(Baonghean) - Có một nếp bản phía tả ngạn sông Lam, thuộc xã Cam Lâm (Con Cuông) có tên cổ là Pá Mạ, tiếng Thái nghĩa là “rừng ngựa”. Nghe qua tên gọi, tưởng chừng là miền chiến địa xa xưa nào đó, kỳ thực là một nếp bản thuần phác và đâu đó vẫn phảng phất dấu ấn của những người dựng bản, lập mường xưa kia… Theo chủ trương của nhà nước, từ vài năm trở lại đây, dân bản đã lùi ra nơi định cư mới, cách bản cũ một hồi lâu đi bộ. Chỉ còn người già vẫn quen miệng gọi tên cũ, bản Pá Mạ… 

Hai cây thị và ngôi đền thiêng
images1118873_ha_c_y_th____b_n_b_ch_son.jpgHai cây thị ở bản Bạch Sơn.
Hốc cây nom tựa một hang núi.
 
Đó là một ngày đầu năm dương lịch 2015, bước chân vô tình dẫn tôi đến bản nhỏ trên 70 nóc nhà này. Trong cái rét như cắt thịt da, những bước chân học trò vẫn mải miết rảo trên con đường lầy lội từ trung tâm xã, nơi có ngôi trường cấp 2 về bản trong màn mưa nặng hạt. Bạch Sơn hiện vẫn là một bản nghèo của xã Cam Lâm.
 
Hôm nay, Bí thư chi bộ Lô Văn Phòng không đi cày ruộng. Âu cũng bởi tiết trời quá rét mướt.. Ông có vẻ già hơn cái tuổi 58 một phần vì đông con, nhiều mối lo toan. Nay cả 8 trong số 9 người con đều đã dựng vợ, gả chồng nên đôi phần đỡ vất hơn. Vị cán bộ bản lâu năm này còn không nhớ xuể mình có bao nhiêu cháu nội, cháu ngoại nữa. 
 
Ông Lô Văn Phòng lùa bàn tay lên ngọn lửa và bắt đầu câu chuyện về gốc tích bản mình. Có một truyền thuyết kể về chuyện lập bản như thế này: Người già truyền lại rằng ngày xưa có quan bang tá của phủ Tương Dương ở vùng Đôn Phục ngày nay đến đất này đánh bẫy gà. Ngài cưỡi con ngựa cái trắng muốt mang theo con gà trống cũng màu trắng đến cạnh thửa ruộng cạnh bản, còn chưa kịp giăng bẫy thì bị con hổ lớn lắm vồ. Cả người, ngựa và con gà đều bị ăn thịt. Dân bản đi tìm thấy chỉ còn sót lại một cái chân của vị quan, một cái chân ngựa và một cái chân gà. Thửa ruộng cạnh đó được đặt tên là “hở Xam Ha” (thửa ruộng ba chân – Tiếng Thái). Dân bản cho thầy mo về cúng và biết đất này thiêng nên cho lập đền thờ. Từ đó, khu rừng này có tên là Pá Mạ và ngọn núi cạnh đó cũng lấy tên là Bạch Mã. Cạnh ngôi đền bằng gỗ có trồng 2 cây thị hiện vẫn xanh tốt. Gốc cây to lớn 5, 6 người ôm không xuể.
 
Ông Phòng dẫn tôi đi thăm lại bản cũ. Chỉ hơn 10 phút đi bộ, những hàng cau và dừa vài chục năm tuổi đã hiện ra. Bản Pá Mạ xưa giờ đã thành rừng. Chỉ còn lại 2 hộ chưa rời ra nơi ở mới. Một vài phụ nữ đi gieo mạ vụ xuân tha thẩn trong vườn cũ trẩy quả trứng gà. Giữa bản có 2 cây thị cổ thụ cao trên 10m tán rộng phủ cả một góc bản. Gốc cây sù sì, đầy rêu, mốc thếch tựa những khối đá núi. Cái cây phía Đông có một hốc lớn đủ chỗ cho vài người ngồi trú ẩn. Ông Phòng cho biết, đàn bò trong bản vẫn thường chui vào đó trú mưa mà chẳng hề hấn gì.
 
Ngay cạnh 2 cây thị cổ thụ là dẫu vết nền đất của ngôi đền thờ chỉ còn sót lại chiếc cột nằm chỏng chơ. Ông Phòng cho biết thêm, ngôi đền này do dòng họ Lô dựng lên và kiêm luôn việc thờ cúng. Mãi đến năm 1985, khi người chủ tế mất đi, việc thờ cúng bị bỏ bẵng và ngôi đền cũng trở nên hoang phế rồi đổ nát. Chỉ còn lại 2 cây thị vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt. Qua tháng năm và bàn tay tàn phá của con người, cây rừng đại ngàn dần bị phá bỏ, 2 cây thị được người dân coi như một đấng linh thiêng, chẳng ai dám xâm phạm. 
 
