(Baonghean) - Quê xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, ông Hồ Anh Dũng – nguyên Tổng giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam khiến nhiều người ngạc nhiên bởi sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của một nhà quản lý báo chí, đã liên tiếp “trình làng” 2 cuốn tiểu thuyết đầy đặn. Ngạc nhiên và vui hơn nữa là việc ông được mời vào Hội Nhà văn Hà Nội, trong khi đọc văn ông thì thấy toàn viết về quê: Làng Quyền, mà chắc chắn ai cũng liên tưởng tới làng Quỳnh, quê ông.
Nhưng phải đến khi đọc văn ông, mới hiểu hết tấm lòng và trách nhiệm của ông với quê hương, khi xuất hiện trong một vai trò khác: một nghệ sĩ. Ông đã biến những năm tháng cuộc đời mình – những năm tháng đầy “nắng gió” – thành một phần tế bào của cuốn tiểu thuyết đầu tay: “Nắng gió đời người” (2008), và rồi gần đây là cuốn tiểu thuyết thứ hai: “Như là định mệnh” (2010). Người đọc bất ngờ khi bắt gặp ở đó “những trang viết giàu chất sử thi”, “một tâm hồn nghệ sĩ, một cây bút có nghề” (Bùi Đức Thọ), với ngôn từ “nhuần nhị, nhất là những câu thoại đậm chất phương ngữ xứ Nghệ khiến người đọc ở các vùng miền khác thú vị như là sự khám phá” (Trần Hoàng Nhân). Nếu như tiểu thuyết “Nắng gió đời người” được yêu thích bởi chất sử thi chất chứa trong đó, thì đến tiểu thuyết “Như là định mệnh”, tác giả đã cuốn hút được người đọc bởi văn phong rõ ràng đã trở nên trau chuốt hơn. Nhà văn Lê Minh Khuê nhận xét về tác phẩm này: “Văn của ông chứa linh cảm, sự lãng mạn và lòng nhân ái. Dường như ông không nỡ làm đau một ai. Ông lùi ra xa và kể về họ, ít bình luận, để sự việc nói thay. Khác với các tiểu thuyết mô tả thế giới bên trong con người, phát hiện những chuyển động li ti khó nhận biết trong tâm hồn con người, Hồ Anh Dũng tập trung mô tả thế giới bên ngoài biến động, hùng tráng với máu lửa thời cuộc, với chiến tranh, hậu chiến và con người nhỏ bé bị nó cuốn đi…”.
Trong căn nhà yên tĩnh gần hồ Ba Mẫu (Hà Nội), Hồ Anh Dũng dành một khoảng thời gian nhất định trong ngày để đọc và viết. Tiểu thuyết, với ông, là một dòng sông thu nhận vào nó tất cả những xúc cảm, nghĩ suy của một đời người. Ông tìm đến nó để giãi bày, để thỏa mãn khát vọng được sẻ chia của mình sau bao nhiêu năm vật lộn với những “nắng gió”. Hai cuốn tiểu thuyết được ông viết với tất cả tình yêu là để dành tặng cho cuộc đời và cho vùng quê xứ Nghệ. Đọc tiểu thuyết của ông, người ta thấy rõ tình yêu ấy với tất cả sức mạnh của nó.
