(Baonghean.vn) - Nhiều năm liền, Thiếu úy Lầu Bá Nênh, nhân viên Đội vận động quần chúng, Đồn BP Mường Típ, huyện Kỳ Sơn tình nguyện xuống cắm bản, với quyết tâm làm thay đổi nhận thức và cuộc sống của đồng bào. Cả thời gian dài bám dân, cầm tay chỉ việc, anh đã góp sức, góp của đưa cuộc sống của đồng bào Mông ở bản Huồi Khí, xã Mường Típ ngày một đổi thay, tiến bộ….
 
Chúng tôi đến đồn Biên phòng Mường Típ đúng vào buổi lễ chào cờ đầu tuần của đơn vị. Hôm nay Thiếu úy Lầu Bá Nênh, nhân viên Đội vận động quần chúng là người được vinh dự đứng dưới lá cờ Tổ Quốc đọc 10 lời thề danh dự của quân nhân. Tiếng hô dõng dạc của thiếu úy Lầu Bá Nênh trong buổi lễ chào cờ cũng là lời chia tay của anh với đồng đội. Dù chỉ tạm xa đơn vị để thực hiện nhiệm vụ trong địa bàn nhưng chắc chắn sẽ là kỷ niệm không thể nào quên vì nơi anh đến thực hiện nhiệm vụ là bản Huồi Khí là vùng đất khó khăn nhất xã và cách xa Đồn 24 giờ đi bộ.
 
images906560_hop_chi_bo_ban.jpgHọp chi bộ bản Huồi Khí
 
Chia tay đơn vị, Lầu Bá Nênh có mặt ở bản Huồi Khí, xã Mường Típ, huyện Kỳ Sơn. Hành trang của anh bộ đội cắm bản thật giản dị, trên vai là chiếc ba lô và kho kiến thức, kinh nghiệm về vận động quần chúng tại địa bàn người Mông mà anh đã học được qua hơn 10 năm binh nghiệp. Buổi làm việc đầu tiên của anh với Ban quản lý bản đúng vào ngày sinh hoạt chi bộ thường kỳ. Có bộ đội biên phòng về, bí thư chi bộ Lầu Bá Lầu như được dịp để trút bầu tâm sự. Bá Nênh lặng lẽ ngồi nghe bí thư kể về những khó khăn mà chi bộ bản và bà con nơi đây đang gặp phải. Đường sá đi lại khó khăn trắc trở, điều kiện khí hậu khắc nghiệt, bà con nhân dân còn thiếu đói, nhiều trẻ không được đến trường nên một số hộ dân đã tìm cách di cư sang Lào với hi vọng thay đổi cuộc sống.
 
Rẫy trồng lúa của già Xía ở bản Huồi Khí - xã Mường Típ, huyện Kỳ Sơn
 
Để có cơ sở vận động các gia đình khác, Lầu Bá Nênh quyết định đến gia đình Lầu Nhia Vừ, một thanh niên đang có ý định đưa cả gia đình di cư sang Lào. Là người sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này, hơn ai hết, Lầu Bá Nênh hiểu rõ những khó khăn của người dân quê mình. Nhiều đêm trằn trọc suy nghĩ, bá Nênh nhận thấy nguyên nhân cơ bản khiến người dân vùng rẻo cao biên giới vẫn mãi luẩn quẩn trong đói nghèo là do hủ tục và trình độ nhận thức của đồng bào còn hạn chế nên không biết làm ăn. Làm gì để có thể giúp họ thay đổi cuộc sống? 
 
Thiếu úy Lầu Bá Nênh vận động người dân trồng dứa
 
Hàng đêm, Lầu Bá Nênh đến từng nhà để nói chuyện với dân bản Mông hôm nhanh thì vài ba mươi phút, hôm dài thì đến hàng giờ đồng hồ. Việc đầu tiên là anh thuyết phục được Lầu Nhia Vừ ở lại bản, ít nhất là để xem anh có làm cho dân bản đỡ nghèo, đỡ khổ không đã và Lầu Nhia Vừ đã đồng ý ở lại. Tuy nhiên, khó khăn mới lại đến khi  bản Huồi Khí và cụm dân cư Chà Lạt, Huồi Khói, Huồi Phe có tới 90% hộ nghèo. 
Lầu Bá Nênh vận động trẻ em đến trường
 
Xác định khó khăn nhưng bằng niềm tin và sự kiên trì, Lầu Bá Nênh đi đến từng nhà và đến nay khắp vùng cao biên giới đều in dấu chân anh. Anh giúp đỡ dân bản từ những việc nhỏ như đưa trâu từ rừng về, sửa sang lại chuồng trại, đến việc lớn là cùng tham gia lao động sản xuất để xóa đói giảm nghèo, xây dựng lại nhà cửa… Ở đâu người dân khó khăn, Lầu Bá Nênh có mặt, dân bản Huồi Khí, Huồi Phe… bắt đầu nhìn anh với ánh mắt thân thiện, trìu mến hơn. Họ đã tin rằng, từ khi có Bá Nênh, cuộc sống của người Mông vùng rẻo cao này có cơ hội đổi thay. Ông Lầu Dua Chò, Trưởng bản Huồi Khí cho biết: từ khi có đồng chí Lầu Bá Nênh về sinh hoạt với chi bộ, anh nhiệt tình, giúp đỡ cho bà con nhân dân biết làm ăn, an ninh, chính trị thay đổi nhiều.
 
Cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc với bà con, người cán bộ biên phòng càng hiểu và sẻ chia với những khó khăn mà đồng bào còn gặp phải. Để đồng bào Mông nơi đây ổn canh, ổn cư, biện pháp duy nhất là phải giúp họ thoát nghèo. Cũng chừng ấy diện tích đất khai hoang, nhưng để bà con đỡ đói, đỡ khổ, Bá Nênh đã mạnh dạn tham mưu cho người Mông ở Huồi Khí, Huồi Phe, Huồi Khói, Chà Lạt chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Không lâu sau, cây giong riềng, cây gừng, cây ngô cao sản đã mọc lên trên nương rẫy đồng bào người Mông và chỉ ngay trong vụ đầu tiên, những người dân đã có “của ăn của để”. 
 
Tuy nhiên, ở địa bàn này, không phải gia đình nào cũng trồng giong riềng, trồng gừng được. Nhận thấy đất sản xuất còn nhiều, nhân lực ít nên Lầu Bá Nênh lại bàn bạc với bí thư bản để xây dựng nghị quyết, giúp bà con có vốn phát triển chăn nuôi. Anh quyết định dồn 3 tháng lương, cho 3 hộ dân ở cụm dân cư Chà Lạt vay 30 triệu không lấy lãi trong 5 năm để họ mua bò giống, phát triển chăn nuôi. Anh  Lầu Vả Lỳ, Bản Huồi Khí, Mường Típ, Kỳ Sơn là người được Lầu Bá Nênh cho vay vốn mua bò chăn nuôi đã chia sẻ: cuộc sống gia đình đang khó khăn, nghèo khổ vì có thiếu vốn để phát triển chăn nuôi. Được anh Nênh cho vay 10 triệu, gia đình đã mua 1 con bò mạ về làm giống, đến nay bò đẻ được 2 con. Bây giờ gia đình chỉ việc nhân rộng đàn và phát triển đàn bò lên.
 
Nhiệm vụ của người cán bộ biên phòng cắm bản là giúp đỡ chi bộ về công tác Đảng, công tác chính trị; đồng thời, tham mưu, hướng dẫn cho bà con nhân dân xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế, bảo vệ an ninh vùng biên. Bá Nênh đã ghé vai gánh vác tất cả và làm tròn các trách nhiệm ấy. Chỉ một việc đơn giản nhất thôi là di chuyển từ cụm dân cư này sang cụm dân cư khác, không phải ai cũng làm được. Bá Nênh đã thường xuyên vượt núi, băng rừng cả ngày trời để đi tuyên truyền, vận động, giúp đỡ nhân dân. Cũng bởi đường sá đi lại khó khăn, cuộc sống nghèo khổ, nhiều hộ gia đình ở cụm dân cư Chà Lạt, Huồi Khói, Huồi Phe đã cho con em mình nghỉ học giữa chừng. Ý thức sâu sắc về hậu quả của vấn đề này, Lầu Bá Nênh đã tới tận từng hộ dân, vận động con em họ quay trở lại trường học. Và người lính mang quân hàm xanh đã trở thành người thầy giáo của các em học sinh vùng biên giới này.
 
Nhận thấy những đổi thay của bản, già làng Lầu Nhia Hùa chia sẻ: nhờ anh Nênh tuyên truyền vận động đồng bào, anh em, bà con trong bản đã xóa bỏ hủ tục lạc hậu, kể cả ma chay, rượu chè, lễ tang, lễ cưới. Người dân bản ta bây giờ đã tin và và sẽ xây dựng cuộc sống theo anh Nênh tuyên truyền.
 
Sau 3 năm về bản, Bá Nênh đã giúp 9% hộ đồng bào Mông thoát nghèo. Không những vậy, nhiều gia đình đã xây dựng, phát triển được một số mô hình theo hướng trang trại hàng hóa với mức thu nhập từ 50 đến 60 triệu đồng mỗi năm; tình hình an ninh, chính trị vùng biên được ổn định. Năm 2013, đã không còn hộ dân nào có ý định di cư sang Lào; chi bộ Huồi Khí từ chỗ yếu kém đã được công nhận là chi bộ trong sạch, vững mạnh. Thiếu úy Nênh trở thành tấm gương tiêu biểu của lực lượng BĐBP Nghệ An trong công tác vận động quần chúng và học tập, làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ ở của Biên phòng ở vùng cao biên giới.
 
Phó chủ tịch UBND xã Mường Típ, Hạ Nỏ Thái cho biết: “Cán bộ Nênh được bà con quý, nói bà con nghe vì nó nói được là làm được. Cuộc sống của bà con trong bản có được như ngày hôm nay là nhờ nghe theo lời hay, làm theo đôi tay khéo léo của nó cả đấy. Bà con đồng bào Mông ta cũng thấy tự hào khi có được một cán bộ Biên phòng như vậy”. 
 
Lầu Bá Nênh bộc bạch: bây giờ nhiều người trong bản đã đỡ đói, đỡ khổ rồi nhưng để cái đói thật xa dân bản, người khấm khá sẽ giúp đỡ người nghèo, cả bản làng phải đoàn kết lại để xây dựng cuộc sống mới. Nói là làm, hàng đêm, Lầu Bá Nênh vẫn đến từng nhà để trao đổi, trò chuyện với bà con người Mông ở Huồi Khí, bàn kế hoạch chuyển đổi cây trồng và chuẩn bị cho vụ sản xuất mới bội thu./.
 
Hải Thượng