(Baonghean) - Với mục tiêu giúp các xã phát triển toàn diện, những năm qua, cùng với sự tài trợ của Vương quốc Bỉ, Dự án Poris tập trung tăng cường năng lực thể chế của chính quyền địa phương trong lập kế hoạch, lập ngân sách và quản lý, khai thác nguồn đầu tư hiệu quả. Trong các chương trình hành động, việc phân cấp cho xã làm chủ đầu tư các công trình phúc lợi đã giúp cấp xã nâng cao năng lực quản lý tài chính, đầu tư.
 
Ba năm qua, xã Châu Bính (Quỳ Châu) được Dự án Poris tài trợ kinh phí xây dựng đường giao thông nông thôn, tu sửa kênh mương nội đồng và sửa nhà điều trị của Trạm Y tế xã với số tiền trên 1,5 tỷ đồng. Nếu so với các chương trình, dự án khác đầu tư trên địa bàn xã thì số kinh phí trên là không nhiều. Nhưng điều khác biệt chính là UBND xã được làm chủ đầu tư từ A- Z, tức là phải bắt tay thực hiện mọi công đoạn từ việc khảo sát (có sự tham gia của người dân), lập kế hoạch, phân bổ nguồn vốn hợp lý, tổ chức xây dựng đến giám sát và quản lý sau đầu tư.
 
Để thực hiện được các công đoạn như vậy, đòi hỏi lãnh đạo xã phải thành lập tổ công tác, tiến hành họp dân lấy ý kiến và công khai dân chủ tất cả khâu đoạn để người dân giám sát. Cho đến nay, sau khi đưa vào sử dụng, các công trình trên phát huy hiệu quả tích cực. Ông Vi Đại Thắng - Chủ tịch UBND xã Châu Bính cho rằng: “Với cách làm của dự án, UBND các xã phải phát huy cao độ vai trò điều hành, quản lý. Số tiền được đầu tư hoàn toàn giao trách nhiệm cho cán bộ cân đối với việc đáp ứng nhu cầu, đề xuất của người dân. Như vậy, xã cũng phải tính toán phù hợp để đem lại hiệu quả thiết thực…”.
images964654_a5_x_y_d_ng_giao_th_ng___x__ch_u_b_nh..jpgLàm đường giao thông ở xã Châu Bính (Quỳ Châu).
 
Cũng giống quy trình ở xã Châu Bính, từ năm 2011 đến 2013, tất cả các xã, thị trấn của huyện Quỳ Châu được giao đầu tư gần 40 công trình hạ tầng lớn nhỏ với tổng mức đầu tư hàng chục tỷ đồng, tập trung chủ yếu vào các hoạt động ưu tiên như: Xây nhà cộng đồng, công trình nước sinh hoạt, kênh mương thủy lợi, giao thông... Năm 2013, Thị trấn Tân Lạc được Dự án Poris tài trợ 475 triệu đồng. Để có được sự phê duyệt nguồn vốn, UBND thị trấn phải tiến hành lập kế hoạch, giải trình hợp lý khi đầu tư quyết định xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng cho bản Hạnh Khai và sửa chữa trung tâm giao dịch một cửa của thị trấn. Riêng với công trình nhà sinh hoạt cộng đồng, thị trấn được UBND huyện hỗ trợ thêm 50 triệu đồng và huy động sức dân đóng góp 150 triệu đồng. Ông Đậu Công Hà - Phó Chủ tịch UBND thị trấn cho biết: “Thông qua những yêu cầu của phía dự án, chúng tôi tiến hành các bước từ ý tưởng đến lập kế hoạch và triển khai. Đặc biệt những công trình phúc lợi, sự đầu tư của dự án đã góp phần khơi dậy sức dân để xây dựng thành công, đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả lâu dài”.
 
Còn đối với xã Châu Bình, năm 2013 được dự án hỗ trợ trên 2 tỷ đồng để xây dựng, sửa chữa các hạng mục công trình: Xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng bản Bình 2, đắp đập thủy lợi nhỏ Khe Cháy ở bản Lầu 2, xây mương thoát nước - giao thông bản Bình 3, nâng cấp Trung tâm học tập cộng đồng và xây bể chứa nước cho trường THCS xã. Theo ông Kim Văn Duyên - Chủ tịch UBND xã Châu Bình, để được phê duyệt nguồn vốn, dù công trình nhỏ chỉ vài chục triệu đồng cũng đòi hỏi phải thuyết trình một cách rõ ràng, sát, đúng thực tế trong hồ sơ. Quá trình đó, có sự định hướng của huyện trong bố trí kinh phí. Điều này khác với trước là xã đề xuất đầu tư chung chung, có khi cả tỷ đồng nhưng không giải trình cụ thể nên nhiều lĩnh vực không khả thi…  
 
Cách làm của Dự án Poris là tài trợ kinh phí (được phân bổ hàng năm) dựa trên cơ sở các xã lập kế hoạch, lựa chọn các hoạt động ưu tiên để trình UBND huyện phê duyệt danh mục sử dụng nguồn vốn theo đúng quy trình quản lý và đầu tư xây dựng công trình; Hồ sơ thiết kế, dự toán được trình thẩm định, góp ý bởi các phòng chức năng của UBND huyện (phòng Kế hoạch, Công thương, NN&PTNT). Ông Nguyễn Hoàng Tùng - Phó trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch, kiêm Tổ trưởng tổ lập kế hoạch cấp huyện Quỳ Châu cho biết: “Sau khi tập huấn các bước lập kế hoạch, Dự án Poris tài trợ cho các xã những công trình nhỏ giống như những bài tập thực hành. Để giải bài tập này, các xã phải ứng dụng những kiến thức, quy trình điều hành, quản lý và khai thác công trình. Quá trình thực hiện, các xã đã làm quen với cách lập kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên cơ sở tham vấn ý kiến người dân, ưu tiên cấp thiết của cộng đồng, phù hợp với định hướng phát triển chung của xã và huyện...”.
 
Với nỗ lực của Dự án Poris (giảm nghèo thông qua tăng cường năng lực thể chế cấp xã) và vào cuộc tích cực của cấp huyện, những năm qua, việc lập kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm tại cấp xã của huyện Quỳ Châu từng bước chuẩn hóa, đảm bảo tính khả thi, phù hợp với thực tế của mỗi địa phương. Thông qua đó, tăng cường trách nhiệm giải trình của cấp xã với người dân và các cấp nhằm xây dựng năng lực thể chế cần thiết với chính sách thuận lợi cho các hoạt động đầu tư hướng tới giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội bền vững từ cấp xã và thôn bản. 
 
Bài, ảnh: Nguyên Nguyên