(Baonghean) - Quỳ Châu hôm nay đã biết tận dụng lợi thế, nguồn lực của địa phương để phát triển đi lên; Tuy nhiên, vẫn còn đó những khó khăn, bất cập đòi hỏi phải có sự chỉ đạo quyết liệt, vào cuộc hơn nữa để Quỳ Châu phát huy hết tiềm năng thế mạnh...
 
images999440_c__s__s_n_xu_t_t_m_tre_hi_n_th__ng_x__ch_u_th_ng___qu__ch_u.jpgCơ sở sản xuất tăm tre Hiền Thương ở xã Châu Thắng - Quỳ Châu.
 
Có dịp được đi thực tế nhân chuyến làm việc của đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường tại Quỳ Châu, thăm một số mô hình phát triển kinh tế mới thấy được sự nỗ lực chịu khó của người dân Quỳ Châu. Đầu tiên phải nói đến việc tận dụng nguồn lợi từ cây chủ lực của địa phương (nứa, lùng), nhiều cơ sở tư nhân đã mạnh dạn đầu tư mở cơ sở sản xuất tăm tre. Đó là cơ sở sản xuất tăm tre Thanh Phúc Lâm, tạo việc làm thường xuyên cho hơn 20 lao động với mức lương hàng tháng từ 3 - 3,5 triệu đồng/người. Khởi nghiệp, chị Nguyễn Thị Thanh phải xoay xở từng đồng vốn để mua máy cắt, máy bào tách nứa, khi trong tay chị chỉ có vài chục triệu đồng. Sau nhiều ngày liên hệ tìm nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách, chị đã được hỗ trợ khoản vay 30 triệu đồng. Cái  vất vả nữa là tìm người quản lý.
 
Tình cờ chị gặp cháu Lô Tuấn Anh từng học ngành quản trị kinh doanh, là người cùng bản. Từ nhỏ Tuấn Anh đã bị khuyết tật câm điếc bẩm sinh. Thế nhưng, khi chị viết vào giấy nội dung công việc đang cần, Tuấn Anh đã mạnh dạn nhận ngay và hứa sẽ hoàn thành tốt. Từ bấy đến nay đã 2 năm, Tuấn Anh giúp chị quản lý doanh nghiệp với hơn 20 công nhân lao động chủ yếu là người trong bản với nhiều thân phận, hoàn cảnh éo le. Dưới sự quản lý chặt chẽ của chàng trai khiếm thính, doanh nghiệp ngày càng ăn nên làm ra. Với sản lượng mỗi năm 200 tấn, cho thu nhập 200 triệu đồng, sản phẩm làm ra đến đâu tiêu thụ đến đó. Chị Thanh cho biết, có thời điểm chị phải thuê tới cả 100 công nhân thì mới kịp đơn đặt hàng.
 
Cũng là mô hình sản xuất tăm tre nhưng tại bản 32, xã Châu Thắng, doanh nghiệp tư nhân Hiền Thương có sự khởi đầu thuận lợi hơn, với số vốn ban đầu 80 triệu đồng anh chị Hiền Thương đã hợp đồng với Ban Quản lý rừng phòng hộ để thu mua nguyên liệu nứa, lùng của dân bản trên địa bàn xã. Cây nguyên liệu được ngâm, làm sạch và bóc tách bởi hệ thống máy móc được nhập từ Hàn Quốc, cho sản lượng cao và tận dụng tối đa nguyên liệu đầu vào. Nguyên liệu sau khi được làm sạch còn được doanh nghiệp nhập cho các trung tâm làm tăm tre của Hội Người mù, Hội Người tàn tật tỉnh và các huyện vùng đồng bằng, để sản xuất ra sản phẩm cuối. Tại đây luôn có khoảng 20 lao động làm việc, mỗi tháng được trả lương từ 3-3,5 triệu đồng/người.
 
Tận dụng lợi thế đất rừng, nhiều người dân còn mạnh dạn đầu tư nuôi trâu, bò trang trại. Điển hình có gia đình anh Hoàng Đình Sơn ở bản Bài, xã Châu Thắng với 50 triệu đồng nguồn vốn vay ban đầu từ Ngân hàng Nông nghiệp, vợ chồng anh chị đã mua được 7 con me. Sau 3 năm chăn thả, tận dụng nguồn thức ăn vườn nhà và các khu đất rừng xung quanh, đến nay tổng đàn bò đã lên tới 53 con, mỗi năm anh chị còn xuất được khoảng 10 con me, bò cho thu nhập 100 - 150 triệu đồng. Chia sẻ với chúng tôi anh Sơn cho biết: “Nếu không biết tận dụng lợi thế đất đai vườn rừng xung quanh nhà mà cứ ngồi bó gối chờ chính sách hỗ trợ, đi làm thuê làm mướn thì biết đến bao giờ thoát nghèo? Từ khi vợ chồng mạnh dạn nuôi thả bò đã có thể nuôi hai con học đại học, xây được căn nhà kiên cố khang trang”.
 
Cơ sở sản xuất hương trầm Hà Loan.
 