Trở lại bản, chúng tôi tìm gặp cụ Lương Văn Hoàn được cho là người hay chuyện nhất nhì bản. Đã gần 80 tuổi, cụ vẫn con tráng kiện. Cụ bảo: Mình không thuộc dòng họ Lô lớn nhất bản nhưng cũng biết được nhiều chuyện vì hay hỏi han. Khi cụ lớn lên đã thấy 2 cây thị cao lớn như bây giờ rồi. Mấy chục năm rồi mà vẫn không thay đổi gì. Ngày trước khi còn ở bản cũ, cụ đã có 2 lần cùng dân bản đi tu sửa ngôi đền. Năm nào cũng vậy, cứ vào ngày 20 tháng 8 âm lịch, dân bản lại mở hội “căm phạ”, có nghĩa là “kiêng trời”. Đây là một ngày lễ lớn của dòng họ Lô ở một số bản trong xã Cam Lâm như Bạch Sơn, bản Cai, bản Cam và một số bản có dòng họ Lô ở xã Đôn Phục. Vào ngày này, dân bản mổ gà cúng tổ tiên mừng các ngài vừa lên trời hoàn thành nhiệm vụ đi tiễn nàng Đòi trở về.
 
Chuyện nàng Đòi và tết “căm phạ”
 
Liên quan đến tục lệ này, có câu chuyện cổ tích: Ngày xưa, đôi vợ chồng nọ sinh được cô con gái đẹp, dân bản gọi là nàng Đòi. Nhà nàng có nuôi bầy lợn con. Đến ngày bán lợn, nàng nhất quyết bắt gia đình giữ lại một chú lợn đực. Cha mẹ nàng hỏi: Định giữ lại làm chồng hay sao?”. Nàng chẳng nói chẳng rằng nhưng nhất quyết không cho bán đi. Suốt ngày nàng quanh quẩn chăm bẵm chú lợn con.
 
Chú lợn lớn nhanh lắm. Nhưng rồi đến một ngày nó bỏ bản đi ăn quả rừng. Chờ suốt một mùa trăng không thấy lợn trở về, nàng Đòi liền giả chết. Chú lợn vốn là Tạo Khưởng hóa thành tưởng thật liền trở về gọi các mo trong bản lên trời làm nhà cho nàng Đòi. Ngày 12 tháng 7, mo lên xem chỗ dựng nhà. Ngày 14 tháng 8 thì kéo nhau lên trời. Người cắt lá cọ, người nung vôi, người đốt than. Riêng những dòng họ như Vi, Lương… lo việc lợp nhà. Trong khi lợp mái, một khúc cây rơi xuống cạnh chỗ nằm của nàng Đòi khiến nàng ta vốn đang giả chết giật mình mở mắt nhìn lên. Nàng nói nhỏ với những người lợp nhà hãy giấu kín chuyện này và năm sau sẽ không phải lên trời nữa. Còn những người họ Lô cứ nhớ ngày 14 hàng năm lên trời làm nhà cho nàng Đòi. Ngày 20 tháng 8, ngôi nhà làm xong, tất cả trở về hạ giới, cai quản làng bản. Vào ngày này, dân bản mổ gà làm cơm mừng những người từ mường trời trở về.
 
Cụ Hoàn cho biết, từ lâu dân bản vẫn có tục kiêng trong vòng từ ngày 14 đến 20 tháng 8 âm lịch, ma nhà đi vắng, dân bản không được lên rừng đốn cây, không đi làm ăn xa. Phải ở lại giữ gìn nhà cửa, làng bản. Trong những ngày nay, tuyệt đối không ai được làm đổ đèn dầu, không đánh vỡ bát đĩa, cốc chén. Nếu không giữ được sẽ làm ảnh hưởng đến công việc của ma nhà ở cõi trời.
 
Tuy nhiên, ngày nay tục kiêng này cũng chẳng còn được tuân thủ nghiêm ngặt bởi cuộc sống đã khác trước rất nhiều. Nhiều người quanh năm đi làm ăn, học hành ở xa nên tục kiêng “trời” cũng đã có nhiều biến đổi. Thế nhưng, lễ cúng ngày 20 tháng 8 vẫn được dân bản duy trì. Có nhà khấm khá còn mổ lợn ăn mừng. Nhiều nhà thuộc các dòng học khác cũng đã học theo người họ Lô, tổ chức lễ cúng. Vì vậy, lễ cúng ngày 20 tháng 8 thành ngày hội chung của cả bản.
 
HỮU VI