(Baonghean) - Ông Vi Tuyền Quynh, người dân tộc Thái ở bản Tân Lập, xã Thanh Sơn (Thanh Chương) được dân bản quý trọng bởi sự gương mẫu đi đầu trong lao động sản xuất; góp phần làm cho bản làng đổi mới, cải thiện đời sống đồng bào...
Năm 2006, khi Nhà nước cấp phép đầu tư xây dựng Nhà máy Thủy điện Bản Vẽ (Tương Dương), ông Vi Tuyền Quynh cùng dân bản nhường nơi “chôn nhau cắt rốn”, di dời tái định cư đến chỗ ở mới là xã Thanh Sơn, huyện Thanh Chương.
Ông Vi Tuyền Quynh nhớ lại: Trước chủ trương di dời, lòng dân bản ngổn ngang, với vai trò là già làng, người có uy tín của bản, ông không quản ngày đêm vận động bà con làm theo chủ trương của Đảng và Nhà nước. Nói đi đôi với làm, cuối năm 2006, ông cùng gia đình tiên phong di dời nhà đến vùng tái định cư. Nỗ lực “bén rễ xanh cây” nơi quê mới, ông tiếp tục tích cực vận động bà con và nhiều hộ dân trong bản cũ đã đồng thuận dời nhà theo ông về vùng tái định ở xã Thanh Sơn. Lúc đầu chỉ mới năm, bảy hộ theo, dần dần người dân trong xã theo ông về định cư chỗ ở mới càng đông... Thế nhưng về quê mới gặp không ít khó khăn, nhiều gia đình lại khăn gói quay về quê cũ mưu sinh; vậy là ông Vi Tuyền Quynh lại phải nhiều lần vượt hàng chục km đường rừng để vận động bà con quay lại...
Khi bà con đã ổn định bước đầu cuộc sống mới, ông trăn trở nhất là mình phải nuôi con gì, trồng cây gì hiệu quả để bà con làm theo. Ông bỏ nhiều thời gian, công sức đến các vùng đất khác để học hỏi cách làm ăn của người dân bản địa. Từ đó ông xác định trồng chè công nghiệp có thể hiệu quả nhất. Nhưng để bà con trồng được chè không phải dễ, cây chè cần phải áp dụng các tiến bộ KHKT thì năng suất mới cao. Ông Quynh chia sẻ: Vùng đất phần lớn là đồi núi này rõ ràng cây lúa may ra nuôi sống bà con, còn cây xóa nghèo chỉ có cây chè là phù hợp nhất, còn vật nuôi thì con gà con lợn, tận dụng các phụ phẩm của nông nghiệp như ngô, sắn… Nghĩ là làm, ông ra tận Nông trường chè Hạnh Lâm để học hỏi cách trồng chè, cách ươm giống. Năm 2008 gia đình ông bắt đầu trồng 4 sào chè phục vụ cho Nhà máy chè Hạnh Lâm. Lúc đầu ông vận động bà con cứ tự tin làm theo ông, tuy nhiên chỉ có ít hộ ở bản Tân Lập nghe và làm theo.
Sau hơn 3 năm chăm sóc, vườn chè của gia đình ông phát triển tốt, đem lại giá trị thu nhập cao, ông tiếp tục đầu tư trồng thêm 14 sào chè nữa, đến nay, gia đình ông đã trồng được 18 sào chè, mỗi năm cho thu nhập hàng chục triệu đồng. “Trăm nghe không bằng một thấy”, nhiều gia đình trong xã bắt đầu đến nhờ ông bày cho cách trồng chè. Ông Quynh còn trực tiếp ươm giống chè để cung cấp cho đồng bào TĐC theo đề án phát triển kinh tế của huyện. Đến nay phần lớn diện tích đất vườn đồi ở xã Thanh Sơn đã cơ bản được phủ kín bằng cây chè, nhiều diện tích chè đã đem lại thu nhập cho bà con. Điều đáng biểu dương ở tấm lòng của ông Vi Tuyền Quynh đó là sẵn sàng giúp đỡ đồng bào nơi đây, gia đình nào thiếu vốn sản xuất ông sẵn cho vay không tính lãi, hộ nào cần giống chè ông đều nhiệt tình cung cấp cho trả dần, hay gia đình nào ốm đau ông luôn có mặt động viên thăm hỏi… Sự nhiệt tình của ông đã tạo được lòng tin với bà con, nhiều gia đình từ chỗ không có việc làm, nay có thu nhập ổn định từ trồng trọt, chăn nuôi. Gia đình anh Vi Khánh Hòa, bản Tân Lập là một trong những hộ tích cực theo ông Quynh trồng chè. Anh Hòa phấn khởi nói: “Năm 2011, thấy gia đình ông Vi Tuyền Quynh trồng chè tốt, tôi mua cây giống về trồng trên 3 sào đất đồi của gia đình. Sau 3 năm chăm sóc, được ông Quynh hướng dẫn cách bón phân, làm cỏ… chè phát triển tốt, cho hái búp vụ đầu vào năm 2014”.
Cũng chính từ hiệu quả kinh tế của cây chè do ông Quynh và một số hộ sau này trồng được, UBND huyện Thanh Chương khẳng định đây là cây trồng chủ lực, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho người dân vùng tái định cư. Đầu năm 2013, UBND huyện lập đề án phát triển vùng chè nguyên liệu tại 2 xã TĐC Thanh Sơn và Ngọc Lâm, với diện tích 500 ha, hiện bà con đang triển khai trồng chè trên các vùng đồi.
Khi diện tích đất đồi của ông đã được phủ kín bởi cây chè, ông Vi Tuyền Quynh kết hợp chăn nuôi lợn đen và gà, tăng thêm thu nhập. Ông cho biết: Nếu chỉ mỗi trồng chè thì thời gian nhàn rỗi quá nhiều nên phải kết hợp chăn nuôi. Năm 2014 gia đình đầu tư nuôi 20 con lợn đen và 800 con gà. Lợn khoanh vùng nuôi nhốt, còn gà chủ yếu thả vào vườn chè. Tết vừa rồi ông bán hàng tạ gà thịt, mang lại cho gia đình hàng chục triệu đồng. Ông thổ lộ, nuôi gà nhốt kết hợp thả vườn gà nhanh lớn, chất lượng thịt ngon nên dễ bán. Nếu trong bản, gia đình nào muốn nuôi gà, ông hướng dẫn cách nuôi cũng như cung ứng con giống. Từ nhiều việc làm tốt như thế của ông Quynh, bà con dân bản luôn tin, nghe và làm theo.
Xuân Hoàng