Chiều 12/6, phát biểu thảo luận tại Hội trường Quốc hội về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, đại biểu Trần Văn Mão - Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An cho rằng trong dự thảo luật, cần quy định điều kiện của tổ chức xếp hạng cơ sở giáo dục đại học.
Theo đại biểu, việc xếp hạng các trường đại học ở các nước là do các tổ chức xã hội độc lập công bố để cộng đồng tham khảo, không cần thiết phải có sự công nhận của cơ quan Nhà nước.
Nhưng tại Việt Nam, việc xếp hạng các trường đại học do Chính phủ quy định. "Trên thực tế, xếp hạng là một công cụ để tạo thêm động lực cạnh tranh giữa các trường, cung cấp cho xã hội một kênh thông tin tham khảo, không nhất thiết phải là một công cụ quản lý về giáo dục của Nhà nước" - ông Trần Văn Mão phân tích.
Về thành lập Hội đồng trường, so với luật hiện hành thì dự thảo luật lần này có nhiều điểm đổi mới. Đặc biệt là vấn đề tự chủ đại học, thành lập hội đồng trường và giao quyền nhiều hơn cho hiệu trưởng các trường đại học.
Tuy nhiên, về vấn đề Hội đồng trường, theo Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An trong dự thảo Luật cần phải thể hiện rõ việc trao quyền tự quyết, đồng thời có cơ chế để Hội đồng trường hoạt động đúng vai trò, chức năng, cũng như có cơ chế kiểm soát quyền lực tránh hình thành lợi ích nhóm.
"Giao quyền tự chủ phải gắn với đổi mới quản trị đại học; tăng cường kiểm định chất lượng, công khai chất lượng kiểm định và các điều kiện đảm bảo chất lượng, nâng cao trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục đại học" - ông Trần Văn Mão nói.
Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng cơ chế quản lý các trường đại học trong hệ thống giáo dục đại học hiện nay còn bất cập, có trường do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý, một số trường do một số bộ chủ quản khác quản lý.
Ví dụ hệ thống trường đại học sư phạm kỹ thuật, trên toàn quốc có 5 trường nhưng có 2 trường thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý, có 3 trường thuộc Bộ LĐ-TB&XH quản lý.
Phó trưởng đoàn ĐBQH Nghệ An đề nghị quy định này phải xem xét lại, tránh trường hợp mỗi cơ quan chủ quản lại có chính sách riêng, ảnh hưởng đến quyền lợi và phát triển hệ thống của nhà trường.
Ngoài các vấn đề trên, đại biểu Trần Văn Mão đề nghị cần làm tốt về quy hoạch mạng lưới ngành đào tạo, như thế sẽ tránh được "thừa thầy thiếu thợ", và tránh được việc sinh viên ra trường thất nghiệp nhiều như hiện nay.
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học được xây dựng nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập về pháp luật đối với giáo dục đại học trong thời gian qua; hoàn thiện khung pháp lý, giải quyết những vấn đề mới phát sinh của giáo dục đại học hiện tại và đáp ứng yêu cầu đổi mới trong thời gian tới, phù hợp với đường lối của Đảng và Nhà nước về phát triển giáo dục đại học, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế.