũ cuốn trôi, gia đình tôi đành phải gửi con sang nhà chị gái ở bên bản Xiềng để cháu đi học, cuối tuần sang đón về chứ không dám cho con đi đò vì sợ, chẳng may xảy cơ sự...”.
Chen chúc trên chiếc đò ngang tạm bợ, được níu bằng một sơi dây cáp từ bên này sang bên kia sông, chúng tôi cảm nhận rõ nỗi lo lắng của chị Thảo là có cơ sở. Một người dân cho biết: Vì nước chảy xiết, nên xuồng máy cũng khó có thể trụ được. Thế nên người chèo đò phải căng dây cáp sau đó buộc một đầu chiếc thuyền vào sợi dây cáp sao cho chiếc thuyền có thể trượt dài theo sợi dây mới không bị nước cuốn trôi”. Lòng sông khá rộng, thế nhưng quan sát trên chiếc đò chẳng có người nào mặc áo phao cũng chẳng có một phương tiện cứu hộ, cứu nạn nào khác. Em La Thị Thành (ở bản Thái Sơn) rụt rè nói: “Sợ cũng phải đi, nếu không đi đò thì phải nghỉ học. Nhiều bữa đò đông, phải đợi lâu nên đi học muộn. Riêng những ngày nước sông dâng quá cao và chảy xiết thì học sinh bên này sông đành nghỉ học.
Thầy Nguyễn Tuấn Mẫu, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Môn Sơn 1, chia sẻ: Trường có 25 cán bộ, giáo viên thì có đến 16 giáo viên có gia đình ở trung tâm xã Môn Sơn, vì vậy để lên lớp giảng dạy các thầy cô giáo hàng ngày phải qua sông Giăng bằng đò. Việc đi đò chiếm khá nhiều thời gian nên đa số các thầy, cô giáo cũng phải dậy từ rất sớm để không chậm giờ lên lớp. Tuy nhiên, đó là những ngày thuận lợi, còn lỡ mưa to thì dù muốn đi cũng chẳng có đò. Chính vì vậy mà sau mỗi trận bão, mỗi trận mưa lũ nhà trường đều phải bố trí học sinh và giáo viên dạy bù, học bù liên tục mới đảm bảo kịp chương trình.
Đến bao giờ học sinh Môn Sơn mới có một cây cầu? Dường như câu hỏi đó là nỗi đau đáu nhiều năm nay của những người dân nghèo xã Môn Sơn. Khát vọng về cây cầu cũng là khát vọng được đến trường, được đi học và được vươn đến những ước mơ xa hơn của bà con vùng dân tộc thiểu số nơi đây…
Mỹ Hà