(Baonghean) - Các huyện thuộc Chương trình 30a, vùng miền Tây Nghệ An bao gồm 4 huyện Kỳ Sơn, Quế Phong, Tương Dương và Quỳ Châu được đánh giá là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, nhất là công tác bảo vệ quốc phòng, an ninh và đối ngoại của tỉnh và khu vực Bắc Trung bộ. Tuy nhiên, làm thế nào để giúp nông dân có ý thức sản xuất hàng hóa, giúp xóa đói, giảm nghèo và từng bước xây dựng nông thôn mới đang là trăn trở của các cấp ngành, chính quyền địa phương.

Thực trạng

Miền Tây Nghệ An là vùng có nhiều tiềm năng về trữ lượng đất, nguồn tài nguyên rừng, tài nguyên khoáng sản và các tiềm năng, lợi thế về thủy điện, phát triển nuôi trồng thủy sản, du lịch tự nhiên... để phát triển và mở rộng sản xuất nông, lâm nghiệp, thuỷ sản, phát triển cây dược liệu gắn với công nghiệp chế biến trên quy mô lớn. Từ năm 2003 - 2012 trên địa bàn 4 huyện 30a vùng miền Tây Nghệ An đã thực hiện 23 đề tài, dự án, với tổng kinh phí đầu tư trên 8,5 tỷ đồng. Bên cạnh đó, còn có 34 mô hình ứng dụng tiến bộ KH&CN từ nguồn Khuyến nông và 22 mô hình ứng dụng tiến bộ KH&CN từ Chương trình 30a với tổng kinh phí trên 2 tỷ đồng. Việc triển khai ứng dụng các tiến bộ KH&CN tại đây, đã góp phần đem lại bộ mặt mới cho nhiều thôn, bản, đã bước đầu giúp nông dân có ý thức sản xuất hàng hóa, làm giàu cho người dân, giúp xóa đói, giảm nghèo và từng bước xây dựng nông thôn mới.
 
image_5537856.jpgMô hình nuôi cá trê phi lồng trên sông của gia đình anh Vi Văn Tuyên, bản Chào, xã Châu Bính (Quỳ Châu). Ảnh: Trần Ngọc Lan
 
Tuy nhiên, mức tăng trưởng kinh tế của 4 huyện hiện vẫn chưa ổn định, quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm, tỷ lệ hộ nghèo cao, nền kinh tế hàng hóa mới ở mức sơ khai, tự cung tự cấp. Số đối tượng cây/con mới đưa vào các chương trình KH&CN, khuyến nông, xóa đói giảm nghèo... là khá lớn, nhưng số trở thành các sản phẩm hàng hóa vẫn còn hạn chế. Việc đầu tư vẫn dàn trải, ít chú trọng đến các sản phẩm truyền thống, có tiềm năng tạo ra sản phẩm hàng hóa phù hợp với điều kiện tự nhiên, tập quán canh tác của địa phương. Chưa đưa ra các định hướng cần thiết nhằm tập trung hình thành một số sản phẩm hàng hóa chủ lực, giúp xóa đói, giảm nghèo hiệu quả, bền vững cho địa phương...
 
Đến nay, ngoài một số loài phát huy tác dụng tốt, khối lượng khá, các giống cây/con mới khác đưa vào mới chỉ dừng lại ở mô hình; xảy ra tình trạng các mới chỉ tiếp cận nghiên cứu từ góc độ kỹ thuật, công nghệ mà chưa chú trọng đến chuỗi giá trị sản phẩm, tổ chức và phát triển thị trường mang tính chiều sâu đồng bộ. Hầu hết các mô hình, dự án thành công trong giai đoạn nghiên cứu thử nghiệm, song số nhân rộng sau kết thúc là ít ỏi. Thực tế, vẫn còn thiếu sự thống nhất, phối hợp giữa định hướng nghiên cứu, ứng dụng KH&CN với thực tế sản xuất - kinh doanh trên địa bàn, giữa ngành nông nghiệp và các ngành khác ở địa phương.
 
