(Baonghean) - Ngài Nghệ ta có câu cửa miệng là “Mần nghề chi ăn nghề nớ!”. Vì rứa mới có mấy câu vè “Thợ may ăn giẻ/Thợ vẹ ăn hồ/Thợ bồ ăn nan/Thợ hàn ăn… cứt sắt”. 
 
Mà ngẫm cho kỹ thì đúng là... như rứa thật! Vì lẽ, có biết bao chuyện lình xình xảy ra trong thời gian qua làm điên đảo dư luận cả nước và gây hại không biết bao nhiêu mà kể, đều liên quan đến cái tập quán, tư tưởng làm nghề chi ăn nghề nớ. Thoạt đầu và cũng là chuyện to đầu bảng là việc mấy ông lãnh đạo Vinashin, Vinalines lợi dụng nghề nghiệp để nhập về mấy con  tàu cũ với giá rẻ rồi khai vống lên cả mấy trăm lần để lấy tiền Nhà nước chia nhau làm giàu, ăn tiêu, bao nuôi bồ bịch, con cái ngoài giá thú. Chuyện to thứ hai là mấy ông, bà cán bộ, nhân viên ngân hàng đã sử dụng các chiêu thức, mánh lới nghề nghiệp đã được đào tạo qua trường lớp và qua trường đời để rút ruột chính ngân hàng mình đang công tác hàng mấy nghìn tỷ đồng.
 
Đó là những chuyện động trời, lâu lâu mới có một lần. Còn những chuyện nho nhỏ thì xảy ra thường xuyên hơn. Như ra đường, thỉnh thoảng lại bắt gặp mấy anh cảnh sát giao thông giơ gậy vẫy xe cộ dừng lại để kiểm tra “kỹ lưỡng” trong vài chục… giây để rồi lấy tiền của nhà xe đút túi. Hay ốm đau đến bệnh viện, muốn mau đến lượt khám và được khám kỹ hay muốn tiêm nhanh và không đau thì cũng phải có phong bì dúi vào túi mấy người mặc áo bờ-lu trắng. Nói tóm lại, hầu như ai ở mô, làm nghề chi cũng đều cố gắng tìm cách sử dụng hay đúng ra là tận dụng thế mạnh trong nghề nghiệp của mình để tư lợi.
 
Cho nên, xin mọi người  cũng đừng quá ngạc nhiên, đừng quá băn khoăn, thắc mắc mỗi khi ở mô đó có chuyện dân tình chặt, đốt,  phá rừng làm tan hoang một lúc cả năm, bảy ha và dân tình đều biết cả mà chỉ riêng mấy anh kiểm lâm lại cứ một mực không nghe, không biết, không thấy. Kể cũng khó lý giải thật! Chức năng, nhiệm vụ chủ yếu, cơ bản của mấy anh kiểm lâm là giữ rừng khỏi sự tàn phá của con người  và dân đóng thuế để Nhà nước trả lương cho các anh làm đúng mỗi một việc nớ, rứa mà mỗi khi xảy ra chuyện phá rừng là lại vang lên  điệp khúc: nỏ biết! Có chuyện nớ thật à! Vì rứa mà không ít người nghi ngờ “nỏ biết” thật hay là “biết mà mần thinh. Mà mần như nỏ biết”?
 
Còn vì răng lại hành xử như rứa thì lại nỏ đủ chứng cứ để mà kết luận cho đúng bản chất của sự việc. Nên chỉ dám nghĩ chắc lại là do: mần nghề chi ăn nghề nớ!
 
Nghệ Nhân