(Baonghean) - Thành Sơn (Anh Sơn) là xã vùng sâu, vùng xa, nằm trong Chương trình 135 của Chính phủ và là địa phương có nhiều đồng bào dân tộc sinh sống. Mấy năm gần đây, việc phát huy thế mạnh địa phương trong việc lựa chọn cây trồng hiệu quả kinh tế cao đã góp phần tạo nên bước phát triển mới của xã.

Từ Thị trấn Anh Sơn, phải đi gần 30 km mới lên được Thành Sơn. Vùng đồi núi thăm thẳm, hoang sơ, chằng chịt cây dại, sỏi đá của 5 năm về trước dường như đã là chuyện của quá khứ. Trước mắt là màu xanh trù phú, trùng điệp của những cánh rừng nguyên liệu. Tại các vùng bãi vệ và đồi thấp, cây mía nguyên liệu, cây  sắn và ngô trải dài trên triền đồi. Vợ chồng anh Lương Văn Quảng - dân tộc Thanh ở xóm 3 có gần 3 sào mét, 6 sào mía và 3 sào lúa nước. Theo anh Quảng thì cây mét rất phù hợp với vùng đất nơi đây. Trồng mét từ năm thứ 6 trở đi sẽ bắt đầu cho thu hoạch liên tục, giá bán từ 8-15 ngàn đồng/cây, cây to giá 20-25 ngàn đồng/cây. Bà con  thu hoạch mét từng đợt theo độ tuổi. Cây mét đến tuổi thu hoạch có thể cho 5 lần thu hoạch/năm với thu nhập 1-2 triệu đồng/lần, tương đương 10 triệu đồng/năm. Cùng với cây mét thì 6 sào mía của anh Quảng cũng cho năng suất cao và ổn định, cho thu nhập trên dưới 20 triệu đồng/năm.

Vợ chồng anh Nguyễn Hữu Trinh - xóm 7 hiện có trên 2 ha keo đang ở độ tuổi thứ 4. Mấy năm qua, nhận thấy sản phẩm keo trồng của bà con trong xã ngày càng dồi dào, anh chị đã cùng với nhiều hộ bà con đầu tư phương tiện thu mua keo, tràm và chở đi nhập tại KCN Nam Cấm. Năm nào cũng vậy, cứ hết mùa dịch vụ thu hoạch mía nguyên liệu, vợ chồng anh chị lại “vào vụ” thu mua keo. Anh Trinh cho biết: “Keo của bà con được mua theo lô hoặc theo cây, cây to giá 40 ngàn đồng/cây, cây nhỏ và vừa giá 25-30 ngàn đồng/cây. Để có sản phẩm đi nhập, anh chị phải thuê bà con cắt, bóc vỏ, bốc lên xe, và chi phí vận chuyển, xăng xe. Mỗi chuyến xe đi nhập trọng lượng vận chuyển khoảng 14-15 tấn, trừ chi phí lãi trên 3 triệu đồng/chuyến”. Mỗi năm, ngoài 6 tháng vận chuyển mía, anh chị thu mua sản phẩm keo và nhập về Vinh, thu về hàng chục triệu đồng.

794788_small_96299.jpg

Bà con vùng đồng bào dân tộc (xóm 3), Thành Sơn thu hoạch cây nguyên liệu mét.

Thành Sơn hiện có trên 1600 ha đất tự nhiên, trong đó trên 960 ha đất đồi rừng, trên 260 ha đất sản xuất nông nghiệp, còn lại là đất triền bãi, sông, ngòi và đất thổ cư. Toàn xã có trên 670 hộ dân, trong đó gần ½ số dân là đồng bào dân tộc (chiếm 3/8 xóm). Ông Hồ Ngọc Nhượng - Chủ tịch UBND xã Thành Sơn cho biết: Bám sát mục tiêu và định hướng phát triển kinh tế của huyện, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã khóa 18, nhiệm kỳ (2005 - 2010) đã xác định 3 cây chủ lực phù hợp với điều kiện của địa phương, là cây nguyên liệu giấy, mía và lúa. Để triển khai đưa các cây trồng mũi nhọn vào cho bà con sản xuất, xã triển khai chuyển dịch cơ cấu kinh tế mùa vụ, áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất; quan tâm đến việc xây dựng vùng nguyên liệu giấy, vùng mía. Xã đã triển khai giao đất, giao rừng cho các hộ để triển khai trồng rừng nguyên liệu. Riêng 3 bản dân tộc sẽ triển khai trồng mét, còn lại trồng tràm, mía và lúa nước.

Đến nay, trên 80% diện tích đất rừng Thành Sơn phủ kín cây nguyên liệu gồm mét, tràm. Riêng tại 3/8 xóm là đồng bào dân tộc được quy hoạch vùng mét nguyên liệu. Trên 145 ha lúa nước chuyên canh ổn định, năng suất bình quân lúa đạt 52 tạ/ha với sản lượng 740 tấn/năm giúp bà con chủ động hoàn toàn về nguồn lương thực. Bên cạnh đó, toàn xã hiện có trên 24 ha ngô, năng suất đạt 44 tạ/ha, sản lượng trên 120 tấn,  Đến cuối năm 2012, dù gặp nhiều khó khăn song xã vẫn triển khai cho bà con trồng trên 111 ha/110 ha mía nguyên liệu theo kế hoạch, năng suất mía toàn xã đạt trên 68 tấn/ha, góp phần đáp ứng trên 75 ngàn tấn/vụ ép cho Nhà máy Mía đường Sông Lam. 

Nhờ quyết liệt trong việc đưa các cây trồng chủ lực phù hợp với điều kiện thực tế địa phương, đến nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế của xã Thành Sơn tăng từ 10% lên đến 14,5%, thu nhập bình quân đầu người đạt 13 triệu đồng/người/năm. Những chỉ số phát triển này tạo nên bước chuyển trong nông nghiệp, nông thôn, tạo đà để Thành Sơn vươn lên hoàn thành các mục tiêu trong xây dựng NTM.


Bài, ảnh: Lương Mai