Để xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực; tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được một cách hợp lý, dự thảo Luật đã đưa ra 2 phương án.
Phương án 1 quy định, cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập yêu cầu cơ quan thuế thực hiện việc thu thuế thu nhập cá nhân. Đồng thời, dự thảo Luật sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân quy định mức thuế suất 45% đối với thu nhập do người có nghĩa vụ kê khai đã kê khai không trung thực.
Phương án 2 quy định, cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập yêu cầu cơ quan có thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền bằng 45% giá trị của phần tài sản, thu nhập chênh lệch hoặc tăng thêm không giải trình được một cách hợp lý về nguồn gốc.
Vấn đề này hiện vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Và để có cơ sở thuyết phục cho việc xử lý tài sản, thu nhập, có ý kiến cho rằng, trước tiên, cần phải làm rõ trong dự thảo Luật thế nào là “giải trình không hợp lý”.
Nói như ĐBQH Nguyễn Hữu Cầu, cần hiểu rằng, dự luật phòng chống tham nhũng (PCTN) không phải quy định về xử lý tài sản bất minh. Trong luật quy định, nếu chứng minh được tài sản do tham nhũng mà có, tài sản có nguồn gốc từ tham nhũng thì dứt khoát phải tịch thu vì đây là tài sản do phạm tội mà có.
Nhưng thực tế, có một loại tài sản, thu nhập mà không kê khai hoặc kê khai mà không giải trình được nguồn gốc một cách hợp lý thì pháp luật, kể cả Luật PCTN không thể gọi là tài sản bất minh… Do phong tục, tập quán người Việt Nam gom góp từ đời này sang đời khác, do bảo vệ bí mật tài sản nên có người chưa kê khai tài sản, thu nhập. Vì nếu khai ra tài sản nhiều thì có thể lại bị trộm, bị cướp... Hoặc có kê khai tài sản, thu nhập nhưng giải trình nguồn gốc chưa hợp lý ví dụ như giải trình làm được cái nhà, biệt phủ là do buôn chổi đót.
“Giải trình như vậy là không hợp lý, vì làm gì có chuyện buôn chổi đót có được biệt phủ. Nhưng loại tài sản đó, pháp luật, kể cả pháp luật PCTN đều không gọi là tài sản bất minh’’, ông Cầu phân tích.
Với mức thuế suất thuế thu nhập cá nhân là từ 5% - 35%, Chính phủ đề xuất đánh thuế với mức 45%, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An cho rằng, phương án đánh thuế là đúng. Bởi, nộp thuế là trách nhiệm của mỗi người, khi tài sản, thu nhập được kê ra mà chưa nộp thuế thì Luật PCTN coi là tài sản vãng lai và buộc phải nộp thuế cho Nhà nước.
“Việc đánh thuế này không loại trừ trách nhiệm sau này. Nếu sau này, các cơ quan Nhà nước chứng minh tài sản có được do phạm tội mà có thì tiếp tục thu và tịch thu nhiều hơn nữa”, đại biểu nhấn mạnh.
Mấu chốt ở đây là ai sẽ là người đi xác minh, chứng minh tài sản, thu nhập của một cán bộ để xác định đó là bất hợp pháp? ĐBQH Nguyễn Hữu Cầu phân tích: Phương án xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền bằng 45% giá trị của phần tài sản, thu nhập chênh lệch hoặc tăng thêm không giải trình được một cách hợp lý về nguồn gốc là chưa hợp lý.
Thực tế, nếu xử lý hành chính thì trách nhiệm chứng minh vẫn phải thuộc về cơ quan Nhà nước. Bởi, có vi phạm thì mới xử lý hành chính. Còn ở đây, chưa chứng minh được có vi phạm pháp luật hay không?
“Nhà nước mà chứng minh được tài sản đó do phạm tội mà có, hoặc do tham nhũng mà có, hoặc có nguồn gốc từ tham nhũng thì dứt khoát phải tịch thu. Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng Hình sự đã quy định vấn đề này rồi. Lúc đó, không phải là đánh thuế nữa”, Đại tá Cầu nêu rõ.