small_40914.jpgCây hồng phát tiênr tốt trên đất Mường Lống.
Xã Mường Lống, huyện Kỳ Sơn - nơi từng bị coi là thủ phủ của cây thuốc phiện, khi chúng tôi đến, hoa đào mùa... đông đã lấp ló cười, như để mừng bà con chuẩn bị đón tết Mông. Cây hồng, cây đào cũng cho sai quả hơn mùa trước. Đường lên cổng trời nắng rẽ mây mù...

"Mơ thấy cây thuốc phiện là gặp điềm gở"

Sáng nay, ông Lầu Giống Dìa dậy rất sớm, ruộng gừng nhà ông đang chờ tay người thu hoạch. Từ ngày xoá bỏ cây thuốc phiện, gia đình ông tập trung vào trồng mận, đào, khoai sọ, gừng. Trên mảnh đất tưởng chừng như chỉ hợp với một loài cây thì nay đã bén rễ những cây trồng mới. Màu trắng của hoa mận đã thay vào màu trắng, tím của hoa anh túc. Cùng là một màu hoa nhưng lại cho hai tâm trạng. Gia đình ông Dìa trước đây trồng hơn 5 ha thuốc phiện. Ngày cán bộ xã đến vận động, gia đình ông là một trong những hộ đầu tiên của xã tự giác bỏ cây thuốc phiện dù lúc đó, ông cũng chưa hình dung được gia đình bảy miệng ăn của ông sẽ sống bằng gì. May mà nhờ có cán bộ luôn sát cánh, đồng cam cộng khổ với dân, giúp đỡ, hỗ trợ dân bằng các chương trình tuyên truyền, lồng ghép, trợ giá, trợ cước các mặt hàng trợ cây, con giống. Bây giờ mảnh đất vắng bóng hoa thuốc phiện đã mọc lên 500 gốc mận, hơn 2 ha gừng và khoai sọ. Một năm ông thu được 8 triệu tiền gừng và hơn chục triệu tiền từ chăn nuôi bò, gà. Con trai ông đã mua được xe ô tô để chở gừng, khoai sọ ra chợ Mường Xén bán. Ông Dìa cho biết: "So với trước đây, trồng gừng, nuôi bò vất vả hơn nhưng bù lại, thu nhập ổn định, cuộc sống khấm khá hơn".

Không riêng gì gia đình ông Dìa, cả 14 bản của xã Mường Lống nay đã hoàn toàn xoá bỏ hẳn cây thuốc phiện. Sau hơn mười năm thực hiện cuộc vận động xoá bỏ trồng cây thuốc phiện, từ một huyện có diện tích thuốc phiện nhiều nhất cả nước: 3.200 ha (năm 1992), nay cơ bản đã xoá hoàn toàn. Ông Lầu Chờ Chệch, Chủ tịch Hội Nông dân xã nói: "Bây giờ, bà con đã quên chuyện trồng thuốc phiện, chiêm bao mà thấy cây thuốc phiện cũng cho là gặp điềm gở".

Gừng - sản phẩm cho thu nhập cao của bà con.
Gia đình ông Hồ Vả Hùa ở bản Mường Lống II cũng được xem là một tấm gương làm ăn giỏi. Từ năm 1995, gia đình ông đã bỏ hẳn cây thuốc phiện, chuyển sang trồng lúa rẫy và cây ăn quả. "Lúc đầu không biết trồng lúa, trồng mãi mà không ra hạt gạo, nản lắm - Ông nhớ lại - Nhưng đã cam kết với trưởng bản rồi, nên phải chịu khó trồng thêm các loại cây khác".

Bản của ông ngày trước có 130 hộ (740 khẩu), mỗi hộ trồng khoảng 1 đến 2 ha thuốc phiện. Cuộc sống không nhờ thế mà sung túc. "Trồng thuốc phiện chỉ làm giàu cho người đi buôn thôi. Mỗi năm một gia đình trồng cũng chỉ được dưới 10 triệu đồng, vất vả mà lại nguy hiểm" - Ông nói.

