(Baonghean) - Dù chưa được kiểm chứng, nhưng việc báo chí Nhật Bản đồng loạt đưa tin về Chủ tịch Công ty Tư vấn đường sắt JTC (Japan Transportation Consultants) - một hãng tư vấn Nhật Bản thừa nhận hối lộ quan chức ngành Đường sắt Việt Nam 80 triệu yen, tương đương 780.000 USD hoặc hơn 16 tỷ VND theo tỷ giá hiện tại để đổi lấy việc trúng thầu dự án ODA đã làm rúng động dư luận cả hai nước.
Sự việc như thế nào cần có thời gian để làm rõ, nhưng thanh danh quốc gia ít nhiều đã bị ảnh hưởng. Vì lẽ, đây không phải là lần đầu tiên xảy ra chuyện đưa và nhận hối lộ để được trúng thầu các dự án từ nguồn vốn ODA. 13 năm trước cũng đã xảy ra chuyện tương tự, khi ông Trưởng văn phòng đại diện tại Hà Nội của Công ty Tư vấn quốc tế Thái Bình Dương (Pacific Consultants International - PCI) của Nhật Bản đã đưa hối lộ cho ông Huỳnh Ngọc Sĩ, nguyên Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh, kiêm Giám đốc Ban Quản lý dự án đại lộ Đông – Tây để được nhận thầu tư vấn một phần dự án. Sự việc này gây ảnh hưởng xấu tới mức đã có lúc, Nhật Bản tuyên bố tạm dừng cung cấp vốn ODA cho Việt Nam. Lần này lại tái diễn, không biết sự thể sẽ đi đến đâu. Vì thế, việc cần làm trước hết là khẩn trương làm rõ, nếu có sai phạm thì xử lý nghiêm để đẩy lùi nạn hối lộ, tham nhũng và quan trọng hơn cả là giữ được thể diện quốc gia, làm ảnh hưởng tới việc thu hút nguồn vốn ODA của nước ta trong tương lai.
Điều đáng mừng là so với các vụ đưa và nhận hối lộ ở dự án đại lộ Đông - Tây hay vụ in tiền polyme trước đây, lần này phía Việt Nam đã có những hành động kịp thời và tích cực ngay khi có thông tin tiêu cực liên quan đến lãnh đạo ngành đường sắt. Cụ thể là, ngay khi nắm bắt được thông tin, đích thân Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký văn bản chỉ đạo các bộ, ngành làm rõ thông tin đưa và nhận hối lộ tại Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam. Giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Giao thông, Bộ Ngoại giao chủ động xác minh, làm rõ và liên hệ với cơ quan chức năng phía Nhật Bản để thu thập hồ sơ tài liệu về nghi án trên.
Nếu phát hiện có dấu hiệu tội phạm thì khởi tố, điều tra để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, báo cáo Thủ tướng. Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã quyết định tạm dừng chức vụ đối với Giám đốc Ban quản lý dự án đường sắt để giải trình vụ nghi án nhận hối lộ hơn 16 tỷ đồng. Bộ Giao thông Vận tải đã cử một Thứ trưởng sang Nhật Bản để phối hợp với phía bạn làm rõ vấn đề. Một loạt những hành động cứng rắn trên hết sức có ý nghĩa vì trong lúc này quốc tế đang theo dõi diễn biến của sự việc này hết sức sát sao. Có thể là họ muốn thông qua sự việc này để biết Việt Nam, hiện đang xếp thứ 116/177 nước trên thế giới về tham nhũng theo đánh giá của Tổ chức Minh bạch Quốc tế, ứng xử thế nào trước một cáo buộc nghiêm trọng như thế.
Tuy nhiên, dù tích cực, kiên quyết đến mấy thì cũng là chạy theo sự vụ để giải quyết những chuyện đã rồi. Và tiếng xấu là không thể tránh khỏi. Điều quan trọng hơn cả là thông qua sự cố đáng tiếc này các cơ quan chức năng của ta cần có những điều chỉnh kịp thời và hiệu quả về cơ chế, chính sách quản lý, giám sát để không xảy ra những vụ việc tương tự trong tương lai. Bởi vì, nếu chúng ta không chủ động phòng chống, ngăn ngừa, khi xảy ra sự cố, chúng ta không làm rõ thì phía đối tác cũng sẽ làm rõ ra. Mà điển hình là cả hai vụ đưa và nhận hối lộ liên quan tới các dự án ODA kể trên đều do nước bạn phát hiện.
Một câu hỏi khá nhức nhối đặt ra ở đây là tại sao chúng ta có cả một hệ thống luật pháp cũng như các cơ quan chuyên làm nhiệm vụ này mà lại không phát hiện ra những vụ việc đó. Nhất là các vụ việc có yếu tố nước ngoài, chỉ khi bên ngoài thông tin thì mới biết? Phải chăng, trong địa hạt phòng chống tham nhũng vẫn còn có “những lỗ hổng” chết người. Mặt khác, trong khi hợp tác chặt chẽ với phía Nhật Bản để làm rõ vụ việc này, chúng ta cũng nên nhân cơ hội này mà học hỏi các cơ chế phòng, chống hối lộ, tham nhũng của họ. Vì sao những vụ đưa hối lộ diễn ra ở nước ngoài mà các cơ quan chuyên trách của họ vẫn nắm bắt và xử lý được kịp thời?
Vì sao họ lại làm được cái việc rất khó là buộc những người có hành vi mờ ám lại phải tự ra thú nhận trước các cơ quan chức năng? Phải chăng là chính sách quản lý tiền tệ của họ đã đạt đến mức kiểm soát được hết các dòng tiền từ đâu đến và đi đến đâu, chi cho ai, cho việc gì… nên không ai có thể che giấu được. Và có thể nói là họ đã hình thành được cơ chế để: không dám tham nhũng; không thể tham nhũng; không được tham nhũng; không cần tham nhũng. Vụ việc này, nếu đúng như cáo buộc, là cơ hội để chúng ta thể hiện, khẳng định quyết tâm chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước ta, vừa là cơ hội để chúng ta học hỏi và rút ra được những kinh nghiệm quý báu từ nước bạn để phòng chống tham nhũng có hiệu quả trong thời gian tới. Như vậy là trong cái rủi lại có cái may.
Điều quan trọng hơn cả trong lúc này là hợp tác chặt chẽ với phía Nhật Bản để làm rõ vụ việc, đồng thời phải biết và phải có ý thức tận dụng sự việc này như một cơ hội để biến rủi thành may. Rất nên làm như thế!
Duy Hương