(Baonghean) - Trong tuần qua, có liền mấy vụ việc ảnh hưởng xấu tới danh dự, thể diện nước Việt và người Việt ta. Thoạt đầu là nghi án nhận hối lộ nhiều tỷ đồng của quan chức  ngành đường sắt nhằm giúp một công ty tư vấn Nhật Bản trúng thầu một phần dự án đường sắt sử dụng nguồn vốn ODA. Sự việc còn đang nóng hổi trên các báo trong và ngoài nước thì lại tiếp đến chuyện tiếp viên của hãng Hàng không quốc gia Việt Nam bị cảnh sát Nhật Bản tạm giữ để điều tra vì nghi ngờ tiêu thụ hàng trộm cắp. Cả hai sự việc nối liền nhau, khiến bất cứ người Việt Nam nào có chút lòng tự trọng đều cảm thấy xấu hổ.
 
Thật ra, những chuyện xấu hổ tương tự không phải bây giờ mới có, mà đã xảy ra từ lâu. Xảy ra từ ngày người Việt ta bắt đầu dư dả của nả để có tiền đi du lịch nước ngoài. Từ đó, bắt đầu có những chuyện rất không hay, liên quan tới những thói hư, tật xấu của không ít người trong số chúng ta. Đó là việc ăn uống để thừa mứa, buộc người ta phải vứt đi một cách vô cùng lãng phí vì cái tư tưởng “Mất tiền mua mâm thì đâm cho thủng”. Đã bỏ tiền vào nhà hàng ăn búp-phê thì cứ lấy thoải mái, ăn không hết thì bỏ đi vì… đằng nào mình cũng trả tiền rồi. Mà không hề nghĩ rằng đó là một hành vi thiếu văn hóa; là lãng phí một cách vô văn hóa, gây phản cảm trong mắt người nước ngoài. Đến nỗi, không ít du khách người xứ ta đã phải đỏ mặt xấu hổ lẫn bực bội vì cảm thấy như bị kỳ thị, bị lăng nhục khi vào một số nhà hàng ở Thái Lan, Sing-ga-po… thấy ở giữa bàn có tấm bảng ghi bằng tiếng Việt với mục đích duy nhất là cảnh báo người Việt “Ăn bao nhiêu lấy bấy nhiêu. Để thức ăn thừa phạt 5$”. 
 
Ở các nước làm du lịch chuyên nghiệp, không bao giờ người ta muốn làm ai phải mếch lòng cả. Vì du khách là nguồn thu nhập chính nuôi sống họ. Không ai lại đi làm cái việc đuổi khách theo kiểu đó.
 
Nhưng cực chẳng đã, họ mới phải làm thế. Và điều đó cho thấy họ đã quá chán ngán với các hành vi thiếu văn hóa của một số người Việt nên mới nảy sinh hành vi và tấm biển thiếu tôn trọng đó. Lỗi là do chính chúng ta chứ không phải do họ.
 
Và cũng từ ngày số lao động hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản (tu nghiệp sinh) và khách du lịch người Việt đến Nhật Bản ngày càng đông thì nạn trộm cắp vặt ngày càng gia tăng. Theo số liệu thống kê từ cảnh sát Nhật Bản thì người Việt Nam chiếm tỉ lệ 40% trong số người nước ngoài phạm tội này. Đến nỗi, ở một số siêu thị, người ta đã phải làm cái việc đi ngược lại với truyền thống tôn kính người khác của người Nhật Bản là trương một tấm bảng nhắc nhở, cảnh báo bằng tiếng Việt “Ăn cắp vặt là phạm tội. Nếu ăn cắp vặt thì bị phạt tù dưới 10 năm. Ngay khi phát hiện ăn cắp vặt, chúng tôi sẽ thông báo cho cảnh sát ngay lập tức”. Đương nhiên, những lời răn đe, cảnh tỉnh đó chỉ dành riêng cho người Việt Nam ta mà thôi. Còn có chuyện gì nhục nhã hơn thế nữa đây! Chưa hết, các nước trong khu vực như Hàn Quốc, Đài Loan, Malayxia khi tiếp nhận lao động người Việt Nam đều hết sức kinh hãi trước thói quen vô tổ chức, ưa gây gổ và thường xuyên “phá rào” ra ngoài lao động chui để kiếm được nhiều tiền hơn, bất chấp những quy định của pháp luật nước sở tại. Vì thế mà đã có lúc Hàn Quốc tạm dừng tiếp nhận lao động đến từ Việt Nam. Các nước khác cũng đã từng tổ chức những cuộc bố ráp lớn nhằm vào các lao động người Việt vì những hành vi vi phạm pháp luật.
 
Do vậy mà thế giới biết đến Việt Nam và người Việt Nam là một dân tộc cần cù, thông minh, dũng cảm, hiếu học và có ý chí…, nhưng cũng không ít người nước ngoài có định kiến về người Việt là những người thiếu văn minh với những hành vi kém văn hóa như hay chen lấn, xô đẩy, tranh giành; không có thói quen xếp hàng, xả rác bừa bãi, khạc nhổ lung tung và đặc biệt, thói xấu nhất  là hay ăn cắp vặt. Định kiến đó, không phải là không có cơ sở từ thực tế. 
 
Điều đáng nói là trước những sự việc, hành vi ảnh hưởng nghiêm trọng tới thể diện quốc gia mà vẫn chưa thấy một cá nhân, tổ chức hay cơ quan liên quan nào đứng ra chủ trì để giải quyết vấn đề này một cách triệt để. Vì thế, các cơ quan hữu quan của Nhà nước, các hội hữu nghị nên có một chương trình hành động dài hơi để chấn hưng và bảo vệ danh dự quốc gia và thể diện người Việt. Tạm gọi là chiến lược giữ gìn quốc thể. Chiến lược này có thể giao cho Bộ Ngoại giao cùng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đứng ra cầm trịch. Và việc cần làm trước hết là phối hợp với các cơ quan, ban ngành, đoàn thể  tìm cách hạn chế ở mức thấp nhất các hành vi phản cảm nói trên. Trước mắt tập trung vào các đối tượng thường xuyên đi ra nước ngoài ở dạng phổ thông như du học sinh, khách du lịch và những người đi xuất khẩu lao động. Làm sao cho mỗi người trong số họ ý thức được lòng tự tôn dân tộc mà kìm hãm, chế ngự được lòng tham cùng thói quen vô tổ chức, vô kỷ luật để từng bước cải thiện và làm sáng lên hình ảnh người Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.
 
Và đó cũng là cách làm thiết thực, hiệu quả để nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.
 
Duy Hương