Nga nâng cấp kho vũ khí hạt nhân sát biên giới NATO
Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ (FAS) đã công bố ảnh chụp vệ tinh về quá trình cải tạo kho chứa vũ khí của Nga ở Kaliningrad, vùng đất nằm giữa Ba Lan và biển Baltic. Việc nâng cấp kho chứa vũ khí sát biên giới NATO diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Nga và phương Tây chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Theo CNN, FAS bắt đầu theo dõi khu vực này từ năm 2016, khi hoạt động xây dựng quy mô lớn diễn ra tại đây. FAS cho biết một trong 3 hầm chứa vũ khí ở Kaliningrad đã được đào lên và mở rộng so với trước, rồi được che phủ trở lại trong những tháng gần đây. FAS nhận định cơ sở này sắp được đưa vào hoạt động trở lại.
Hans M. Kristensen, giám đốc dự án thông tin hạt nhân tại FAS, cho biết chưa thể xác nhận cơ sở này có chứa vũ khí hạt nhân hay không nhưng tính năng của nó có thể sử dụng cho mục đích này.
Tổng thống Donald Trump: Mỹ sẽ không trở thành một 'trại di cư'
Phát biểu tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 18/6 đã nhắc lại quan điểm cứng rắn đối với chính sách siết chặt nhập cư khi nêu rõ "nước Mỹ sẽ không thể trở thành một trại di cư, và sẽ không là điểm tiếp nhận người tị nạn". Theo ông, với những gì đang diễn ra tại châu Âu và một số nơi khác, Washington không thể cho phép điều này xảy ra tại Mỹ.
Trước đó, Tổng thống Mỹ cũng đã công kích vấn đề nhập cư mà các nước châu Âu đang vướng phải, cho rằng châu lục này đang phạm phải "một lỗi lầm lớn" khi mở cửa cho dòng người di cư. Ông chủ Nhà Trắng nhiều lần viện dẫn quan ngại về tình trạng phạm tội trong cộng đồng người nhập cư để thúc đẩy chính sách chống nhập cư của mình.
Ông Kim hội đàm với ông Tập tại Trung Quốc
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ngày 19/6 đã hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến công du lần thứ 3 trong vòng 3 tháng gần đây tới Bắc Kinh.
Hãng tin Yonhap (Hàn Quốc) dẫn một nguồn tin riêng cho biết cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo bắt đầu khoảng 10 phút sau khi ông Kim đến Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh trong vòng vây an ninh thắt chặt.
Chuyến đi mới nhất của ông Kim được chính truyền thông nhà nước của cả Bắc Kinh lẫn Bình Nhưỡng công bố thông tin, một động thái được đánh giá là bất ngờ, do lẽ cả thông tin hai chuyến thăm trước đó chỉ được thông báo sau khi nhà lãnh đạo Triều Tiên đã kết thúc công du.
Thảm họa chìm phà ở Indonesia, 128 người mất tích
Theo CNA, vụ chìm phà tối 18/6 trên hồ Toba xảy ra do điều kiện thời tiết khắc nghiệt, mưa lớn, sóng to. Công tác tìm kiếm người mất tích đã phải tạm dừng vào tối 18/6 do thời tiết xấu và bắt đầu lại vào sáng 19/6.
Tính đến thời điểm hiện tại, 18 người đã được giải cứu thành công, 1 người được xác định đã thiệt mạng và 128 người khác vẫn đang mất tích.
Trước đó, cơ quan cứu hộ thông báo ít nhất 80 người được cho là có mặt trên phà vào thời điểm xảy ra sự cố. Tuy nhiên, đã xuất hiện một số thông tin chưa được kiểm chứng cho biết trên phà lúc đó có tới khoảng 130 người.
Lầu Năm Góc xác nhận hoãn tập trận tháng 8 với Hàn Quốc
Ngày 19/6, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc thông báo hai bên sẽ dừng "mọi hoạt động lên kế hoạch cho cuộc tập trận chung tên gọi Người bảo vệ Tự do Ulchi (Ulchi Freedom Guardian) vào tháng 8".
Lầu Năm Góc cũng xác nhận thông tin này, đồng thời cho biết bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao hai bên cùng các cố vấn của Tổng thống Trump sẽ gặp gỡ trong tuần này để thảo luận về vấn đề trên.
Cuộc tập trận chung tháng 8 tên gọi Người bảo vệ Tự do Ulchi chủ yếu bao gồm các mô phỏng trên máy tính nhằm nâng cao hoạt động chỉ huy, nhất là việc lập kế hoạch và ra quyết định chung.
Liên quân Arab tiến vào khuôn viên sân bay Hodeidah ở Yemen
Các nguồn tin quân sự Yemen cho biết ngày 19/6, được sự yểm trợ của Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Saudi Arabia, lực lượng liên quân đã mở chiến dịch quân sự quy mô lớn nhằm đánh bật phiến quân Houthi khỏi sân bay Hodeidah ở miền Tây nước này.
Các trực thăng của UAE đã tích cực yểm trợ giúp bộ binh Yemen tiến sâu vào bên trong khu vực rộng lớn của sân bay. Trong khi đó, phiến quân Houthi đã chống trả dữ dội bằng xe tăng, nã pháo và đấu súng với quân đội Yemen.
Canada cân nhắc hỗ trợ ngành ôtô trước đe dọa áp thuế từ Mỹ
Một quan chức cấp cao của Canada mới đây cho hay chính phủ nước này đang xem xét tất cả các phương án, bao gồm cả việc hỗ trợ tài chính cho ngành công nghiệp ôtô, để giúp các doanh nghiệp đối phó với các biện pháp thuế quan mà nước Mỹ có thể được áp dụng.
Chương trình này có thể lên đến hàng tỷ USD, tùy thuộc vào mức độ hỗ trợ của chính phủ cho ngành công nghiệp hiện đang tạo ra khoảng 500.000 công việc cả trực tiếp lẫn gián tiếp, đóng góp khoảng 80 tỷ CAD (60,5 tỷ USD) cho nền kinh tế Canada mỗi năm.
Hồi tháng trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã dọa sẽ áp đặt mức thuế lên tới 25% đối với sản phẩm ôtô nhập khẩu từ nước ngoài với lý do an ninh quốc gia. Điều này có thể sẽ gây thiệt hại kinh tế nặng nề không chỉ đối với Canada, mà cả ngành công nghiệp ôtô có tính liên kết rất cao trong khu vực Bắc Mỹ.
Tỷ phú Nga chi hàng trăm nghìn USD cho trẻ em tới xem World Cup
Đối với 30 đứa trẻ Israel mắc nhiều chứng bệnh nặng, giấc mơ được trực tiếp tận hưởng bầu không khí World Cup 2018 đã trở thành sự thật nhờ tỷ phú người Nga Roman Abramovich và một nhóm các nhà tài trợ của quỹ từ thiện Fulfilling Dreams, theo CNN.
Riêng Abramovich đã quyên góp khoản tiền lên tới hàng trăm nghìn USD, giúp những đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn được xem giải đấu bóng đá lớn nhất hành tinh. Số tiền quyên góp đủ để mua vé máy bay từ Israel đến Nga, cũng như chi phí lưu trú suốt một tuần cho các em. Đoàn trẻ em sẽ theo dõi ba trận đấu ở World Cup trong thời gian này.
Đây là giải đấu thứ ba liên tiếp Abramovich quyên góp cho Fulfilling Dreams. Ông từng giúp các nhóm trẻ em tới xem World Cup 2014 ở Brazil và Euro 2016 tại Pháp.