(Baonghean) - Sống mà khổ thế này thì thà chết đi còn hơn! Trong cuộc sống, thỉnh thoảng chúng ta vẫn được nghe những lời cất lên đầy ai oán như thế từ miệng không ít người. Có thể những lời nói đó bật ra lúc ai đó cùng đường, tuyệt vọng trong cuộc sống, nhưng chưa chắc họ đã thật sự muốn thế. Khi thật sự đối mặt với cái chết ai mà chẳng sợ để mà níu kéo sống thêm dù chỉ một thời gian ngắn ngủi.
Ấy nhưng cũng có những người thật sự muốn chết. Vì quả thực là sống không bằng chết. Đó là những người lâm trọng bệnh và vô phương cứu chữa. Hoặc là sống trong đau đớn quá mức chịu đựng. Hoặc là bệnh hoạn nên sống mà như đã chết, nằm một chỗ khổ sở lại tiêu tốn không ít tiền bạc, thời gian, công sức của người nhà. Với những người đó, chết là một sự giải thoát khỏi tất cả khổ đau, phiền nhiễu. Và trong thực tế cuộc sống, thật sự là có nhu cầu đó - nhu cầu được chết!
Vì thế, mới đây khi đưa Bộ luật Dân sự sửa đổi ra lấy ý kiến rộng rãi có đề xuất bổ sung “quyền được chết”. Ngay lập tức, đề xuất này gây bàn tán xôn xao trong xã hội. Phe ủng hộ, mà trước hết là cơ quan đề xuất như Vụ Pháp chế thuộc Bộ Y tế, cho rằng những trường hợp y học đã bó tay như chết não, sống thực vật thời gian dài hay ung thư di căn giai đoạn cuối mà thời gian sống chỉ tính bằng ngày... thì nên để người bệnh hoặc gia đình có quyền lựa chọn được “chết êm ái”. Chết theo nguyện vọng thiết tha. Họ cho rằng, chết như thế là nhân văn. Là tôn trọng quyền tự quyết của công dân. Bởi lựa chọn sống hay chết là quyền của mỗi người. Nhất là cái chết đó có lợi cho bản thân người đó và gia đình.
Phe chưa đồng tình hoặc còn băn khoăn thì cho rằng quyền được sống là tối thượng với mỗi người và không thể tước đoạt dù cơ hội sống có mong manh đến đâu. Họ cũng cho rằng chẩn đoán y khoa dù tân tiến tới đâu cũng có sai số nhất định, nên không thể định đoạt mạng sống của con người trên cơ sở này. Những người phản đối “cái chết êm ái” còn không loại trừ khả năng có thể bị lạm dụng để hợp thức hóa hành vi giết người... Đó là chưa kể các lý do văn hóa, tâm linh... của người Việt về vấn đề này... Thế nên, trong số hàng trăm quốc gia trên thế giới, mới chỉ có vài quốc gia, vùng lãnh thổ cho phép người dân của mình được “chết êm ái”.
Tóm lại, để được chết một cách tự do, thoải mái theo ý nguyện cá nhân không hề dễ dàng. Thôi thì cứ bàn bạc, tranh luận thoải mái, nhưng phải trên tinh thần nhìn thẳng vào sự thật để rút ra được định hướng hay quyết định về vấn đề này sao cho phù hợp với thực tiễn cuộc sống không chỉ hiện nay, mà còn cả trong tương lai nhằm bảo đảm tối đa quyền tự do lựa chọn của mỗi người dân. Và chỉ biết chắc chắn một điều, nhu cầu được “chết trong êm ái” là một nhu cầu có thật. Mà đã là nhu cầu thì rất cần được đáp ứng.
Tri Kỷ