(Baonghean) - Hơn 30 năm gắn bó với phong trào văn hóa - văn nghệ ở huyện miền núi Quỳ Hợp, ông đã kinh qua các vai trò từ sáng tác nhạc, tác giả kịch bản, đạo diễn, diễn viên... Năm nay đã ở ngưỡng tuổi lục tuần nhưng vẫn đều đặn góp mặt trong các kỳ hội thi, hội diễn. Ông là nghệ nhân Sầm Quang Lý ở xã Châu Quang (Quỳ Hợp).
 
Sinh ra ở miền đất Khủn Tinh giàu bản sắc văn hóa, ngay từ thuở thiếu thời Sầm Quang Lý đã có một niềm đam mê cháy bỏng với dân ca, dân nhạc, dân vũ của cha ông. Lớn lên, tòng quân nhập ngũ, năng khiếu và niềm đam mê văn hóa, văn nghệ đã đưa Sầm Quang Lý đến với đội văn nghệ xung kích của đơn vị. Chính trong những năm tháng “tiếng hát át tiếng bom” ấy, ông đã mày mò học thêm nhạc lý, kỹ năng sáng tác. Vốn kiến thức ấy giúp ích rất nhiều cho ông suốt quãng thời gian sau này...
images1118520_nghe_nhan_sam_quang_ly_1.jpgNghệ nhân Sầm Quang Lý.
Năm 1980, rời quân ngũ về với bản làng, về với mạch nguồn những điệu xuối, điệu lăm, về với không gian văn hóa cộng đồng có sức cuốn hút lạ kỳ trong những ngày vui của bản vẫn còn nguyên vẹn. Vượt lên rất nhiều khó khăn trong cuộc sống gia đình, Sầm Quang Lý lại say sưa với phong trào văn nghệ quần chúng, góp mặt ở hầu hết các hội thi cấp xã, cấp huyện. Đảm nhận vai trò chuyên trách văn hóa xã Châu Quang, hơn ai hết, ông thấu hiểu rằng phong trào văn nghệ quần chúng thêm phần cuốn hút là nhờ những tác phẩm tự biên “cây nhà lá vườn”. Bà con mong lắm ở những hội diễn có nhiều sáng tác về bản mường quê mình, mà điều này thì những sáng tác của nhạc sỹ chuyên nghiệp khó lòng đáp ứng. 
 
Chẳng lẽ phụ lòng bà con dân bản? Thế là ông lại ngược xuôi sưu tầm tư liệu, tìm gặp những người đi trước để học hỏi kỹ năng, thức trắng đêm đặt lời xuối, lăm, nhuôn, dân ca Nghệ An và… viết ca khúc về bản, về mường. Những lúc nông nhàn ông cùng với cây ghi ta bập bùng ký âm, sáng tác. Những tác phẩm đầu tay ra đời, cùng anh em đội văn nghệ xã lên sân khấu biễu diễn được bà con nồng nhiệt đón nhận và cổ vũ giúp ông thêm tự tin. Nhận thấy mình còn hạn chế về nhạc lý, ông quyết tâm lấp lỗ hổng này bằng cách tìm sách về tự học và học hỏi thêm từ bạn bè, các nhạc sỹ chuyên nghiệp… Cứ thế, những sáng tác “cây nhà lá vườn” của ông dần chững chạc hơn.
 
Lần lượt những ca khúc do ông sáng tác đã để lại dấu ấn, đạt giải cao tại các kỳ hội thi cấp huyện, cấp tỉnh. Có thể kể đến: “Cảm xúc Kim Liên”- giải A, Tiếng hát Làng Sen tỉnh Nghệ An, các tác phẩm “Di chúc Bác giục chúng con đi”, “Dâng Người khúc hát lăm”, “Cùng về thăm quê Bác”… đều đạt giải B, Tiếng hát Làng Sen tỉnh Nghệ An. “Tâm tình đôi bạn trẻ”- giải A, Tiếng hát truyền thông dân số tỉnh Nghệ An, “Bản mường ơn Cụ Hồ”- giải B, Tiếng hát truyền hình tỉnh…
 
Mỗi dịp có hội thi, hội diễn Sầm Quang Lý lại “trình làng” những sáng tác mới của mình, vừa bám sát chủ đề hội diễn mà cũng không kém phần hấp dẫn bởi tính sáng tạo trong ca từ, giai điệu. Với lời nhuôn Thái “Dặn con gái” nghệ nhân Sầm Quang Lý đã đạt giải Nhì tại Liên hoan Dân ca toàn tỉnh. 
 
Cùng với mảng ca khúc giàu chất liệu dân ca; ông còn có không ít những tiểu phẩm sân khấu để lại dấu ấn trong lòng khán giả. Tiểu phẩm “Nhờ anh giải quyết hộ” về đề tài hôn nhân và gia đình; tiểu phẩm “Dỡ rào” tham gia Hội thi hòa giải viên giỏi toàn tỉnh; tiểu phẩm “Chuyện ông già giữ rừng” giải Nhất hội thi cụm các huyện miền núi về đề tài bảo vệ rừng...
 
Vừa qua, xã Châu Quang vinh dự được chọn tổ chức chương trình “Quê mình xứ Nghệ”; ông lại tất bật với trò Đội trưởng đội tuyển bản Bành, 1 trong 2 đội tuyển tham gia chương trình. Tự nhận mình là người say lời lăm, điệu ví; cháy hết mình với phong trào cơ sở, nghệ nhân Sầm Quang Lý thực sự đã để lại những dấu ấn đậm nét trong phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng của huyện miền núi Quỳ Hợp trong suốt thời gian qua.
 
Bài, ảnh: Cao Duy Thái