Từ lâu hương trầm Quỳ Châu là sản phẩm nức tiếng gần xa. Trong 4 làng nghề với hơn 30 hộ sản xuất hương trầm trên địa bàn thị trấn, đoàn công tác của tỉnh đã tới thăm cơ sở sản xuất hương trầm Hà Loan, nơi mỗi năm cho sản lượng lên tới 300 vạn que, đóng gói xuất khẩu ra các tỉnh bạn với  doanh thu mỗi năm 300 triệu đồng. Dù không phải vào vụ sản xuất chính nhưng vừa bước chân đến cổng đã thấy mùi hương trầm quyện trong gió. Đồng chí Chủ tịch tỉnh thật sự vui mừng, bởi cảm nhận được hoạt động mang tính chuyên nghiệp của cơ sở. Từ khâu đóng gói, ngâm ủ nguyên liệu, đến bảo quản nguyên liệu đều được thực hiện theo quy trình với nhiều phương tiện máy móc tiên tiến, nhưng khâu trộn nguyên liệu và quấn hương thì chủ cơ sở vẫn kiên quyết giữ cách làm theo phương thức thủ công truyền thống. Chị Nguyễn Thị Loan chia sẻ: “Để giữ được mùi hương, và khi que hương cháy hết có tàn hương quăn tự nhiên đòi hỏi nhiều bí quyết gia truyền mà chỉ có phương thức làm bằng tay mới thực hiện được”. Tuy nhiên, đồng chí Chủ tịch tỉnh trăn trở nên chăng có thêm dự án sản xuất hương thắp, đa dạng hóa các sản phẩm từ đó nâng thu nhập cho lao động làng nghề. 
 
Trong nhiệm kỳ qua, trên địa bàn huyện, lâm nghiệp có bước tăng trưởng khá, huyện đã chỉ đạo các cấp cơ sở tăng cường khoanh nuôi, bảo vệ và trồng rừng. Năm 2011 - 2013 đã trồng mới và trồng sau khai thác được hơn 4.00,4 ha, tăng độ che phủ rừng năm 2013 đạt 76,6%. Tiểu thủ công nghiệp đã có bước phát triển đáng kể với các mặt hàng chủ yếu là: Hương trầm, vải thổ cẩm, chế biến nông sản (sản lượng hương trầm đạt 25,5 triệu que năm 2010 tăng lên 43 triệu que năm 2013). Giá trị sản xuất năm 2013 đạt 67,7 tỷ đồng, tăng 20,5%. Nhịp độ bình quân 3 năm 2011 - 2013 đạt 6,5%. Bên cạnh đó, chăn nuôi gia súc, gia cầm hàng hoá được đẩy mạnh, sản lượng thịt hơi các loại tăng nhanh so với các năm trước. Tuy nhiên, điều đáng băn khoăn là trong khi có nhiều trang trại phát triển tốt nhưng tổng đàn trâu, bò trên địa bàn lại giảm đáng kể, với hơn 27 ngàn  con trâu, bò vào năm 2010 giảm xuống còn hơn 25 ngàn con vào năm 2013. Đây cũng là điều mà Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường hết sức băn khoăn, bởi chăn nuôi trang trại, gia trại là thế mạnh của vùng đất Phủ Quỳ, việc giảm số lượng đàn bò cho thấy sự thiếu quyết liệt của lãnh đạo các cấp trong tìm ra giải pháp ngăn chặn và khắc phục thực trạng trên.
 
Bên cạnh đó, trên địa bàn huyện đến nay vẫn chưa thu hút được nhà đầu tư nào để xây dựng các khu công nghiệp hay các nhà máy để giải quyết việc làm tăng nguồn ngân sách cho huyện; Mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế các ngành theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp và tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng thương mại khó đạt kế hoạch đề ra. Cho đến nay, công nghiệp và TTCN phát triển chậm, thiếu quy hoạch, công nghệ thiết bị lạc hậu. Một số mục tiêu về xây dựng hạ tầng kỹ thuật và sản xuất công nghiệp như xây dựng nhà máy gạch tuynen với công suất 10 triệu viên/năm để thay thế các lò gạch thủ công vẫn không thể thực hiện được và vẫn là đề án còn nằm trên giấy...  
 
Hơn nữa, việc xóa đói, giảm nghèo vẫn chưa đạt hiệu quả cao, cụ thể trên toàn huyện vẫn còn trên 45% hộ nghèo. Do đó, hơn bao giờ hết việc tìm phương án giúp dân giảm nghèo bền vững được đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu huyện phải có phương án xây dựng một cách chi tiết và có lộ trình. Đặc biệt, phong trào toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới chưa thực sự mạnh, thực hiện dồn điền, đổi thửa chậm do đặc thù địa hình canh tác miền núi và do thiếu kinh phí. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng cần quyết liệt chỉ đạo để đến năm 2015 có ít nhất 2 xã về đích. Muốn vậy cần làm tốt công tác vận động tuyên truyền đến từng hộ dân trong việc chung tay xây dựng nông thôn mới, phát huy hiệu quả các tổ chức hội và Ban công tác MTTQ trong việc tuyên truyền vận động. 
 
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu Huyện ủy, UBND huyện lên phương án hoàn thành giao đất, giao rừng ổn định và lâu dài cho các hộ nông dân gắn với công tác định canh, định cư, đưa nghề rừng thành một ngành nghề kinh tế quan trọng để người dân có thể đảm bảo ổn định cuộc sống và làm giàu từ rừng. Tiếp tục làm tốt công tác khoanh nuôi, chăm sóc bảo vệ rừng, đặc biệt là vùng lùng, nứa nguyên liệu. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Phải đặc biệt lưu tâm đến vụ rừng Cô Ba và rút ra bài học kinh nghiệm sâu sắc trong việc giao đất rừng cho dân.
 
Tận dụng lợi thế từ rừng để có những bước đột phá đi lên trong việc xây dựng và nhân rộng các mô hình kinh tế là hướng đi Quỳ Châu cần khai thác. Còn nhiều việc phải làm để Quỳ Châu trở thành điểm sáng của miền Tây xứ Nghệ, nhưng tin rằng với sự nỗ lực, đoàn kết của toàn Đảng bộ và nhân dân Quỳ Châu, đích đến sẽ là không xa. 
 
Thanh Nga