(Baonghean) - Mặc dù được nhà nước hỗ trợ đầu tư rất lớn để phát triển hạ tầng, nhất là đường giao thông, các điểm tái định cư tránh sạt lở đất, đá… nhưng do chưa thực hiện đồng bộ, nên vào mùa mưa lũ, huyện Tương Dương xẩy ra nhiều điểm sạt lở núi, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân…
 
Đoạn đường vào bản Liên Hương, Tùng Hương, xã Tam Quang dấu tích của những đợt lở núi vẫn còn đó, những vách núi dựng đứng như muốn đổ ập xuống đường. Ông Vi Xuân Thủy ở bản Tùng Hương (nhà gần điểm thường xuyên sạt lở núi) cho hay: “Cán bộ xã, huyện đã đến vận động di dời nhà đến nơi an toàn nhưng thực tế chưa hỗ trợ tiền. Đến nơi ở mới sợ không đảm bảo được cuộc sống nên gia đình tôi vẫn ở lại đây, khi nào mưa lũ lớn mới tạm di dời, sau đó sẽ quay lại”. Được biết, tuyến đường vào 3 bản biên giới Tùng Hương, Tân Hương, Liên Hương được Nhà nước đầu tư trên 120 tỷ đồng mới đưa vào sử dụng từ năm 2012 phục vụ cho trên 420 hộ của 3 bản trên. Tuy nhiên, vào mùa mưa lũ do địa thế hiểm trở nên thường xuyên xảy ra sạt lở. Năm 2013 tại bản Tùng Hương, Liên Hương đã bị lở núi 3 - 4 lần cuốn theo khoảng 5.000 - 6.000 m3 đất, đá vùi lấp tuyến đường, khiến 2 bản  bị cô lập trong nhiều ngày. Hiện tại, riêng bản Tùng Hương, Liên Hương có 7 hộ ở gần điểm nguy cơ sạt lở núi.
 
images1020706_a6_s_t_l__n_i_de_d_a_nh____c_a_ngu_i_d_n_th__tr_n_h_a_b_nh__tuong_duong.jpgKhu dân cư ở khối Hòa Đông (Thị trấn Hòa Bình, Tương Dương) ở sát khu vực sạt lở núi.
 
Ông Hồ Viết Sơn - Chủ tịch UBND xã Tam Quang cho biết: Xã Tam Quang có 12 bản, trong đó có nhiều điểm thường xuyên xảy ra sạt lở núi. Ngoài điểm sạt lở nơi tuyến đường Tùng Hương, Liên Hương, còn xảy ra sạt lở núi ở dọc tuyến QL 7 đoạn KM 121 bản Nhùng, bản này có 134 hộ dân, trong đó có 2 hộ bị ảnh hưởng là hộ ông Nguyễn Hàm Minh, Nguyễn Linh. Để đối phó với lở núi, xã đã tiến hành rà soát gần 10 hộ dân ở vùng nguy hiểm sạt lở núi và yêu cầu ký cam kết di dời đến nơi an toàn. Xã đang xin nguồn kinh phí của huyện 8 triệu đồng/hộ (tiền hỗ trợ di dời) để bà con ổn định nơi ở mới. Tiến hành cảnh báo vùng thường xảy ra sạt lở núi để cấm người và phương tiện giao thông. Đến nay, 12/12 bản có tổ xung kích, nòng cốt là dân quân tự vệ trực canh và xử lý kịp thời các sự cố xảy ra. 
 
