Lễ hội là một sinh hoạt văn hoá tinh thần mang tính cộng đồng đã có từ lâu đời trong lịch sử dân tộc. Hoạt động lễ hội nhằm thoả mãn nhu cầu tâm linh, thẩm mỹ, giải trí và là sinh hoạt văn hoá không thể thiếu trong đời sống tinh thần của nhân dân. Nói cách khác, lễ hội là một loại hình di sản văn hoá phi vật thể mà chúng ta cần bảo tồn và phát huy phát triển một cách đúng hướng.

Ngày nay, đời sống của nhân dân đã được cải thiện, sự phát triển của nền kinh tế thị trường đã tạo ra không khí năng động, thông thoáng hơn trong xã hội, cuộc sống không còn bình lặng như trước nữa mà tiềm ẩn nhiều yếu tố may rủi hơn. Chính vì thế, mà xu hướng tìm đến các sinh hoạt tâm linh như "cầu lộc", "cầu tài", "cầu may"... đang trở nên khá thịnh hành, nhất là vào dịp đầu năm mới. Thêm vào đó là sự thuận tiện về giao thông đi lại cũng như nhu cầu du lịch cũng ngày một phát triển, đã khiến cho hoạt động lễ hội ngày càng khởi sắc.

Theo thống kê chưa đầy đủ thì trong vòng mươi năm trở lại đây, số khách thập phương đến với các lễ hội mùa xuân ở tỉnh ta ngày một đông vui, nhộn nhịp hơn. Như lễ hội Hang Bua, lễ hội Đền Cờn, lễ hội đền Cuông, lễ hội đền Quả Sơn, lễ hội ở các khu di tích lịch sử... Đây là một tín hiệu tốt lành. Nhưng làm sao để khai thác một cách có hiệu quả, cả về mặt lợi ích kinh tế cũng như lợi ích văn hoá tinh thần mới là vấn đề cần quan tâm.

Bởi vì, nếu không có sự định hướng đúng đắn, không có sự phối, kết hợp chặt chẽ và thống nhất trong chỉ đạo quản lý hoạt động lễ hội giữa các ngành chức năng, thì không những không phát huy được những mặt tích cực, lành mạnh là hướng con người đến với Chân - Thiện - Mỹ mà còn làm nảy sinh những biểu hiện tiêu cực, thiếu lành mạnh khi đi lễ ở các đền, chùa, miếu mạo... Kinh nghiệm nhiều năm trước cho biết ở đâu cấp uỷ, chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể tại địa phương có sự chuẩn bị trước mùa lễ hội một cách cụ thể, chu đáo, đầy đủ, xây dựng kế hoạch, phân công, phân nhiệm cho các cơ quan chức năng một cách hợp lý thì ở đó, hoạt động lễ hội diễn ra nhộn nhịp, đông đúc hơn nhưng vẫn đảm bảo nét đẹp văn hoá, đảm bảo trật tự an toàn xã hội.


Mùa lễ hội năm nay, để thực hiện tốt nếp sống văn minh mùa lễ hội, cần xác định một cách rõ ràng, cụ thể về hướng phát triển, quy mô cũng như hình thức hoạt động... nhằm khuyến khích phục hồi và tổ chức các lễ hội, các trò chơi dân gian mang tính truyền thống, lành mạnh; đảm bảo không trái với thuần phong, mỹ tục của dân tộc; không gây mất trật tự, an ninh xã hội; đặc biệt là không lợi dụng, dưới bất kỳ hình thức nào, để thương mại hoá hoạt động lễ hội, cũng như biến lễ hội mang tính văn hoá thành các hoạt động mê tín dị đoan...

Phải coi nội dung của hoạt động lễ hội là hoạt động văn hoá - du lịch; từ đó thông qua du lịch để quảng bá, tôn vinh các giá trị văn hoá phi vật thể của lễ hội cũng như giá trị văn hoá của các di tích vật thể hiện có; đồng thời khai thác phát huy các giá trị văn hoá lễ hội nhằm tạo sự hấp dẫn, thu hút khách du lịch ngày càng đông hơn, hoạt động du lịch sầm uất, phong phú và đa dạng hơn!. Đây vừa là mục tiêu, vừa là biện pháp nhằm làm cho lễ hội phát triển đúng hướng, tạo ra nét đẹp văn hoá lễ hội cho hiện tại và tương lai, phù hợp với xu thế hội nhập của đất nước trong thời kỳ mới.


Với sự chuẩn bị chu đáo, toàn diện trước mùa lễ hội, tin rằng lễ hội mùa Xuân Canh Dần năm nay sẽ để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp cho người dân và cho du khách khi đến với Nghệ An - một vùng đất còn lưu giữ nhiều di tích văn hoá, lịch sử, với những lễ hội đa dạng, phong phú của các dân tộc khác nhau trên địa bàn toàn tỉnh.


Thái Bình