Bên cạnh đó, phương án sáp nhập điểm trường cũng đã được tính toán, theo đó đến năm 2021 dự kiến giảm 94 điểm trường, theo đó giảm được 225 biên chế; và đến 2025 dự kiến giảm tiếp 90 điểm trường và sẽ giảm được khoảng 200 biên chế.
Còn về sắp xếp lại tổ chức bộ máy, bà Nguyễn Thị Kim Chi cho hay, ngay trong hè này, ngành Giáo dục sẽ tổ chức sắp xếp và giảm 522 tổ chuyên môn và 1.291 tổ văn phòng.
“Giảm tổ chức bộ máy này sẽ tiết kiệm ngân sách Nhà nước gần 13 tỷ/năm và kéo theo giảm số lượng biên chế” - bà Chi nói.
Số liệu cho thấy, so sánh từ năm 2015 đến nay, số lượng biên chế được giao của ngành Giáo dục giảm theo từng năm, từ 47.045 giảm còn 45.254, như vậy giảm được gần 1.800 biên chế được giao.
Đề án 09 của Tỉnh ủy về "Sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị tỉnh Nghệ An giai đoạn 2018 -2021 và những năm tiếp theo" chỉ rõ:
Đối với lĩnh vực giáo dục mầm non, phổ thông: Rà soát, sắp xếp, tổ chức lại các trường mầm non, phổ thông gắn với nâng cao chất lượng giáo dục, hình thành trường phổ thông nhiều cấp học (tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông) phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế của mỗi địa phương, địa bàn cụ thể.
Rà soát, sắp xếp, điều chỉnh hợp lý quy mô lớp học tiệm cận quy định sỹ số học sinh tối đa trong một lớp; thu gọn các điểm trường, đảm bảo nguyên tắc thuận lợi cho người dân và phù hợp với điều kiện thực tế của vùng, miền, địa phương.
Rà soát, phê duyệt lại Đề án vị trí việc làm, cơ cấu lại đội ngũ nhóm hỗ trợ, phục vụ trong các trường thuộc các cấp học trên địa bàn tỉnh (kế toán, thủ quỹ, nhân viên thiết bị - thí nghiệm, nhân viên y tế…); ban hành quy định khung về số tổ bộ môn, số tổ phó tại các trường để thống nhất thực hiện. Rà soát, sáp nhập những điểm trường không còn phù hợp.