(Baonghean) - Trở về địa phương sau giải phóng miền Nam, thương binh hạng 2/4 Trần Xuân Ngọc, (sN 1951 ở khối 20, Thị trấn Quỳ Hợp) phải bươn chải với cuộc sống khó khăn. Với nghị lực và quyết tâm của người thương binh “tàn nhưng không phế”, ông Ngọc đã làm chủ vùng đất Thung Bút, biến nơi đây thành trang trại có tiếng trong vùng...

Vóc người nhỏ mà rắn rỏi, một con mắt bị ảnh hưởng bởi chiến tranh trên gương mặt rám nắng, khi hỏi về chuyện làm ăn, ông Trần Xuân Ngọc khiêm tốn: “Không muốn sống trong cảnh đói nghèo, tôi quyết chí vươn lên. Tôi đã làm được gì nhiều đâu, viết báo bạn bè cười chết”. Nhưng khi nhắc đến trang trại, ông Ngọc hồ hởi kể cho chúng tôi nghe cái duyên của ông với vùng đất Thung Bút. Sinh ra ở xã Hưng Thắng (Hưng Nguyên), năm 1963, ông theo gia đình chuyển lên lập nghiệp tại xã Đồng Hợp, huyện Quỳ Hợp. Năm 1970, ông lên đường nhập ngũ, đơn vị thuộc Tổng cục kỹ thuật.
 
Năm 1973, ông tham gia chiến trường, bị thương trong trận chiến ở Tổng kho Long Bình. Trở về quê với nhiều thương tật trên cơ thể, cuộc sống gia đình khó khăn trăm bề, ông vẫn luôn lạc quan yêu đời, làm nhiều nghề để kiếm sống, không nề hà bất cứ việc gì, miễn là đúng pháp luật. Năm 1976, ông Ngọc xây dựng gia đình với bà Phạm Thị Viên, người cùng xã. Lần lượt 4 người con ra đời. Chỉ có gần 1.000m2 đất sản xuất, ngần ấy ruộng không đủ nuôi sống 6 miệng ăn, ông Ngọc đành phải lăn lộn với đời thường bằng nhiều nghề khác nhau, mặc dù các vết thương luôn nhức nhói mỗi khi trái gió, trở trời. 
images1019131_p1010763.jpgThương binh Trần Xuân Ngọc bên nương ngô...
 
Vùng Thung Bút, thuộc địa bàn xã Châu Đình, do Tổng đội TNXP 3 quản lý. Tổng đội TNXP 3 đã nhiều lần vận động đội viên người dân nhận vùng Thung Bút để khai hoang lập nghiệp. Sau khi khảo sát, ai cũng lắc đầu ngán ngẩm bởi sự heo hút và cô lập. Cuối năm 2006, ông Ngọc mạnh dạn bàn với vợ viết đơn xin nhận thầu Thung Bút, thông qua Tổng đội TNXP 3. Thung Bút là vùng đất hoang, sim, mua… mọc um tùm, xung quanh có dãy núi đá vôi bao bọc, dựng đứng, trên đó còn có hàng nghìn ha rừng tự nhiên, 4 góc có 4 ngọn núi cao chót vót. Nhìn từ xa, tựa như cái ngòi bút, người dân địa phương từ bao đời quen gọi là Thung Bút.
 
Nhờ có rừng và nhiều hang đá, khiến vùng lòng chảo Thung Bút luôn có khe đầy nước, là điều kiện thuận lợi cho việc chăn nuôi, trồng trọt. Ngoài nhận 30 ha đất, ông Ngọc còn nhận khoanh nuôi, bảo vệ 100 ha rừng tự nhiên trên đỉnh Thung Bút. Đứng trước một vùng đất đầy rẫy khó khăn, vì lẽ xa nhà hơn chục km, chưa có đường đi lại. Lúc bấy giờ, muốn vào được Thung Bút chỉ có cách lách chân lần theo lối mòn. Thế nhưng, được vợ nhiệt tình ủng hộ, bạn bè động viên, tạo động lực rất lớn cho ông gắn bó. Ông ngày đêm trăn trở, làm thế nào để chinh phục được Thung Bút?
 
Việc đầu tiên ông xác định, muốn làm chủ được Thung Bút, trước hết là phải có con đường, xe cộ ra vào thuận lợi, nhờ đó cây trồng, vật nuôi mới tiêu thụ được. Nhưng mở đường là điều không dễ, bởi Thung Bút địa hình phức tạp, toàn là núi đá dựng đứng, duy nhất chỉ có một lối mòn lâu nay người dân vào hái củi. Không còn cách nào khác là thuê máy về xẻ núi. Đầu năm 2007, ông huy động nguồn vốn của gia đình, vay thêm bạn bè, thuê chiếc máy múc, gần 2 tháng trời xẻ núi mở đường. Hơn 2 km đường đất, nối từ Cửa Thùng vào trung tâm Thung Bút, được rải đá hộc chống lầy lội, với kinh phí đầu tư gần 400 triệu đồng, hoàn thành trước sự ngỡ ngàng của người dân trong vùng.
 
Đây cũng là con đường độc đạo vào Thung Bút, bởi vậy, việc quản lý trang trại sau này sẽ thuận lợi về an ninh. Sau khi có con đường, ông Ngọc vận chuyển vật liệu vào xây dựng căn nhà làm “đại bản doanh”. Có những đêm nằm trong ngôi nhà lạnh lẽo giữa xung quanh là lèn đá, ông thức trắng để vạch ra những ý tưởng của mình trong việc quy hoạch đất, trồng cây gì cho phù hợp. Lúc đầu, mục đích của ông Ngọc là sử dụng vùng Thung Bút để chăn nuôi bò. Bởi lẽ, vùng đất này xung quanh được bao bọc bởi núi lèn dựng đứng, tạo thành vùng lòng chảo, đồng cỏ và núi đồi bạt ngàn, mỗi khi cánh cổng trên con đường độc đạo khép lại thì “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Kết hợp với trồng cây ngắn ngày và rau xanh, đảm bảo lương thực ngay tại chỗ...
...và chăm sóc đàn bò của gia đình.
 
