(Baonghean) - Tôi có dịp đến với núi non Nậm Nhoóng của rẻo cao Quế Phong, nơi có dòng sông Quàng ôm trọn những bản làng bình yên của đồng bào Khơ Mú, Thái tuy còn nghèo khó, nhưng chan chứa nghĩa tình. Tôi đã được diện kiến già làng Lữ Tất Thành - một “cây đại thụ” của vùng đất này.

Khác với hình ảnh về một già làng mà tôi tưởng tượng trên hành trình vào Nậm Nhoóng. Đón tôi trong buổi sớm mai hãy còn se lạnh là một người đàn ông dáng nhỏ nhắn, nhanh nhẹn với nụ cười thân thiện. Thoáng ngạc nhiên qua đi nhường chỗ cho những câu chuyện thân tình mà già làng Lữ Tất Thành kể, khi dẫn tôi đi thăm bản Huồi Cam – một điển hình xây dựng NTM của xã Nậm Nhoóng.

Câu chuyện bắt đầu bằng hồi ức của mấy mươi năm về trước, khi hai cụ thân sinh và 4 anh chị em ông sống giản dị giữa núi rừng hoang sơ này. Cuộc sống thiếu thốn trăm bề, chạy ăn từng bữa nhưng may mắn thay, người cha vẫn quyết tâm cho con cái đi học cái chữ, vì chiêm nghiệm chính cuộc đời cụ cho thấy: “Chỉ có học mới thoát khỏi cảnh nghèo khó”. Cậu bé Thành đã được theo học đến nơi đến chốn. Năm 1972, khi vừa hoàn thành chương trình lớp 7 ở huyện, ông lên đường nhập ngũ, rồi đi B.

794690_small_96175.jpg

Già làng Lữ Tất Thành đang vận động nhân dân chấp hành chủ trương của Đảng và Nhà nước, tích cực phát triển kinh tế gia đình.

Trong Chiến dịch mùa Xuân 1975 đơn vị của ông là một trong những cánh quân tiên phong đập tan phòng tuyến Xuân Lộc của địch (nay thuộc Đồng Nai) để tiến vào giải phóng Sài Gòn, thống nhất non sông, đất nước sau 21 năm chia cắt. Nước nhà thống nhất, ông tiếp tục ở lại trong quân ngũ đóng quân ở Đồng Nai, đến năm 1979 lại lên đường làm nghĩa vụ quốc tế giúp nhân dân Campuchia giải phóng khỏi chế độ diệt chủng Khơme đỏ. Mưu trí, dũng cảm, lập được nhiều thành tích, ông liên tục 3 lần được đơn vị phong danh hiệu Chiến sỹ thi đua. Vinh dự hơn nữa, ngày 26/6/1979, ông được kết nạp Đảng ngay tại chiến trường Campuchia.

Đến đầu năm 1981, ông phục viên trở về quê hương sau gần 10 năm chinh chiến. “Từ khi nhập ngũ, tôi về phép thăm gia đình chỉ một lần duy nhất sau khi huấn luyện xong, trước khi đi B”, ông chia sẻ. Trở về quê hương Nậm Nhoóng, đất nước đã hòa bình, thống nhất nhưng cuộc sống còn nhiều khó khăn. Bản chất người lính được tôi rèn qua chiến trận thôi thúc ông tìm hướng đi mới, xóa đói giảm nghèo. Ông băng rừng, men theo con suối Pà Mẹt mà tìm đất khai hoang trồng lúa nước. Ông kể: “Tui khai hoang được 35a ruộng lúa. Đến nay vẫn làm. Trước làm hai vụ, nay chỉ làm một vụ một năm cũng thu 8 tạ đến 1 tấn lúa, dư đủ cho nhu cầu gia đình”.

Nhắc đến chuyện trồng lúa là bởi, ông Thành cũng là người Khơ mú đầu tiên khai hoang làm lúa nước ở Nậm Nhoóng, mở ra tư duy làm ăn mới cho cả cộng đồng dân tộc Khơ mú vốn không quen làm lúa nước. Và trong những ngày tháng năm xưa, hình ảnh cần cù, chịu khó của chàng trai Lữ Tất Thành đã chiếm trọn tình cảm của cô gái Moong Thị Vinh cùng bản. Hai người nên duyên vợ chồng từ năm 1982. 

