(Baonghean) - Trích phát biểu của đồng chí Trần Hồng Châu - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng năm 2014.
Trong năm, các cấp ủy đảng đã tiến hành kiểm tra 2.448 lượt tổ chức đảng, 3.470 lượt đảng viên; giám sát 3.160 lượt tổ chức; 7.932 lượt đảng viên. Qua kiểm tra, giám sát đã phát hiện, biểu dương những điển hình tốt, góp ý, phê bình, nhắc nhở, uốn nắn khắc phục những thiếu sót, khuyết điểm của cán bộ, đảng viên. Công tác thi hành kỷ luật đảng được thực hiện nghiêm. Các cấp ủy đã thi hành kỷ luật đối với 30 tổ chức đảng, 591 đảng viên, ủy ban kiểm tra cấp huyện (và tương đương) đã thi hành kỷ luật 148 đảng viên… góp phần phòng ngừa, hạn chế vi phạm, phòng chống tham nhũng, xây dựng đảng trong sạch, vững mạnh.
Cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã chủ động xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả chương trình công tác kiểm tra, giám sát, trong đó tập trung vào những địa bàn, lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh sai phạm, những nơi có dư luận; chú trọng công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng; việc triển khai thực hiện các chương trình, đề án quy chế làm việc theo Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp đề ra. Nhất là sau kiểm điểm theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4, công tác kiểm tra đã bám vào những tồn tại hạn chế để chấn chỉnh khắc phục, góp phần nâng cao lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và các tổ chức trong hệ thống chính trị. Nhờ vậy, trong điều kiện gặp nhiều khó khăn nhưng đã kịp thời giải quyết có hiệu quả những vấn đề phát sinh trên địa bàn, củng cố yên dân, trong đó có sự đóng góp lớn của ngành Kiểm tra.
Những thành tích, đóng góp của cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp trong năm 2013 được Ban Thường vụ Tỉnh ủy đồng tình và biểu dương. Song bên cạnh đó, vẫn còn có một số tồn tại, hạn chế, BTV Tỉnh ủy đề nghị cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp cần lưu ý một số tồn tại sau:
- Thứ nhất, sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy đối với công tác kiểm tra, giám sát chưa tốt. Một số đơn vị chỉ phê duyệt chương trình làm việc của ủy ban kiểm tra, chứ chưa có chương trình kiểm tra giám sát của cấp ủy, chưa có chương trình định kỳ làm việc, nghe, chỉ đạo của cấp ủy với kiểm tra, nghĩa là cấp ủy chỉ ủy quyền, phó mặc cho kiểm tra, như vậy là chưa được, chưa đúng.
- Thứ hai, sự phối hợp giữa ủy ban kiểm tra với một số cơ quan chưa tốt, trên một số lĩnh vực vẫn còn chồng chéo, ví dụ như tình trạng một đơn vị nhiều cơ quan vào thanh, kiểm tra gây khó khăn, phiền hà cho cơ sở. Hay trong xem xét đánh giá, xếp loại các đơn vị, cuối năm vẫn còn tình trạng có những đơn vị bên kiểm tra thì đề nghị kỷ luật, bên tổ chức thì đề nghị khen thưởng. Điều này có cả trách nhiệm của cấp ủy và trách nhiệm của kiểm tra.
- Thứ ba, sau thanh, kiểm tra, một số nơi có biểu hiện né tránh, làm nhẹ cho qua chuyện, xử lý không đến nơi, đến chốn nên dẫn đến tái diễn đi, tái diễn lại hiện tượng cơ sở làm rồi kiện lên cấp trên cơ sở, cấp trên cơ sở làm rồi thì kiện lên tỉnh… tạo ra phản ứng dây chuyền kéo dài.
Năm 2014 là năm tăng tốc để bứt phá hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu của chặng đường 5 năm thực hiện Nghị quyết 17, của Kế hoạch 5 năm giai đoạn 2011-2016, trong khi nhận định tình hình kinh tế sẽ gặp nhiều khó khăn, cả về khách quan và chủ quan. Vì vậy, đề nghị ủy ban kiểm tra các cấp phải có quyết tâm lớn, trên tinh thần là cơ quan tham mưu của cấp ủy trong lĩnh vực thanh tra, kiểm tra.
