PV: Ông đánh giá như thế nào về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục trình tại kỳ họp lần này?
Ông Nguyễn Thanh Hiền: Qua hơn 10 năm thi hành, Luật Giáo dục đã góp phần quan trọng vào quá trình phát triển giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ đất nước. Tuy nhiên, hiện nay Luật Giáo dục đã bộc lộ không ít những bất cập.
Thực tế, các cử tri cũng mong muốn, việc sửa đổi Luật Giáo dục sẽ khắc phục được những tồn tại của ngành, quan tâm hơn tới đào tạo nhân cách cho học sinh, mục tiêu là đào tạo con người Việt Nam có lối sống lành mạnh, lý tưởng trong sáng, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp CNH-HĐH đất nước và đặc biệt là có ý thức công dân toàn cầu. Do đó, nếu không sửa đổi kịp thời Luật Giáo dục, sẽ khiến nền giáo dục nước ta bị tụt hậu.
PV:Dự thảo Luật sửa đổi lần này đã tập trung khắc phục rất nhiều “nút thắt” trong giáo dục hiện nay. Ông có bình luận gì về những điểm được cơ quan soạn thảo xác định là đột phá trong lần sửa đổi này không?
Ông Nguyễn Thanh Hiền: Không chỉ tôi mà các ĐBQH khác cũng rất quan tâm đến dự luật này vì những chính sách, những quy định pháp lý được thiết kế trong dự luật này tác động trực tiếp đến câu chuyện học hành, trưởng thành của con em chúng ta và nó sẽ góp phần quan trọng để định hình thế hệ tương lai của đất nước như thế nào…
Như tôi đã nói, hiện nay Luật Giáo dục đã bộc lộ không ít những bất cập, hạn chế. Cội gốc của bất kỳ nền giáo dục nào cũng phải là tính nhân văn, nhân bản, sự khai phóng những tiềm năng sẵn có trong mỗi con người với tư cách là một cá thể độc lập. Theo tôi, đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục thì điều cốt tử vẫn là đổi mới tư duy quản lý Nhà nước về giáo dục, đặc biệt là đổi mới tư duy, phương thức quản lý của người đứng đầu ngành giáo dục để từ đó tạo ra sự đổi mới mang tính hệ thống.
PV:Từ thực tế đó, ông có kiến nghị cụ thể gì đối với dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) hay không?
Ông Nguyễn Thanh Hiền: Theo tôi, thứ nhất, để khắc phục những bất cập, hạn chế trong hệ thống giáo dục quốc dân, tôi rất đồng tình với dự thảo đã bổ sung thêm quy định về tính chất mở, liên thông của hệ thống giáo dục quốc dân, thể hiện sự gắn kết chặt chẽ giữa cấp học và trình độ đào tạo, giữa giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên; điều chỉnh về mục tiêu, yêu cầu, nội dung, phương pháp chương trình giáo dục theo hướng chú trọng phát triển phẩm chất năng lực, kỹ năng cá nhân của người học.
Thực tế những năm qua, có 2 vấn đề tôi đặc biệt quan tâm đó là chính sách phân luồng học sinh và vấn đề giảm tải trong chương trình giáo dục phổ thông.
Có thể nói, thời gian qua chính sách phân luồng học sinh đang gặp nhiều khó khăn, đây là điểm yếu của hệ thống giáo dục, tỷ lệ phân luồng học sinh ở các địa phương rất thấp, việc học nghề chưa hiệu quả nhưng trong dự thảo chưa được đề cập, bổ sung để giải quyết tốt vấn đề này.
Theo tôi, cần phải bổ sung các quy định cụ thể để thúc đẩy phân luồng học sinh và các điều kiện tổ chức triển khai có hiệu quả chính sách này vào dự thảo luật…
Còn đối với việc giảm tải trong chương trình giáo dục phổ thông đây luôn là vấn đề được dư luận hết sức quan tâm. Vì vậy, để khắc phục có hiệu quả vấn đề này, cần có những quy định mang tính nguyên tắc ở trong Luật. Tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa chương trình sách giáo khoa phổ thông cũng phải vừa bảo đảm tính thống nhất trong cả nước, vừa phù hợp với điều kiện của từng địa phương...
Thứ hai, về độ tuổi ở giáo dục phổ thông. Theo quy định tại khoản 1, Điều 26 của Dự thảo Luật, thì tuổi của học sinh lớp 1 là 6 tuổi, tuổi của học sinh vào lớp 6 là 11 tuổi và tuổi của học sinh vào lớp 10 là 15 tuổi. Theo tôi, không nên quy định cứng số tuổi ở mỗi cấp học mà chỉ nên quy định tuổi tối thiểu để vào học lớp 1 là 6 tuổi.