Từ năm 1983, ông bắt đầu làm “việc xã”. Kinh qua nhiều chức vụ từ xã đội trưởng, phó chủ tịch UBND rồi phó bí thư Đảng ủy… cho đến năm 2010 mới nghỉ hưu. “Lúc đó, làm cán bộ xã rất vất vả. Đi họp dưới huyện cũng phải mất 3 ngày cả đi lẫn về, vì đi bộ. Trong khi ở nhà chỉ có vợ và con nhỏ, sức lao động không bằng mình, gia cảnh khó khăn lắm! Nhưng cứ nghĩ đã là đảng viên lại được rèn luyện trong quân đội nên khi xã hội cần, mình phải cống hiến”, ông chia sẻ.

Đó là chuyện ngày xưa, còn khi đất nước đổi mới, giao thương hàng hóa, đi lại thuận lợi hơn, ông đầu tư mạnh vào làm kinh tế gia đình bằng mô hình chăn nuôi tổng hợp. Với đàn trâu 17 con, bò 7 con, 3 ao thả cá, 8 con lợn nái, 18 con lợn thịt, gần 100 con gà, vịt, thu nhập của gia đình một năm cao điểm cũng gần 150 triệu đồng, thấp nhất cũng xấp xỉ 100 triệu đồng. Ở một địa phương mà tỷ lệ hộ nghèo còn trên 90% như Nậm Nhoóng, ông Thành thực sự là tấm gương làm kinh tế giỏi cho nhiều người noi theo.

… Sau khi nghỉ hưu, ông Thành vẫn không ngơi việc nhà, việc bản. Hai năm qua, thực hiện Chương trình xây dựng NTM, ông là người tiên phong vận động nhân dân hiến đất làm đường bê tông. Thử hình dung, ở một vùng đất như Nậm Nhoóng, đồi núi trùng điệp, nhà cửa cứ bám vào sườn núi mà dựng lên thì mỗi mét vuông đất vườn quý giá với bà con nhường nào. Vậy nên, lúc đầu ông đi vận động hiến đất nhiều hộ kiên quyết không đồng tình. “Khó bằng nào cũng có cách gỡ”, ông tâm niệm vậy, rồi tự mình hiến trước 500m2, sau đó kiên trì đi vận động; “mưa dầm thấm lâu”, cuối cùng cả bản Huồi Cam cũng thông, cũng hiểu mục đích xây dựng NTM.

Bất ngờ hơn, mỗi hộ còn đồng ý góp 500 ngàn đồng để mua cát, sỏi cộng thêm xi măng Nhà nước hỗ trợ để làm đường. “Chúng tôi làm đây không phải mất công thuê thợ. Nhà nào cũng cử người ra trộn, đổ bê tông”, ông cho biết. Bây giờ đi quanh bản Huồi Cam, len lỏi qua núi đồi khúc khuỷu là từng con đường bê tông vững chãi, khang trang chạy qua dưới nếp nhà sàn. Trò chuyện với tôi, chị Lương Thị Quê, người dân ở bản phấn khởi nói: “Làm xong đường NTM đi lại thuận lợi, lại có chỗ phơi lúa, phơi ngô. Nhờ bác Thành vận động, bản ta mới được như chừ đó”.

Không chỉ có vận động làm NTM, nghe bà con kể chuyện mới thấu ông là “nhà dân vận” xuất sắc của bản làng. Bởi trước đó, kể cả khi chưa nghỉ hưu, ông đã vận động thành công nhiều học sinh không bỏ học, ở nhà lập gia đình. Nhờ vậy, cả bản lâu lắm không có trường hợp nào tảo hôn. Rồi chuyện cưới hỏi truyền thống của người Khơ mú vẫn giữ tập tục nhà trai phải lo hết cho nhà gái tổ chức đám. Thấy nhiều gia đình vất vả lo cho con trai lấy vợ, ông lại tỉ tê phân tích, tâm sự, vận động cả bản tổ chức cưới hỏi nhẹ nhàng, nhà gái cùng chung tay lo cho ngày vui hai con… Vậy nên, bản Huồi Cam không chỉ đi đầu trong xây dựng NTM ở Nậm Nhoóng mà còn là bản văn hóa đầu tiên của cả xã.

Mặt trời xuống bóng ở bên kia sườn Tây dãy Trường Sơn. Tôi chia tay Nậm Nhoóng trở về xuôi khi ông Thành đang chuẩn bị báo cáo để tới đây, dự hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Chỉ thị 03 về “Tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” của huyện Quế Phong.

Ông Lữ Tất Thành còn là 1 trong 3 cá nhân tiêu biểu của tỉnh Nghệ An được suy tôn đi dự  Hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Chỉ thị 03, được tổ chức tại Hà Nội trong thời gian tới.


Thành Duy