(Baonghean) - Thời điểm này, huyện miền núi Kỳ Sơn đã bắt đầu mùa mưa. Những tuyến đường vào bản xa bắt đầu gian nan, vất vả. Chúng tôi đến bản Nam Tiến 2 (xã Bảo Nam) sau một đêm mưa tầm tã. Tuyến đường từ trung tâm xã Bảo Nam đến đây chỉ khoảng hơn 2 km, nhưng mất đến gần 30 phút “đánh vật” cùng chiếc xe máy. Con đường đất chênh vênh ven sườn núi, vừa lầy lội, trơn trượt, lại vừa gập ghềnh với vô số “ổ gà”, thậm chí là “ổ voi”...
Vừa đặt chân đến Nam Tiến 2, nhận ra ngay Trưởng bản Xeo Phò Pèng, vì cách đây hơn 2 năm, chúng tôi có dịp đến đây làm việc với anh. Xeo Phò Pèng nói: “Nhiều người đến đây, cả người bản ta nữa, đã bị trượt ngã khi đi qua đoạn đường này. Vì đường nhiều dốc quá, trời mưa trơn nên dễ ngã lắm. Ít lâu nữa, mưa kéo dài chỉ đi bộ được thôi. Anh đến đây mấy lần rồi, chắc biết”.
Bản Nam Tiến 2 là nơi cư trú của gần 50 hộ đồng bào dân tộc Khơ mú, trong đó có đến hơn 30 gia đình thuộc diện hộ nghèo, thường xuyên thiếu ăn. Cũng như các bản làng khác ở xã Bảo Nam, đời sống sinh hoạt và sản xuất của bà con bản Nam Tiến 2 hiện đang nhiều bề bộn. Đường sá đi lại khó khăn, trình độ dân trí thấp, công tác vệ sinh môi trường chưa đảm bảo... là những “sợi dây” thắt người dân Bảo Nam nói chung, bản Nam Tiến 2 nói riêng trong đói nghèo, lạc hậu. Tỷ lệ nhà tranh tre tạm bợ còn ở mức cao. Nguyên nhân là do nguồn thu nhập chính ở đây là từ nương rẫy. Với điều kiện địa hình dốc, kỹ thuật canh tác còn lạc hậu nên năng suất và sản lượng thấp, lại không có nghề phụ dẫn đến việc thiếu đói là điều dễ hiểu.
Một điều dễ nhận thấy là bà con Khơ mú ở Nam Tiến 2 hiện vẫn còn duy trì tập quán thả rông và nuôi nhốt gia súc dưới sàn nhà. Đi dọc bản, thường bắt gặp cảnh từng đàn lợn chạy rông ngoài đường, lợn còn vào nằm trên thềm nhà. Gần như tất cả các gia đình ở đây đều dùng sàn nhà để làm chuồng trại nhốt trâu bò, lợn gà. Có thể nói, cả bản đang sống trong môi trường ô nhiễm, dễ phát sinh và lây truyền các loại bệnh truyền nhiễm, nhất là đối với trẻ em. Trao đổi về vấn đề vệ sinh môi trường, Trưởng bản Xeo Phò Peng phân tích nguyên nhân: “Tại các cuộc họp bản, nhiều lần ban quản lý đã vận động, nhắc nhở bà con về những tác hại của việc thả rông và nuôi nhốt gia súc dưới sàn nhà, bà con vẫn chưa chịu nghe. Một phần, do còn mang nặng tư tưởng bảo thủ, cho rằng “chưa có ai chết vì nuôi gà, nuôi lợn dưới sàn”. Phần khác, do không có mặt bằng để di chuyển chuồng trại ra xa khu vực nhà ở”.
Trao đổi về định hướng thoát nghèo, trưởng bản chia sẻ: “Để cái nghèo không còn bám riết đời sống bà con Nam Tiến 2, trước hết phải dựa vào sự cố gắng của chính mình. Cùng với đó, bà con mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ, đầu tư xây dựng, hoàn thiện kết cấu hạ tầng, đẩy nhanh quá trình xóa đói, giảm nghèo bằng việc tìm ra những giống cây, con phù hợp và hướng dẫn khoa học kỹ thuật...”.
Bài, ảnh: Tường Anh