Ngồi bên cạnh, bà Viên - vợ ông cười tươi, nói: “Tôi không giúp được gì mấy cho ông, nhưng ông làm việc gì tôi cũng ủng hộ, động viên. Ngay như việc nhận đất Thung Bút, buổi ban đầu nhìn vào khó khăn lắm, ai biết cũng can ngăn, nhưng thấy ông có nghị lực, tôi động viên ông làm. Dù thương binh, ông làm việc gì cũng có kế hoạch, nên mang lại hiệu quả cao. Trước khi làm trang trại, ông đã có cả chục năm làm nghề lái xe tải, tích góp được ít vốn, cộng với vay mượn bạn bè, mới có tiền để đầu tư ban đầu. 4 người con, vợ chồng tôi đã gắng nuôi ăn học chu đáo, 2 đứa đã tốt nghiệp đại học...”.
 
Với 30 ha đất có thể trồng được cây lâu năm, cây ngắn ngày và rất thuận lợi cho việc chăn thả trâu, bò. Đầu tiên, ông đầu tư nuôi bò sinh sản. Sau một thời gian trong tay ông đã có đàn bò hàng chục con, trước đây thuê người chăn nuôi ở vùng đất khác, bây giờ ông mới có điều kiện chuyển về đây nuôi để dễ bề quản lý. Nhưng vì bản thân thiếu kinh nghiệm về phòng, chống dịch bệnh, nên đàn bò phát triển chậm, thậm chí có thời điểm đàn bò giảm đi cả chục con, do rét đậm kéo dài và dịch bệnh. Với ngần ấy đất sản xuất, ông thuê máy làm đất, cùng với nhân công nhàn rỗi, đào từng gốc cây, bốc từng cái rễ, tạo nên những đám đất màu tươi mới. Vùng đất rộng nhất gần 10 ha, ông quy hoạch trồng rặt keo nguyên liệu, tiếp đó là 7 ha mía đường và vùng dưới cùng là 7 ha ngô, lạc.
 
Ông Ngọc tự hào, có lẽ do đất đai màu mỡ, bởi hàng năm được bổ sung đất màu từ núi lèn theo nước mưa trôi xuống, khiến trồng cây gì cũng tốt tươi, cho năng suất cao. Hai vợ chồng không thể kham nổi trang trại, ông Ngọc thuê luôn 2 nhân công là người địa phương “cắm” tại chỗ. Không những trả lương cho mỗi nhân công 1 tháng 3 triệu đồng, mà ông còn dành diện tích đất cho nhân công cùng sản xuất. Ngoài ra, người ta còn có thể tận dụng đất rừng để chăn nuôi bò cùng với mình. Làm như thế mình thiệt một tý, nhưng tạo động lực cho người làm công có trách nhiệm hơn đối với tài sản của mình. Mùa nào cũng vậy, đến ngày thu hoạch, ông thuê hàng chục nhân công, người thu hoạch, kẻ bốc xếp sản phẩm lên xe ô tô… Thung Bút những ngày như thế đông vui lắm. Có con đường ra vào thuận lợi, xe máy, ô tô vào được tận nơi, nông sản làm ra tiêu thụ được ngay, không bị ép giá.
 
Ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch Hội CCB Thị trấn Quỳ Hợp, nói: Hội CCB thị trấn có 554 hội viên, trong đó có một số hội viên xây dựng được mô hình phát triển kinh tế gia đình tiêu biểu. Mỗi điển hình có một cách làm khác nhau, nhưng chung ý chí là vươn lên làm giàu chính đáng. Thương binh Trần Xuân Ngọc là tấm gương tiêu biểu về thoát nghèo, vươn lên làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương mình, thật đáng trân trọng! Sự trân trọng, khâm phục ở chỗ, ông đã chinh phục, làm chủ được vùng đất Thung Bút. Vừa qua, ông được báo cáo điển hình về CCB làm kinh tế giỏi trên địa bàn.
 
Người xưa có câu “Giàu hai con mắt, khó hai bàn tay” ngụ ý muốn nói có đôi mắt sáng và tầm nhìn xa, cộng với sự cần mẫn, chăm chỉ của đôi bàn tay là yếu tố quyết định sự giàu, nghèo. Khởi nghiệp từ trong gian khó, gần 8 năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, dù một con mắt không còn nguyên vẹn bởi chiến tranh, nhưng nhờ dám nghĩ, dám làm và bằng nghị lực của mình, thương binh Trần Xuân Ngọc đã vươn lên làm chủ cuộc sống, ông đã có trong tay một trang trại nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế. “Đất đã không phụ công người” bao năm đánh vật với đất đồi, giờ đây ông Ngọc đã biến 30 ha đất hoang thành những rừng keo, nương ngô, bãi mía. Tính ra, mỗi năm ông thu về hàng trăm tấn mía, hàng chục tấn ngô, chưa kể đàn trâu, bò gần 100 con. Ông Ngọc tâm sự: “Mình còn sống là hạnh phúc hơn bao nhiêu đồng đội đã hy sinh. Chính vì vậy, người lính Cụ Hồ như chúng tôi được trở về quê hương thì hãy cống hiến phần đời còn lại, bất kể khó khăn đến đâu!”
 
Bài, ảnh: Xuân Hoàng