Do đó, năm 2014 Ủy ban Kiểm tra các cấp cần:
Thứ nhất, làm tốt công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy theo điều lệ Đảng. Cần phối hợp tốt với công tác tuyên giáo, công tác tư tưởng để làm tốt công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách, nghị quyết của Đảng, phát luật của Nhà nước, nhất là những văn bản mới của Đảng. Trong đó lưu ý 2 vấn đề, một là, năm nay chúng ta tổng kết 30 năm đổi mới, dưới góc độ của công tác kiểm tra, sau 30 năm đổi mới công tác kiểm tra có đóng góp gì, rút ra bài học gì, có những tồn tại khuyết điểm gì cần khắc phục và sắp tới tham mưu cho Đảng cần đổi mới công tác kiểm tra theo hướng nào, để công tác kiểm tra ngày càng hiệu quả. Hai là, chúng tôi đề nghị lãnh đạo cấp ủy các cấp chỉ đạo đẩy mạnh triển khai quán triệt, học tập các văn bản mới nhất là Hiến pháp mới, một số văn bản liên quan đến Luật Đất đai… để cán bộ, đảng viên, nhân dân hiểu pháp luật, nắm chắc chủ trương chính sách của Nhà nước để giảm sai phạm. Bởi vậy, phải chỉ đạo tốt công tác kiểm tra phối hợp với các ban xây dựng Đảng để tạo chuyển biến đồng bộ nhằm nâng cao vị trí, vai trò lãnh đạo của tổ chức Đảng, đồng thời góp phần thực hiện tốt chức trách của từng ban. BTV Tỉnh ủy đề nghị các cấp ủy giao cho ủy ban kiểm tra tham mưu chương trình kiểm tra của cấp ủy, phê duyệt chương trình kiểm tra của Ủy ban kiểm tra và có chương trình làm việc định kỳ rà soát, uốn nắn, chỉ đạo kịp thời.
Thứ hai, những nội dung kiểm tra trong năm 2014 nên chọn ít việc nhưng phải có chất lượng và làm cho đến cùng, kiểm tra xong rồi giám sát xem có thực hiện không, có chuyển biến không, nội dung kiểm tra giám sát phải bám và phục vụ cho chương trình lãnh đạo, quản lý của cấp ủy. Cần tập trung giải quyết những tồn đọng sau kiểm điểm theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 đang chuyển biến chậm. Hiện cấp ủy cấp huyện chỉ có 44,6% các vấn đề, khuyết điểm nêu lên đã được khắc phục; cấp sở, ban, ngành được 46%, cả hai cấp đều chưa quá bán. Do vậy, kiểm tra phải vào cuộc, tích cực giám sát kiểm tra những vấn đề khắc phục tồn tại, khuyết điểm sau kiểm điểm Nghị quyết Trung ương 4 và làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân.
Thứ ba, cấp ủy cần phải tích cực phối hợp với tuyên giáo thực hiện tốt Chỉ thị 03 về “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, bám vào chủ đề năm để chỉ đạo kiểm tra, giám sát việc thực hiện của các tổ chức Đảng và đảng viên.
Nhiệm vụ thứ 4 mà cấp ủy cần tập trung lãnh đạo, đó là rà soát lại những vấn đề còn tồn đọng từ đầu nhiệm kỳ đến nay để tập trung lực lượng, phân công cấp ủy viên, phân công các đồng chí trong thường vụ, trong lãnh đạo kiểm tra xem xét giải quyết gọn.
Về trách nhiệm của Ủy ban kiểm tra, BTV Tỉnh ủy đề nghị phải bám vào Điều 32 của Điều lệ Đảng để vừa thực hiện chức năng, quyền hạn của Điều lệ Đảng quy định vừa thực hiện chức năng quyền hạn tham mưu cho cấp ủy; đồng thời thực hiện tốt những nhiệm vụ cấp ủy cùng cấp và ủy ban kiểm tra cấp trên giao cho.
Phải tăng cường bám cơ sở, phát hiện tình hình, rà xem nơi có dấu hiệu vi phạm để tiến hành kiểm tra, giám sát và giúp cấp ủy xem xét, giải quyết, tháo gỡ, đặc biệt là phòng ngừa, không để bị bất ngờ, chạy theo, không để mất tổ chức, cán bộ, mất phong trào. Dưới góc độ nghiệp vụ, BTV đề nghị Ủy ban kiểm tra phải khâu nối với các ngành có cùng chức năng như Thanh tra Nhà nước, Kiểm toán, Ban Nội chính, một số hoạt động giám sát của các ban (HĐND tỉnh) để xây dựng chương trình phù hợp, thiết thực, tránh sự chồng chéo, trùng lặp làm phiền, gây khó cho cơ sở. Chương trình kiểm tra, giám sát phải đảm bảo vừa giúp cấp ủy đồng thời tạo điều kiện cho cơ sở.
Cuối cùng, BTV Tỉnh ủy yêu cầu ủy ban kiểm tra các cấp cần phải làm tốt việc kiện toàn, củng cố, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ chuyên trách làm công tác kiểm tra các cấp, đội ngũ vừa tinh thông nghiệp vụ, vừa có bản lĩnh, phẩm chất, niềm tin để khi thực hiện quyền của mình được Điều lệ Đảng giao cho đảm bảo tính chuẩn xác, khách quan, hiệu quả.
Trích phát biểu của đồng chí Trần Hồng Châu tại cuộc họp:
[audio(14528)]
Năm 2014 là năm chúng ta bắt đầu triển khai thực hiện các chương trình, đề án, các cơ chế, chính sách nhằm từng bước thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Nghệ An đến năm 2020. BTV Tỉnh ủy yêu cầu ngành Kiểm tra Đảng của tỉnh tích cực, chủ động, sáng tạo, gương mẫu và xác định rõ trách nhiệm của ngành trong việc thực hiện Nghị quyết số 26.
---------------
(*) Đầu đề do Báo Nghệ An đặt.