Chăn nuôi hiệu quả hơn trồng trọt

Những điển hình tiên tiến trên chỉ mới là những đốm sáng trên bức tranh chung và chưa đủ sức làm bức tranh chung sáng sủa. Thuyết phục bà con bỏ được tập quán trồng cây thuốc phiện lâu đời để làm quen với những cây trồng, vật nuôi mới là cuộc đấu tranh quyết liệt dai dẳng và là một thắng lợi đáng mừng nhưng hãy chỉ mới là bước đầu. Giúp bà con bắt được những giống cây mới cho quả sai trên đất cũ đã là một bước gian nan nhưng đến khi cây chịu cho quả rồi thì lại gặp phải những khó khăn khác. Thực tế cho thấy: không chỉ ở Mường Lống mà ở nhiều tỉnh miền núi phía Bắc khác của nước ta khi chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi đều gặp phải một bài toán khó giải là tìm đầu ra cho nông sản. Tích cực như gia đình ông Hùa, trồng được vài trăm gốc mận, mỗi năm thu được khoảng 15 tấn nhưng nhiều vụ cũng phải kêu trời vì kẹt đầu ra. Đường lên Cổng Trời một năm bị nghẽn mất mấy tháng mùa mưa, xe ô tô không vào được đến bản. Mận chín, không có nơi tiêu thụ, có khi xe chở mận ra đến thị trấn huyện thì mận đã bị thối, số còn lại thu hoạch không kịp, đành bỏ rụng. Nhìn mận nhuốm đỏ vườn, ông Hùa tiếc đứt cả ruột. "Con đường bị mưa làm ướt, nó ăn hết mận của bản ta" - ông cám cảnh: mận đầu mùa còn bán được khoảng 3-4.000 đồng/kg, nhưng vào giữa vụ may ra chỉ còn gỡ gạc được từ 500- 1.000 đồng/kg. Hơn 20 ha mận tam hoa ở xã Mường Lống chưa cho hiệu quả kinh tế cao như mong muốn là vì vậy.

Không thể bó tay, cán bộ lại cùng bà con tìm thêm những cây trồng, vật nuôi mới để hỗ trợ cho cây mận dù cũng như cây mận, mọi loại nông sản đều không dễ tìm đầu ra. Cùng với cây mận, bà con được hướng dẫn trồng thêm gừng, đào, khoai sọ, trồng chè, nuôi thả cánh kiến đỏ... Nhà ông Hùa còn trồng thêm hồng. 300 gốc hồng bói quả vụ đầu làm ông sung sướng nhưng cũng chưa biết... bán cho ai.

Thực tế ở Mường Lống cho thấy, chăn nuôi đang có vẻ cho hiệu quả kinh tế cao hơn trồng trọt. Đặc biệt năm nay, mô hình nuôi gà đen đang được nhân rộng trong toàn xã. Huyện hỗ trợ tiền mua gà giống và hướng dẫn kỹ thuật nuôi. Gà nuôi trong 6 tháng có thể cho bán được. Tại địa phương giá bán 80.000 đồng/kg. Mô hình này bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế cho bà con so với trồng mận. Tổng số đàn gà trong cả xã hiện có khoảng 14.000 con
Theo ông Vừ Chìa Chư - Phó Chủ tịch xã Mường Lống thì mô hình chăn nuôi bò là đạt hiệu quả bền vững nhất. Hội Nông dân đứng ra vay vốn ngân hàng cho bà con. Mỗi hộ được vay 5 đến 10 triệu để phát triển chăn nuôi. Cả xã hiện đã phát triển được đàn bò gần 3.000 con. Bò được nuôi nhốt tập trung, tiêu thụ tương đối thuận lợi.

Mường Lống ngày nay.

Mường Lống được gọi là cổng trời của miền Tây Nghệ An. Mường Lống nằm vắt vẻo trên đỉnh núi cao. Từ trên cổng trời trông xuống, những con đường ngoằn nghèo bé nhỏ nằm lọt thỏm giữa thung lũng núi đá. Đường lên cổng trời khúc khuỷu, quanh co. Vào những cữ có sương mù, cổng trời mờ đi trong màu trắng đục, giơ tay lên cao có cảm giác chạm được vào mây. Nhưng xuyên qua cổng trời, vẫn thấy mây hãy còn xa lắm. Trên hành trình thoát ra khỏi nghèo khó của Mường Lống, khoảng cách giữa hiện thực và ước mơ nhiều lúc cũng giống vậy: có thể dễ dàng nhìn thấy đích nhưng chạm được vào nó lại là một chuyện khác. Chia tay Mường Lống, chúng tôi chỉ biết mong cho bà con sớm có được cái ngày không chỉ chạm được vào no ấm, mà còn cầm chắc được nó trong tay, giống như khi chúng tôi vịn tay vào cổng trời và kéo được mây về trong mắt.
Bài, ảnh: Phước Thảo