Toàn quốc xảy ra 11.495 vụ TNGT
Trong năm 2021, tình hình TTATGTtrên địa bàn cả nước tiếp tục có chuyển biến tích cực, cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương do TNGT đều giảm sâu so với cùng kỳ năm 2020.
Cụ thể, toàn quốc xảy ra 11.495 vụ TNGT, làm chết 5.799 người, bị thương 8.018 người. So với cùng kỳ năm 2020, TNGT giảm 3.496 vụ (-23,32%), 1.068 người chết (-15,55%), 3.143 người bị thương (-28,16%). Cả nước có 55 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có số người chết vì TNGT giảm so với cùng kỳ năm 2020, trong đó có 2 địa phương giảm trên 40%.
Đối với tỉnh Nghệ An, năm 2021, công tác bảo đảm TTATGT được các cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm. Do vậy, TNGT tiếp tục giảm trên cả 3 tiêu chí. Trong năm xảy ra 202 vụ TNGT, làm chết 124 người, bị thương 146 người; so với cùng kỳ năm 2020 giảm 60 vụ (22,9%), 19 người chết (13,2%), 40 người bị thương (21,5%).
Trong năm, lực lượng CSGT cả nước đã xử lý trên 2,8 triệu trường hợp vi phạm TTATGT, phạt tiền gần 3.000 tỷ đồng; tước hơn 248.000 giấy phép lái xe, tạm giữ hơn 460.000 phương tiện các loại.
Thanh tra GTVT đã thực hiện gần 70.000 cuộc thanh tra, kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính trên 49.000 vụ vi phạm, với số tiền xử phạt trên 226 tỷ đồng; tạm giữ 317 ô tô; đình chỉ hoạt động 123 bến, 54 phương tiện thủy nội địa; giám sát 614 kỳ sát hạch lái xe ô tô, 445 kỳ sát hạch lái xe mô tô.
Giảm TNGT từ 5-10% trên cả 3 tiêu chí
Tại hội nghị, các bộ, ngành, tỉnh, thành phố đã báo cáo công tác đảm bảo TTATGT của đơn vị, địa phương, cũng như kiến nghị các giải pháp trong thời gian tới.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Phạm Bình Minh - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia đã biểu dương những nỗ lực của các bộ, ngành và các địa phương trong công tác bảo đảm TTATGT trong năm 2021.
Kế hoạch Năm An toàn giao thông 2022 với chủ đề “Xây dựng văn hóa giao thông an toàn gắn với kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện 4 mục tiêu, gồm: Nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật và xây dựng văn hóa giao thông an toàn; Hàng năm giảm TNGT từ 5-10% cả về số vụ, số người chết và số người bị thương; Khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông trên các trục giao thông chính, các đầu mối giao thông trọng điểm tại các đô thị lớn và không để ùn tắc giao thông khi kiểm soát dịch bệnh; Không để lây nhiễm, bùng phát dịch bệnh trong GTVT.
Để thực hiện tốt các mục tiêu trên, cần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, trước hết là tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Kết luận số 45-KL/TW ngày 1/2/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 18 của Ban Bí thư khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo TTATGT.
Bảo đảm tiến độ, chất lượng các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm, gắn với rà soát, xử lý dứt điểm các điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT. Đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo đảm TTATGT theo hướng lấy thay đổi hành vi làm tiêu chí đánh giá kết quả; đẩy mạnh tuyên truyền trên mạng xã hội và hạ tầng số.
Cùng với đó, nâng cao năng lực cứu hộ, cứu nạn, cứu chữa nạn nhân và khắc phục hậu quả TNGT; tập huấn kỹ năng sơ cứu TNGT cho nhân viên y tế cơ sở, lực lượng thực thi pháp luật và người tham gia giao thông...
Đồng chí Phạm Bình Minh - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia đồng thời nhấn mạnh, trước mắt là trong dịp Tết Nguyên đán và lễ hội Xuân năm 2022, các Bộ, ngành và các địa phương cần thực hiện nghiêm đợt cao điểm về đảm bảo TTATGT, với mục tiêu để nhân dân đi lại vui Xuân, đón Tết được thuận tiện, an toàn.