Vào nửa cuối thế kỷ XIX, ở huyện Nam Đàn có cụ Phan Bội Châu - tức Giải San, quê ở làng Đan Nhiệm, và cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc quê ở làng Sen là hai trong "tứ hổ" của Nam Đàn nhận được sự cảm phục của nhân dân:

Uyên bác bất như San
Thông minh bất như Sắc
Tài hoa bất như Quý
Cường trí bất như Lương.

Nghĩa là:

Hiểu rộng không ai bằng Phan Văn San
Thông minh không ai bằng Nguyễn Sinh Sắc
Tài hoa không ai bằng Vương Thúc Quý
Nhớ giỏi không ai bằng Trần Văn Lương.

Hai cụ có trí tuệ mẫn tiệp, ham học hỏi, thích hát phường vải và cùng học với thầy Đông Khê Nguyễn Thức Tự, cùng soi chung truyền thống hiếu học và yêu nước của xứ Nghệ với những trang nghĩa liệt của Mai Thúc Loan, Nguyễn Biểu, Phan Đình Phùng... Đó là cơ sở để hai cụ có điều kiện gần gũi, am hiểu, thân thiết với nhau. Mối quan hệ này đã góp phần hình thành tư tưởng, tình cảm yêu nước của Nguyễn Sinh Cung.

Nguyễn Sinh Cung ra đời trong một gia đình gia giáo, thường được phục vụ bố tiếp khách, nghe các cụ đàm đạo về thời cuộc. Rồi ở lớp học, có lần thầy Vương Thúc Quý ra câu đối: "Thắp đèn lên dầu vương ra đế" thì Cung đối lại ngay: "Cưỡi ngựa dong thẳng tấn lên đường" làm cho thầy phải chú ý đến trí tuệ của Cung bồi dưỡng những hiểu biết cần thiết để phát triển sau này. Đặc biệt, Nguyễn Sinh Cung đã cảm nhận được hai câu thơ chữ Hán của Mai Viên - Trung Quốc (1716-1797) mà cụ Phan thường ngâm: "Khuya sớm những mong ghi sử sách/ Lập thân hèn nhất ấy văn chương" thì các cụ càng mừng và hy vọng. Cụ Nguyễn Sinh Sắc ngày càng chăm lo bồi dưỡng tư tưởng yêu nước, thương dân cho Nguyễn Sinh Cung. Cung là con út và được sự chú ý của cha thường cho ngồi phục vụ tiếp khách, đi đâu thì cho đi cùng. Đó là điều kiện để Nguyễn Sinh Cung cảm nhận được thời cuộc qua sự đàm đạo của cha chú đã gợi mở cho Nguyễn Sinh Cung trong suy nghĩ về nước non, thời thế...

small_40922.jpgCụ Phan Bội Châu ở Huế những năm 30 thế kỷ XX.
Tháng 7 năm 1905, Phan Bội Châu từ Nhật Bản bí mật về nước, rồi về quê lựa chọn thanh niên đi du học ở Nhật để mai sau về giúp nước. Trong đó cụ Phan có chọn Nguyễn Sinh Cung. Theo tác giả Trần Dân Tiên trong cuốn Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ Tịch thì cụ Phan muốn đưa Cung sang Nhật học nhưng Cung từ chối con đường Đông Du. Việc Nguyễn Sinh Cung ý thức được không sang Nhật, không theo Đông Du là tác động của cụ Sắc mặc dầu Phan Bội Châu là người khởi động tinh thần yêu nước cho cụ Sắc và thông qua mối quan hệ của hai cụ đã ảnh hưởng đến Nguyễn Sinh Cung. Cụ Sắc rất quý trọng sự nhiệt thành của cụ Phan, nhưng ngẫm lại những thất bại của các phong trào yêu nước trước Phan thì cụ trăn trở, không tin phong trào Đông Du do Phan đề xướng và lãnh đạo sẽ thắng lợi.

Giai đoạn 1901 -1905 là thời gian cụ Nguyễn Sinh Sắc suy ngẫm và tìm hướng đi mới mở đường cho Nguyễn Sinh Cung. Câu đối chữ Hán của cụ Nguyễn Sinh Sắc mừng Nguyễn Tài Tuấn đậu cử nhân năm Bính Ngọ - 1906 đã thể hiện điều này:

Tạm dịch:
Bọn ta từ chốn nghèo nàm mà làm nên danh vọng
Thế nhưng giờ đây chỉ ngồi bàn thứ tự thấp cao mà thôi;
Các bậc thời trước lấy bút mạnh, văn hùng thức tỉnh đời
Ví bằng có sống lại cũng khó làm nổi chí canh tân.(1)

Tháng 5-1906, cụ Sắc vào Huế nhận chức Thừa biện Bộ Lễ, rồi cụ cho Nguyễn Sinh Cung vào học Trường Pháp - Việt, không học chữ nho của Thánh hiền nữa mà học chữ Tây. Theo cụ, muốn đánh Tây thì phải hiểu Tây, muốn hiểu Tây thì phải học chữ Tây. Đây là sự nhạy cảm của cụ Nguyễn Sinh Sắc và nhờ đó Nguyễn Sinh Cung sớm được tiếp xúc và hiểu được thực chất của nền văn minh Tự do - Bình đẳng - Bác ái mà Pháp dành cho ta. Như vậy, Nguyễn Sinh Cung càng nung nấu lòng yêu nước thương dân và chí căm thù bọn cướp nước và bán nước để Người quyết tâm đi tìm đường cứu nước. Sau này, khi nhắc lại quá trình đi tìm đường cứu nước, Người nói: "Nhân dân Việt Nam trong đó cụ thân sinh ra tôi lúc này thường tự hỏi nhau rằng ai là người sẽ giúp mình thoát khỏi cảnh thống trị. Người này nghĩ là Nhật, người khác nghĩ là Anh, người khác nữa nghĩ là Mỹ. Tôi thì thấy phải đi ra nước ngoài để xem cho rõ".(2)

Khi 15 tuổi, Nguyễn Sinh Cung đã biết đau xót trước nỗi thống khổ của đồng bào, đã có ý chí đánh đuổi thực dân Pháp, giải phóng dân tộc, nhưng chưa định được đường hướng. Nay qua tham gia hoạt động thực tế của cuộc biểu tình chống thuế ở Huế và tiếp xúc với nền văn minh Pháp đã giúp Người định hướng đường đi cứu nước được đúng đắn. Thế là Nguyễn Sinh Cung rời Trường Quốc học Huế vào phía Nam để tìm cách ra nước ngoài tìm đường cứu nước, đưa dân ta thoát khỏi cảnh áp bức bóc lột của thực dân Pháp và phong kiến, để rồi khi sự nghiệp thành công, Người được cả thế giới tôn vinh là Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hoá thế giới!

Kỷ niệm 140 năm ngày sinh Phan Bội Châu (12/1867-12/2007), "vị thiên sứ, đấng anh hùng" đã xả thân vì Độc lập - Tự do của dân tộc và Hạnh phúc của nhân dân, chúng ta ôn lại chuyện xưa để thấy được mối quan hệ giữa cụ Nguyễn Sinh Sắc với Phan Bội Châu đã góp phần hình thành tư tưởng yêu nước, thương dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

---------------------------
(1) Theo tài liệu của Khu di tích Kim Liên
(2) Báo Nhân dân, ngày 18-5-1965.
Hồ Hoàng Viên - Ban Quản lý DT - DT Nghệ An