Thực tế cho thấy, có nhiều lý do mà học sinh không thể theo học các lớp bằng số tuổi quy định. Mặt khác, có những học sinh có những năng lực đặc biệt, có thể học vượt quá chương trình học, thì có thể được xem xét đặc cách, hoặc cũng có trường hợp học kém phải để lưu ban lại lớp...
Hơn nữa, tại Khoản 13, Điều 1 sửa đổi, bổ sung Điều 44 của Luật Giáo dục đã quy định mục tiêu của giáo dục là “tạo điều kiện cho mọi người vừa làm vừa học, học liên tục, học suốt đời nhằm hoàn thiện nhân cách, mở rộng hiểu biết, nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, nghiệp vụ để cải thiện chất lượng cuộc sống, tìm việc làm, tự tạo việc làm và thích nghi với đời sống xã hội. Nhà nước có chính sách phát triển giáo dục thường xuyên, thực hiện giáo dục cho mọi người, thúc đẩy việc học tập của người lớn, xây dựng xã hội học tập”. Do đó, việc quy định “cứng” độ tuổi giáo dục phổ thông là không phù hợp với mục tiêu của giáo dục.
Thứ ba, về trình độ chuẩn của nhà giáo. Tại khoản 26, Điều 1 Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Điều 77 của Luật Giáo dục theo hướng nâng chuẩn nhà giáo như sau: “a) Có bằng trung cấp sư phạm đối với giáo viên mầm non; có bằng cử nhân sư phạm đối với giáo viên tiểu học. b) Có bằng cử nhân sư phạm hoặc có bằng cử nhân và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm đối với giáo viên trung học cơ sở.”
Đối chiếu với chuẩn đầu ra như trên, những người đã tốt nghiệp cao đẳng sư phạm sẽ không đủ tiêu chuẩn để làm giáo viên giảng dạy học sinh cấp tiểu học và THCS. Mặt khác, việc quy định như Dự thảo Luật và Luật hiện hành cũng không xác định rõ liệu giáo viên có bằng “cao đẳng sư phạm” có được dạy mầm non hay không? Do đó, tôi đề nghị cân nhắc lại quy định này trên cơ sở có đánh giá tác động đối với hệ thống trường cao đẳng sư phạm…
Thứ tư, liên quan đến chính sách đối với người được đi học theo chế độ cử tuyển. Theo tôi, thời gian qua, việc thực hiện chính sách cử tuyển đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong việc đào tạo cán bộ, công chức, viên chức cho các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, tập trung nhiều đồng bào dân tộc thiểu số.
Tuy nhiên, vẫn có tình trạng cử tuyển chưa bảo đảm yêu cầu về ngành nghề, lĩnh vực, địa bàn, số lượng... dẫn đến dôi dư, khó thực hiện việc phân công công tác cho người được cử tuyển đã tốt nghiệp.
Tôi đề nghị Chính phủ cần có sự tổng kết việc thực hiện chính sách này, trong đó cần đánh giá sâu về chất lượng nguồn nhân lực được đào tạo thông qua hình thức cử tuyển, đồng thời thống kê số lượng người học sau khi tốt nghiệp được phân công hoặc tự tìm việc làm tại địa phương.
Như thế mới có thể đánh giá được một cách tổng thể về hiệu quả của chính sách này để có phương án điều chỉnh chính sách hợp lý. Đồng thời cần tập trung có các cơ chế, chính sách, đầu tư phát triển hệ thống trường dân tộc nội trú ở các địa phương nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, tạo điều kiện phát triển năng lực thực chất của con em đồng bào dân tộc…
Thứ năm, về các nguồn tài chính đầu tư cho giáo dục. Thực tế, trong thời gian qua, tại nhiều địa phương cứ mỗi dịp vào đầu năm học, vấn đề lạm dụng xã hội hóa để lạm thu trong các nhà trường đang được cử tri hết sức quan tâm và trở thành nỗi bức xúc của các bậc phụ huynh, học sinh.
Qua tiếp xúc cử tri, rất nhiều ý kiến đề nghị Quốc hội nghiên cứu bổ sung khoản tiền xây dựng trường vào quy định cứng trong Luật Giáo dục; phân định rõ khoản tiền xây dựng nhà trường và khoản tiền xã hội hóa giáo dục…
Theo tôi, trong điều kiện ngân sách Nhà nước còn hạn hẹp, nên đưa khoản xây dựng nhà trường là một khoản thu công khai và có một định mức cụ thể đóng góp tiền xây dựng nhà trường, tránh áp lực cho giáo viên và các nhà trường, tạo điều kiện công bằng trong việc dạy và học giữa các vùng miền.