Các đơn vị trực tiếp triển khai nghiên cứu - ứng dụng tiến bộ KH&CN trên địa bàn còn thiếu và yếu, các tổ chức khác tham gia triển khai hiện chỉ mới tập trung chuyển giao cho người dân các kiến thức, mà chưa chú ý đến việc hỗ trợ sau khi kết thúc đề tài/dự án, dẫn đến các kết quả nghiên cứu, các mô hình sản xuất thường không được duy trì bền vững và phát huy hiệu quả lâu dài. Bên cạnh đó, thiếu các đối tác đủ mạnh trên địa bàn đủ điều kiện tiếp nhận các nguồn đầu tư, cũng như chưa nhìn thấy vai trò của các doanh nghiệp trong tổ chức nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ KH&CN để phát triển thành sản phẩm hàng hóa. Mặt khác, về mặt lý thuyết, các kết quả nghiên cứu khoa học là tạo ra các nhân tố mới, nên rất cần sự hỗ trợ ban đầu của Nhà nước. Thế nhưng, trong thực tế vẫn để xảy ra tình trạng các chính sách và các văn bản quản lý, hỗ trợ chưa được phối hợp ban hành kịp thời, do đó, chưa khích lệ được người dân trên địa bàn tham gia các hoạt động ứng dụng KH&CN vào sản xuất, đời sống một cách tích cực, chủ động.
 
Thực trạng trên là do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan, như: thiếu sự định hướng và khảo sát kỹ lưỡng khi đưa KH&CN áp dụng trên các sản phẩm cụ thể cho mục tiêu kép đặt ra, gồm hiệu quả kinh tế - xã hội đạt được và tính lâu dài của chúng. Chưa chú trọng đến các nghiên cứu ứng dụng các giải pháp xây dựng, xác lập, quản lý và phát triển thương hiệu và thị trường cho một số sản phẩm hàng hóa có thế mạnh. Đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý KH&CN trên địa bàn còn bất cập cả về số lượng và chất lượng. Đặc biệt, kinh nghiệm, sự am hiểu về phong tục, tập quán của người dân địa phương và quá trình bám đuổi các mục tiêu mà các dự án đặt ra ban đầu còn khá hạn chế. Công tác quản lý, thống kê của các huyện còn hạn chế, việc tổng kết, rút kinh nghiệm của các dự án chưa triển khai đồng đều, bài bản, nên sau khi kết thúc, các nhà quản lý chưa tìm ra được các sản phẩm phù hợp và hướng sắp tới một cách xác đáng cho từng địa phương. Sự phối hợp giữa các chương trình/dự án và các đơn vị có liên quan còn chưa đồng bộ, lãnh đạo các địa phương chưa thực sự sâu sát, quan tâm đối với tăng cường vai trò chung của KH&CN trong đời sống kinh tế - xã hội nói chung, các hoạt động chuyển giao tiến bộ KH&CN của địa phương nói riêng.
 
Một số giải pháp
 
Các địa phương cần tổ chức tốt việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp quản lý và người dân trên địa bàn hiểu về tầm quan trọng của việc nghiên cứu ứng dụng các tiến bộ KH&CN trong phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa của địa phương thông qua các phương tiện truyền thanh, truyền hình, tờ rơi hay tổ chức tập huấn, hội thảo. Mỗi địa phương cần chủ động trong công tác đề xuất, tổ chức nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ KH&CN trên cơ sở tập trung phát triển các cây, con bản địa; các sản phẩm truyền thống của địa phương mình; khảo nghiệm du nhập các cây trồng vật nuôi mới có tiềm năng thương mại, nhằm tạo ra các sản phẩm hàng hoá có khối lượng lớn, chất lượng tốt và thương hiệu mạnh để tạo ra sản phẩm hàng hoá chủ lực cho địa phương, tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn một cách bền vững.
 
Trong quá trình triển khai, một mặt, cần ưu tiên lựa chọn đơn vị chủ trì tổ chức thực hiện các nhiệm vụ là các công ty, doanh nghiệp hoặc các hợp tác xã đủ mạnh, có năng lực quản lý, có thể thực hiện tốt việc tiếp thu các kỹ thuật công nghệ tiên tiến, hạn chế tối đa đầu tư dàn trải trong dân. Mặt khác, cần thiết lồng ghép nhiều chương trình, dự án, đẩy mạnh việc huy động các nguồn lực từ Trung ương đến địa phương, nhằm đảm bảo thực hiện các chương trình, đề tài, dự án nghiên cứu - ứng dụng một cách có hiệu quả. Tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức, trình độ cho người dân về tổ chức, cách thức ứng dụng các tiến bộ KH&CN; không ngừng tìm kiếm các cơ hội hợp tác với nước ngoài để tổ chức nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội các huyện; xây dựng chính sách hỗ trợ phù hợp để khuyến khích các địa phương tổ chức nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ KH&CN trong chăn nuôi, trồng trọt, gắn với chế biến nhằm tạo ra sản phẩm hàng hoá có tính cạnh tranh cao trên thị trường.
 
Nguyễn Quý Hiếu(Sở KHCN)