Bức tranh làng Quyền hiện ra trước mắt người đọc thật rõ nét với những “nhà tranh vách đất đơn sơ, xiêu vẹo”, với “tiếng trống ở đình, tiếng mõ ở điếm”, với “những khuôn mặt nhà quê nhẫn nhục, những ánh mắt dữ dằn của lính mộ, vẻ thương xót mà khôi hài của các bà mẹ và vợ lính”. Cả một lịch sử hiện về, in bóng xuống làng Quyền, in dấu trong những sự đổi thay. Ban đầu là một làng Quyền phát đạt với nghề dệt lụa buôn tơ, mỗi phiên chợ có đến năm sáu trăm tấm lụa, nào là “lụa mộc, lụa trơn, lại có lụa đen, lụa đỏ, lụa điều, lụa “cu cò” trẩy tận Tương Dương, Mường Xén bán cho người Mèo, người Lào”. Thế rồi, tất cả những hình ảnh ấy dần lùi vào dĩ vãng, từ khi có đại chiến bên châu Âu và sự xuất hiện của quân Nhật ở Việt Nam, làng “làm ăn sa sút, đói kém”… Hồ Anh Dũng tái tê nhìn sự đổi thay ấy của quê hương, để rồi nhiều lúc không thể viết bằng giọng khách quan lạnh lùng được nữa, ông trộn những gam màu buồn đau của lòng mình vào bức tranh ấy. Ông đau đớn bởi bi kịch đã diễn ra trên chính mảnh đất quê ông, nơi ông gửi hồn vào từng làn gió, lùm cây, vào từng mái nhà xơ xác và những nét mặt người…
Làng Quyền hiện lên thật trọn vẹn với mọi nỗi buồn vui của nó. Bên cạnh cảnh bị hủy hoại bởi chiến tranh còn hiện lên rõ nét hình ảnh những người con sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp giành độc lập của Tổ quốc… Và dù có thế nào, dù ẩn trong làng Quyền cũng có nhiều nỗi đắng cay, Hồ Anh Dũng hiểu rằng “có gì râm ran trong huyết quản, từ lòng người, có sức mạnh nào đó như từ đất dấy lên đang rung chuyển, dâng trào thành một trận động đất, sóng thần”. Chính điều ấy đã làm nên chiến thắng.
Mỗi cuốn tiểu thuyết của Hồ Anh Dũng khai thác một góc cạnh khác nhau trong biển nắng gió ấy của cuộc đời. Nếu như cuốn tiểu thuyết đầu tay tập trung vào những vấn đề của lịch sử, của dân tộc, thì cuốn “Như là định mệnh” lại nhìn sâu hơn vào số phận cá nhân. Tác phẩm xoay quanh cuộc đời của ba nhân vật chính là Lan Anh, Cương, Cẩn, trong đó Lan Anh là tiêu điểm. Hồ Anh Dũng muốn thông qua nhân vật nữ này nói lên nhiều điều, rằng lẽ nào “cứ hồng nhan bạc mệnh mãi”, rằng yêu thương sẽ hóa giải những đau khổ và trớ trêu… Mặc dù cốt truyện không tập trung, mô tả diễn biến tâm lý chưa thật sắc sảo, nhưng tiểu thuyết về thân phận và tình yêu này đã cuốn hút được người đọc bởi nó bày ra trước mắt họ tất cả những bộn bề của cuộc sống và ít nhiều buộc họ phải trăn trở, suy nghĩ.
Hồ Anh Dũng tâm sự rằng sắp tới ông sẽ dành thời gian để viết một tác phẩm dài hơi nữa nhưng lần này sẽ là tác phẩm mang tính chất tự truyện. Có lẽ, người nghệ sĩ trong ông đang dần bóc tách những mảng màu che phủ lên mình bấy lâu nay, để được lộ diện trên con đường sáng tạo tràn đầy ánh sáng đang mở ra trước mắt.
Được biết, năm nào cũng vậy, dịp rằm tháng Giêng, ông lại cùng cả nhà về Quỳnh Đôi thắp hương tại nhà thờ tổ, viếng người thân, họ tộc đã yên nghỉ tại quê nhà. Và ông không bao giờ quên thăm anh chị em làng báo, làng văn nghệ, tặng nhau cuốn sách, bài báo, nhận xét tờ báo Tết, số tạp chí Xuân… Nghĩa là ông gần gũi hơn bao giờ hết với quê hương trong từng nếp nghĩ, việc làm. Mừng vui với ông, khi thời gian qua đi, những việc làm thầm lặng của ông, những trang viết của ông lại càng sáng rõ...
Gia Phạm