(Baonghean) - Đoan Quận công Bùi Thế Đạt là vị võ tướng quê Diễn Ngọc, Diễn Châu nổi danh trong lịch sử nước ta thế kỷ XVIII. Trong sự nghiệp cầm quân, ông hầu như chưa bại trận, trở thành một trong những trụ cột chính của nhà nước phong kiến Lê - Trịnh. Với những chiến công lừng lẫy đương thời, ông là 1 trong 3 võ tướng được ghi tên vào cờ Thái thường ở Phủ Chúa và được sử gia Phan Huy Chú xem “là bậc danh tướng của châu Hoan thời gần đây”. 

Về các tác phẩm của Đoan Quận công Bùi Thế Đạt, tính đến nay chúng ta chỉ mới biết đến “Giáp Ngọ niên bình Nam đồ” trong đó có những ghi chép về “Bãi Cát Vàng” tức quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ngày này, mà chưa phát hiện thêm tác phẩm hay những thông tin nào khác. Trong một chuyến điền dã tại địa bàn xã Phù Bài, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế chúng tôi may mắn được tiếp cận một văn bản liên quan tới những hoạt động hành chính mà cụ thể là vấn đề tô thuế tại xứ Thuận Hoá - Quảng Nam sau khi vùng đất này đã thuộc quyền kiểm soát của chính quyền Lê - Trịnh, đất nước không còn ngăn cách bởi “Đàng Trong – Đàng Ngoài”. 
 
images1117968_img_0855.jpgVăn bản miễn giảm thuế khoá cho xã Phù Bài.
 
Tư liệu được nói tới chính là một  văn bản chấp nhận giảm thuế cho địa phương xã Phù Bài, huyện Phú Vang thuộc xứ Thuận Hoá. Nội dung như sau: “Giao cho toàn xã Phù Bài, huyện Phú Vang rằng: Thực ở địa phận bản xã có một cái chợ, mà tiền thuế theo lệ cũ là 26 quan. Nay có đơn kêu rằng chợ đó đã hư nát đi nhiều, nên xin chịu tiền thuế 13 quan, đến tháng Chạp hàng năm sẽ đem nạp, nay chấp thuận cho đúng theo điều xin đó. Theo lệ cũ hàng năm còn phải nạp hai ngàn khối sắt. Năm nay xin nạp một ngàn khối, cho phép đến hai kỳ hạn tháng 4 và tháng 10 thì đem nạp, ưng thuận theo những điều đã xin”. Cuối văn bản là dòng niên đại ghi “Ngày 27 tháng 4 năm Cảnh Hưng năm thứ 37 (1776)”. Đặc biệt nhất, con dấu đóng trên dòng hiệu là: “Phụng Sai Bình Nam Đại Tướng Quân Chi Ấn”. Căn cứ vào đây cho chúng ta biết rằng người cho phép miễn giảm tô thuế cho xã dân Phù Bài lúc bấy giờ chính là Đoan Quận công Bùi Thế Đạt.
 
Sau những năm 1775, khi tiếp quản thủ phủ Phú Xuân của xứ Đàng Trong, Đoan Quận công Bùi Thế Đạt chính là vị trấn thủ đầu tiên tại đây. Đặc biệt đầu năm 1776, sau khi Việp Quận công Hoàng Ngũ Phúc qua đời, ông được thăng làm Nam thùy đại tướng quân, kiêm trấn thủ Thuận Hóa, được tùy nghi quyết đoán mọi công việc. Ngoài nhiệm vụ phải bảo đảm giữ gìn và đánh bại mọi lực lượng xâm phạm Phú Xuân, ông còn phải đứng ra tổ chức và sắp đặt bộ máy hành chính tại đây. Đây là một điều rất khó khăn bởi xứ Đàng Trong sau hơn 200 năm tách rời khỏi chính thể Đại Việt đã như một quốc gia độc lập. Đặc biệt cuối đời chúa Nguyễn Phúc Khoát, xứ Đàng Trong có hệ thống thuế khóa nhiêu khê, nặng nề, quan dưới lạm thu khiến dân phải nộp nhiều hơn quy định.
 
Năm 1741, chúa Nguyễn Phúc Khoát ra lệnh truy thu thuế của cả những người bỏ trốn, tới năm 1765 lại có lệnh truy thu thuế còn thiếu của 10 năm trước. Sang thời Trương Phúc Loan nắm quyền, dân Đàng Trong càng bị bóc lột nặng nề hơn. Đời sống nhân dân Đàng Trong thống khổ cùng cực. Chính vì vậy, sau khi quản lý mảnh đất này, Đoan Quận công Bùi Thế Đạt đã có một số cải cách về kinh tế, đặc biệt là nới lỏng thuế khoá cho người dân. Văn bản trên ghi rõ việc nới giảm thuế khoá cũng như nới thời gian nạp thuế cho dân xã Phù Bài xuống còn 1 nửa. Điều này cho thấy lòng yêu dân cũng như con mắt nhìn xa trông rộng của Đoan Quận công Bùi Thế Đạt.
 
Những tư liệu trên tuy không nhiều nhưng lại rất có ý nghĩa trong việc bổ sung thêm những thông tin về hành trạng cũng như sự nghiệp nhằm làm rõ hơn về một nhân vật lịch sử nổi tiếng như Đoan Quận công Bùi Thế Đạt cũng như cho chúng ta thấy rõ hơn về việc tổ chức bộ máy hành chính của chính quyền Đàng Ngoài tại Thuận Hoá lúc bấy giờ. 
 
Tử Quang