(Baonghean) - Sau nhiều năm nghiên cứu, Ths. Phan Văn Hợi - Trung tâm Thực hành hải sản Đại học Vinh đã chế tạo và ứng dụng thành công hệ thống lồng nuôi cá trên hồ chứa bằng nhựa chi phí thấp.
 
Nhiều năm công tác tại trường đại học và tham gia nhiều công trình nghiên cứu khoa học, với niềm đam mê gắn bó với  lĩnh vực thủy sản, Ths. Phan Văn Hợi luôn trăn trở, tìm tòi những công nghệ mới, đơn giản, chi phí thấp giúp người nông dân giảm bớt công sức, cải thiện thu nhập trong nghề nuôi trồng thủy sản đang gặp nhiều khó khăn hiện nay. Từ đó, hệ thống lồng nuôi cá bằng nhựa chi phí thấp do anh nghiên cứu sản xuất ra đời. Đây là hệ thống lồng nuôi mới phù hợp với điều kiện tại các lòng hồ mà vẫn đảm bảo tập quán, cách thức nuôi quen thuộc của người dân.
 
images895125_long_nuoi_ca_chi_phi_thap_nhn_duoc_nhieu_su_qua_tam_tai_cho_cntb_dawk_nong.jpgGiới thiệu mô hình lồng nuôi cá chi phí thấp ở chợ Công nghệ và Thiết bị tại Đăk Nông.
 
Anh Hợi cho biết, hệ thống lồng được cấu tạo khá đơn giản, dễ lắp đặt, với nhiều vật liệu dễ kiếm trên thị trường. Lồng gồm có khung làm bằng nhựa HIPE, hình tròn nên có tính đàn hồi cao, chịu được lực tác động của sóng gió va đập. Lồng được kết cấu chỉ một vòng nhựa HIPE nên việc thi công lắp đặt rất dễ dàng. Với hệ thống túi lưới làm bằng chất liệu polyetylen dệt không gút, có độ bền cao và được gia cố bằng các dây giềng đảm bảo tính bền chắc hơn. Ở cuối phần dây giềng được treo bởi các hòn chì lưới nên đảm bảo thể tích của túi lưới và không bị nước làm chảy dạt. Bộ phận neo được thiết kế liên kết từ neo đến khung lồng thông qua phao chịu lực, nhờ đó hệ thống neo này có tác dụng như một lò xo giúp hệ thống lồng nuôi tự động nổi lên hay hạ xuống tùy theo mực nước hồ chứa một cách tự động. Lồng nuôi được bố trí với 4 lồng liên kết, đối diện nhau và nhà ở để bảo vệ, cho cá ăn ở vị trí trung tâm thuận tiện trong quán lý, theo dõi trong quá trình nuôi.
 
Hệ thống lồng này được anh thử nghiệm nuôi cá trắm đen tại lồng trên hồ Thủy điện Bản Vẽ với quy mô 4 lồng, thể tích 300m3/lồng nuôi. Anh Hợi cho biết thêm, so với lồng nuôi cá truyền thống, công nghệ lồng mới này không có góc chết nên môi trường nước trong lồng nuôi luôn thông thoáng, cá không bị vướng lưới không bị xây xát, ít bệnh tật. Năng suất đạt 10kg/m3, tỷ lệ sống đạt trên 85%, cá thu hoạch được từ 3-4kg/con. Lồng nuôi được thiết kế rộng nên thức ăn không bị trôi ra ngoài, không có sự thất thoát so với công nghệ lồng cũ, giảm giá thành của một m3 lồng nuôi tới hơn 500.000 đồng/m3, một tổ hợp 4 lồng quy mô 1.200m3 lên đến hơn 500 triệu đồng. Từ đó, có thể giảm chi phí đầu tư cho hệ thống lồng, giảm chi phí nhân công và tăng năng suất của lồng nuôi.
 
Hệ thống lồng nuôi cá công nghệ mới của anh Hợi hiện được trưng bày tại Sàn giao dịch Công nghệ thiết bị Nghệ An, tại Chợ Công nghệ và Thiết bị vùng Nam Trung bộ và Tây Nguyên  tại Đăk Nông giữa tháng 11/2013 vừa qua. Sản phẩm mới này đã được các địa phương có hồ chứa như Hòa Bình, Lâm Đồng quan tâm và đặt hàng. Công trình này đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng sáng chế ngày 25/11/2013. 
 
Có thể thấy, hệ thống lồng nuôi bằng nhựa chi phí thấp là một giải pháp có tính thực tiễn cao, trong đó hướng tới lợi ích của người nuôi, vừa đảm bảo các tính năng tối ưu của lồng nuôi cá trên hồ chứa, vừa đảm bảo chi phí đầu tư thấp. Mặt khác, đây là giải pháp công nghệ có công năng sử dụng rộng rãi, đa dạng hình thức, đối tượng nuôi và có tính linh hoạt cao và có thể sử dụng để nuôi cá trên các hồ thủy điện, thủy lợi, nuôi ở các vùng biển kín và có thể nuôi ở quy mô nông hộ, quy mô trang trại và quy mô công nghiệp.
 
Thanh Hoa