(Baonghean) – Ngày tôi còn nhỏ, cha tôi từ Hà Nội về quê nghỉ Tết, bên nồi bánh chưng đêm giao thừa, tôi thấy cha ngâm nga: Mùng một tết cha, mùng hai tết mẹ, mùng ba tết thầy...
 

763008_small_53861.jpgẢnh minh họa: nhandan.org.vn
Thấy chị em chúng tôi ngạc nhiên bởi câu ca không có trong sách giáo khoa… Người giảng giải: Đây là câu ca của ông cha về đạo lý ở đời các con à... Tết Nguyên đán là dịp để gia đình sum họp, đoàn tụ và đền đáp ơn nghĩa. Tết chỉ ba ngày, nhưng với những gia đình gia giáo được sắp xếp công việc rất rành rẽ. Ngày mùng một, mùng hai thắp hương tưởng nhớ gia tiên...Nhưng ngày mùng ba nhất khoát là ngày dành cho việc đền đáp công ơn thầy học.
 
Nếu mùng một, mùng hai tết cha, tết mẹ với những mâm cỗ hương hoa phẩm vật thì ngày mùng ba tết thầy lại hết sức đơn giản và tao nhã, mang đậm phong cách nhà Nho ! Chỉ một vài lạng chè ngon, gói thuốc thơm, bánh tổ khảo... sang hơn thì kèm theo cút rượu nếp cái hoa vàng nút lá chuối khô... Tất cả đều được gói cẩn thận trong chiếc hộp vuông vức có thắt nơ đỏ. Chỉ vậy, không màu mè, văn vẻ nhưng chứa trọn lòng thành kính, trang trọng của người đi tết thầy. Khi nhận, người thầy hết sức nâng niu và xem đây là món quà  tết thực sự quý giá bởi tấm lòng của người đi tết.
 
Ngày nay, hình như chuyện tết thầy không còn mấy người để ý. Nếu có ai đó nhắc đến, có người còn viện dẫn: Thì đấy, hàng năm đã có ngày 20/11, ngày tết thầy cô rồi đấy thôi !
 
Xem ra cũng có cái lý của họ.
 
Nhưng lại chợt nghĩ: Công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy… sao lại tính như vậy !
Lê Tân Sơn