Cũng tại Thị trấn Hòa Bình (Tương Dương) có khoảng trên 25 hộ đang sống trong nơm nớp bởi nỗi lo sạt lở núi khi mùa mưa đến. Hầu hết các hộ dân đều ở sát những ngọn núi đã bạt ta ly, có khá nhiều hộ đã tự bỏ kinh phí để kè đá nhưng do vách núi dựng đứng, lượng nước trút xuống quá lớn nên vẫn rất khó ngăn được sạt lở đất, đá. Đi vào các xã Yên Na, Yên Hòa, Yên Tĩnh thì có hàng chục điểm sạt lở núi, điển hình là dọc đường vào Thủy điện Bản Vẽ có 3 điểm sạt lở núi, năm 2013 huyện đã điều động 2 máy xúc san gạt 5000 m3 đất đá. Riêng tại xã Yên Na có trên 5-7 điểm sạt lở lớn nhỏ, tại khu vực bản khe Chóng (bản tái định cư Thủy điện Bản Vẽ) mặc dù đã được kè đá nhưng người dân vẫn rất lo lắng.
 
Phía bên bản Khe Ồ là bản tái định cư Thủy điện Bản Vẽ, có khoảng trên 45 hộ dân, do sợ lở núi nên có khoảng 40 hộ dân đã lánh nạn bằng cách di chuyển nhà sang khu vực công trường Thủy điện Bản Vẽ trước đây. Hiện tại chỉ còn 5 hộ dân chưa có điều kiện di chuyển vẫn đang bám trụ tại đây. Ông Lô Hoài Thơm - Chủ tịch UBND xã Yên Na cho biết: “Vùng đất bà con di chuyển đến công trường cũ của Thủy điện Bản Vẽ ở tạm vẫn chưa được bàn giao, tuy nhiên vì quá nguy hiểm nên bà con đã phải sơ tán đến sinh sống tạm bợ. Vì vậy, Ban Quản lý Thủy điện II cần có kế hoạch để kè hoặc đầu tư điểm tái định cư mới cho bà con yên tâm sinh sống”. 
 
Ông Lô Khăm Kha - Trưởng phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Tương Dương cho biết: Tương Dương hiện có trên 40 điểm sạt lở núi lớn nhỏ tập trung ở các xã Tam Quang, Yên Na, Yên Tĩnh, Yên Hòa, Xá Lượng, Lượng Minh, Xiêng My. Để giảm thiểu nguy cơ sạt lở núi, từ đầu năm 2014 đến nay, huyện đã trích ngân sách trên 2 tỷ đồng để múc đất và san gạt điểm sạt lở núi và lở bờ khe tại 2 bản Tùng Hương, Liên Hương, xã Tam Quang. Vận động nhân dân trồng mét và cây ở các điểm thường xuyên bị sạt lở để chống xói mòn tập trung ở các xã Thạch Giám, Tam Quang, Tam Đình… Tiếp tục vận động rà soát và hỗ trợ các hộ dân sống ở những vùng sạt lở di dời đến nơi an toàn.
 
Đến thời điểm này đã di dời được 37 hộ dân ở bản Xốp Mạt, xã Lượng Minh thường xuyên bị sạt lở núi đến nơi tái định cư mới an toàn. Hiện còn trên 20 hộ dân trong vùng cảnh báo sạt lở núi huyện đang vận động và trích nguồn ngân sách để di dời xen dắm tại địa phương. UBND huyện Tương Dương cũng đã chuẩn bị 6 máy xúc ở các địa điểm trọng yếu để kịp thời san gạt; 1 máy phát điện, 6 nhà bạt đề phòng di dời tạm khi xảy ra sự cố. Cùng với đó là dự trữ xăng dầu, nhu yếu phẩm để tiếp tế phục vụ cho các đồng bào bị sạt lở núi cô lập. Phân công, bố trí cán bộ công chức của huyện làm nhiệm vụ trực theo dõi để nắm bắt thông tin kịp thời tình hình thiên tai có thể xảy ra trên địa bàn huyện. Chỉ đạo các xã đặt biển cảnh báo ở các địa điểm sạt lở núi, và tổ chức lực lượng canh gác 2 đầu các điểm sạt lở núi cấm người và phương tiện đi lại...
 
Trên địa bàn Tương Dương đang tồn tại nhiều điểm có nguy cơ sạt lở đất, ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản của người dân. Các cấp, ngành sớm vào cuộc xem xét để có phương án xử lý, giúp người dân ổn định cuộc sống.
 
Văn Trường