Hành hương là nhu cầu không thể thiếu trong đời sống tâm linh của người Việt từ bao đời nay. Đồng thời đó cũng là một nét đẹp văn hoá mang bản sắc truyền thống cần được giữ gìn, phát triển, đặc biệt là trong cuộc sống hiện đại.
Người ta có thể hành hương quanh năm nhưng nhiều nhất vẫn là vào mùa xuân. Mùa xuân là mùa của các lễ hội đồng thời là mùa hành hương của mọi lớp người, không phân biệt tuổi tác già, trẻ hay địa vị cao, thấp, sang, hèn. Người người đến với các điểm di tích lịch sử, đền chùa, miếu mạo tham gia những lễ hội truyền thống như một cách báo hiếu với trời đất thánh thần, cầu mong mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt, mong một năm mới an khang thịnh vượng.
Khi đời sống đã được cải thiện, hành hương không chỉ diễn ra vào mùa xuân mà hễ có cơ hội là đều có thể hành hương bằng nhiều cách khác nhau. Gần đây đang có xu hướng xuất hiện những "tua" du lịch kết hợp hành hương đến với những địa điểm, chứng tích của chiến tranh như: Ngã ba Đồng Lộc, Nghĩa trang Trường Sơn, Thành cổ Quảng Trị, Trạm xá Đặng Thuỳ Trâm...Đó là những chuyến hành hương mang tính nhân văn, giàu ý nghĩa tưởng nhớ đến các anh hùng liệt sĩ đã hi sinh vì nước trong các cuộc kháng chiến.
Từ lâu, hành hương đã trở thành lối sống đẹp trong đời sống tâm hồn của người dân Việt Nam. Nó tồn tại bởi ý nghĩa tâm linh quá lớn dường như không thể thiếu trong đời sống cộng đồng cũng như trong mỗi cá nhân. Tính xã hội hoá trong văn hoá hành hương rất cao. Người này đi kéo theo người khác, nhóm này đi kéo theo nhóm khác, đoàn này đi kéo theo đoàn khác. Ý nghĩa lớn nhất của hành hương vẫn là luyện cho lòng mình thanh sạch, cho phúc cao, đức dày, gan bền, chí lớn...
Người hành hương có cơ hội học được bao điều quí báu từ các bậc tiền nhân, những tấm gương tận trung với nước, tận hiếu với dân, những tấm lòng bao dung nhân ái đã được tôn làm thần thánh. Trong không gian uy linh của những điểm di tích lịch sử, người hành hương như thấy lòng mình trở nên thánh thiện hơn. Muốn làm nhiều điều tốt, điều thiện, muốn gột sạch những bụi trần, những ám ảnh âm u. Vượt qua chặng đường gian khó trong suốt cuộc hành hương cũng là một cách tu rèn: rèn lòng quả cảm, rèn sức dẻo dai. Chẳng thế mà khi lên núi Yên Tử, dù đã có cáp treo, nhiều nguời vẫn muốn tự mình leo bộ?!
Hành hương mang trong đó bao nhiêu ý nghĩa tốt đẹp là thế. Chỉ tiếc rằng, ngày nay, một số người đi hành hương chỉ cốt để cầu danh cầu lợi nhiều hơn là để tu rèn. Bên cạnh đó, hiện tượng "phú quí sinh lễ nghĩa", mùa thần bán phật đâu đó vẫn diễn ra. Hãy trở về chân giá trị của văn hoá hành hương - một thuần phong mĩ tục đã có tự bao đời nay của người Việt Nam. Cho dù giòng chảy của cuộc sống hiện đại có gấp gáp, hối hả đến đâu thì hành hương vẫn là cách để ta tìm về với mạch nguồn trong trẻo nhất của cội nguồn, truyền thống.