Nội dung chương trình đặc biệt kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội do nhóm tác giả gồm nghệ sĩ Trọng Khôi, Lê Chức, Doãn Hoàng Giang và nhà văn Nguyễn Khắc Phục (chủ biên) đã hoàn thiện và trình Chính phủ phê duyệt.

763009_small_53876.jpgTại vườn hoa Lý Thái Tổ sẽ diễn ra nhiều chương trình của Đại lễ.
Theo đó, Đại lễ sẽ diễn ra trong 10 ngày, bao gồm 30 hoạt động văn hóa, lễ hội đặc sắc. Trong 10 ngày lễ hội, sẽ có nhiều chương trình nghệ thuật đặc sắc của cả nước chào mừng sự kiện trọng đại của Thủ đô như: màn trình diễn của dàn nhạc giao hưởng quốc tế và quốc gia; biểu diễn ca khúc sáng tác mới chào mừng Thăng Long-Hà Nội; liên hoan ẩm thực Hà thành; trình diễn áo dài truyền thống; lễ hội đường phố và chương trình văn hoá nghệ thuật của tuổi trẻ Thủ đô; thả diều ba miền;...

Các hoạt động như: ra mắt tủ sách Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến, khánh thành Bảo tàng Hà Nội, khánh thành tượng đài Bác Hồ, Bác Tôn, trao giải cuộc thi quốc tế “Thăng Long - Hà Nội điểm hẹn của bạn”... cũng được tổ chức trong dịp Đại lễ.

Nhà văn Nguyễn Khắc Phục cho biết, trong chương trình sẽ có hai điểm nhấn quan trọng là lễ khai mạc sáng mùng 1/10 và lễ bế mạc đêm mùng 10/10. Sau phần thực hiện nghi lễ quốc gia của lễ khai mạc, sẽ công diễn vở kịch “Thăng Long - Hà Nội - Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh” kể một câu chuyện lập quốc từ thời kỳ tiền khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám cho đến nay, với hình ảnh Hà Nội là thành phố anh hùng, thành phố vì hoà bình.

Câu chuyện được phục dựng đúng với không khí và quy mô của sự kiện. Đó là dựng lại lễ đài quảng trường Ba Đình ngày 2/9, hàng vạn quần chúng tham gia sẽ phục dựng lại không khí cướp chính quyền thời kỳ tiền khởi nghĩa năm 1945; hình ảnh Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập cũng sẽ được tái hiện; ngày 10/10 năm 1954 khi  Chính phủ về tiếp quản thủ đô; Hà Nội đánh B52 Mỹ; cuộc họp của Bộ Chính trị quyết định tổng tấn công năm 1975; hình ảnh Hà Nội bước vào công cuộc xây dựng...

Nghệ sỹ ưu tú Lê Chức cho biết: “Mặt nước Hồ Tây sẽ làm một sân khấu nổi, một hành lang nổi nối từ chùa Trấn Quốc đến vườn hoa Lý Tự Trọng”...

Nói về những khó khăn của việc xây dựng kịch bản, nghệ sĩ nhân dân Trọng Khôi tiết lộ, cái khó của nhóm viết kịch bản là làm thế nào để vừa đảm bảo tính nghệ thuật, thể hiện được dòng chảy lịch sử, văn hóa của Thăng Long qua nghìn năm văn hiến, đồng thời phải khả thi. Kịch bản cũng tính đến sự phù hợp về mặt kinh phí và thời gian thực hiện. Song, do điều kiện thực tế nên có một vài chi tiết trong kịch bản buộc phải thay thế.

Thêm một điều quan trọng là an toàn cho người dân tham gia Đại lễ. Việc sắp xếp cho người dân sẽ tham gia vào chương trình như thế nào cũng là điều đáng bàn. Ban tổ chức đã xác định làm các chương trình nghệ thuật chào mừng 1000 năm Thăng Long - Hà Nội là để người dân Việt Nam thưởng thức, tôn vinh lòng tự hào dân tộc.

Vì thế, kịch bản 10 ngày lễ ở Hà Nội được xây dựng một cách chi tiết. Sẽ có nhiều chương trình, diễn ra tại nhiều địa điểm ở khắp Thủ đô như quảng trường Ba Đình, quảng trường Cách mạng tháng Tám, đường Phan Đình Phùng, vườn hoa Lý Thái Tổ, Yên Sở, Mỹ Đình; Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Cửa ô phía Nam... Đồng thời, tất cả các tỉnh thành sẽ đều có các hoạt động văn hoá, nghệ thuật.
Theo VnEconomy