(Baonghean) -  “Nghệ - Tĩnh thật xứng đáng với danh hiệu “Đỏ” - lời khen ngợi của đồng chí Nguyễn Ái Quốc dành cho nhân dân Nghệ Tĩnh đã khẳng định ý nghĩa lịch sử cũng như ảnh hưởng của Cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh trong tâm khảm mỗi người con của mảnh đất miền Trung nói riêng và toàn thể đất nước nói chung. 85 năm - một chặng đường dài với biết bao thăng trầm của lịch sử, nhưng lòng yêu nước nồng nàn cùng tinh thần đoàn kết chống giặc ngoại xâm của thời kỳ 1930 - 1931 vẫn vẹn nguyên giá trị trong thời đại ngày nay. 

Trong sổ tay những địa chỉ đỏ trên quê hương cách mạng, không thể không nhắc đến Di tích Đài liệt sỹ Thái Lão, tọa lạc bên Quốc lộ 46 đi qua Thị trấn Hưng Nguyên. Đây là nơi tưởng niệm 217 liệt sỹ ngã xuống vào ngày 12/9/1930, khi cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh lên đến đỉnh điểm với cuộc nổi dậy của khoảng 8.000 nông dân. Những người hy sinh trong cuộc tàn sát của thực dân Pháp vào thời điểm ấy, ngoài một số ít được thân nhân đem về khâm liệm và chôn cất, đa phần nằm lại trong ngôi mộ tập thể tại cánh đồng Thái Lão. 
 
Năm 1956, Ty Văn hóa Nghệ An được Tỉnh ủy và UBND tỉnh giao nhiệm vụ xây dựng Nghĩa trang liệt sỹ Thái Lão. Năm 1960, nghĩa trang hoàn thành với quy mô tương đối khiêm tốn, chỉ khoảng chừng 200m2. Năm 1961, trong lần thứ hai Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm quê, Người đã ghé thăm Khu di tích Đài liệt sỹ Thái Lão và dặn dò: "Máu của các liệt sỹ hy sinh trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh đã tô thắm thêm lá cờ của Đảng. Cán bộ và nhân dân phải xây dựng và bảo vệ khu vực này thành một Khu di tích lịch sử Cách mạng". Năm 1988, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có quyết định công nhận Di tích Đài liệt sỹ Thái Lão là Khu di tích Lịch sử cấp quốc gia. Đến năm 2009, UBND tỉnh lập đề án cải tạo, nâng cấp khuôn viên khu tưởng niệm với quy mô 12,9 ha; hiện nay, nhiều hạng mục cơ bản đã hoàn thành như nhà thờ, khu mộ, cổng Tam quan,… và đang tiến hành thi công các hạng mục khác.
 
Ý thức được tầm quan trọng của việc bảo tồn, phát huy các giá trị lịch sử, một tổ cán bộ, nhân viên được giao nhiệm vụ túc trực tại Nghĩa trang liệt sỹ Thái Lão, đảm bảo các công tác chăm sóc, dọn dẹp cảnh quan, đón tiếp khách tham quan, các đoàn công tác về dâng hương, dâng hoa, cũng như phục vụ nhân dân về tưởng niệm hương hồn các liệt sỹ. Bên cạnh đó, học sinh các trường trên địa bàn tỉnh nói chung và tại huyện Hưng Nguyên nói riêng như Trường THPT Thái Lão, THCS Lê Hồng Phong,… thường xuyên tổ chức các nhóm tới dọn vệ sinh, tham gia các hoạt động nghe thuyết minh, giới thiệu tìm hiểu về lịch sử đấu tranh của các bậc cha anh thuở trước.
 
images1381883_4c.jpgTrưng bày ảnh chuyên đề "Xô viết Nghệ Tĩnh năm 1930 - 1931" tại khuôn viên Khu tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ Thái Lão (Hưng Nguyên).
Một điểm dừng chân khác cho những ai quan tâm tìm hiểu truyền thống cách mạng trên mảnh đất xứ Nghệ kiên cường là Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh với khuôn viên rộng rãi, nằm nép mình trên con phố Đào Tấn. Đây cũng là khu vực gần Di tích Thành cổ Vinh, lưu giữ được những nét thâm trầm, cổ kính trong lòng thành phố đang chuyển mình từng ngày. Nơi đây lưu giữ những hiện vật chứng nhân cho cao trào đấu tranh anh dũng, quật cường của giai cấp công nhân và nông dân. Được thành lập vào năm 1960, giữ vị thế là bảo tàng chuyên đề về sự kiện Cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh - di sản vô giá về phong trào cách mạng đầu tiên dưới sự lãnh đạo của Đảng, hiện nơi đây lưu trữ 15.000 tài liệu, hiện vật, trong đó có 6.500 tài liệu, hiện vật gốc, 2.000 trang tư liệu tiếng Pháp, 5.000 hồ sơ chiến sỹ cách mạng và hàng trăm hồi ký. Khoảng 500 hiện vật tiêu biểu nhất được lựa chọn để trưng bày, phục vụ hàng chục triệu lượt khách từ mọi miền Tổ quốc và nước ngoài về tham quan. 
 
Mỗi gian trưng bày, mỗi hiện vật đều gắn liền với những câu chuyện chân thực, phần nào tái hiện lại được bầu không khí sôi nổi, mạnh mẽ của phong trào đấu tranh Xô viết Nghệ Tĩnh năm nào. Những tờ truyền đơn; những chiếc trống từng được đánh lên những hồi vang vọng một thời 1930 -1931 hiệu triệu lòng dân; vũ khí của các đội Tự vệ đỏ ở Anh Sơn, Thanh Chương; những đồ vật giúp in ấn, cất giấu tài liệu, phục vụ các cuộc họp của cán bộ cách mạng; những bức phù điêu mô phỏng phong trào đấu tranh năm nào,… tất cả đều được lưu giữ vẹn nguyên, tưởng như chỉ chờ một lời hiệu triệu là hình ảnh dòng người hàng nghìn nông dân, công nhân biểu tình đòi giảm sưu thuế, giảm giờ làm, đòi quyền lợi thích đáng bất chấp ách thực dân kìm kẹp đổ về trong tâm thức của mỗi người khi đến tham quan bảo tàng.
 
Không chỉ đơn thuần là nơi lưu giữ các hiện vật, Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh còn là trường học về lịch sử cách mạng, giáo dục và khơi dậy lòng yêu nước, tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ. Hàng năm, bảo tàng đón 17.000 - 18.000 lượt khách tham quan, trong đó số học sinh, sinh viên chiếm tới hơn 10.000 lượt, cho thấy nhu cầu tìm hiểu lịch sử của những chủ nhân tương lai của đất nước là không hề nhỏ. Đồng chí Nguyễn Xuân Thủy - Giám đốc Bảo tàng cho biết: “Từ năm 2007, Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh đã tham mưu cho UBND tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Sở Giáo dục - Đào tạo ký kết kế hoạch phối hợp để đưa giáo dục truyền thống Xô viết Nghệ Tĩnh vào trường học. Tính đến nay, chương trình đã đạt được nhiều kết quả khả quan, xây dựng được 1 bộ phim tư liệu, 2 bài giảng ngoại khóa chuyên đề Xô viết Nghệ Tĩnh cho học sinh lớp 9 và lớp 12. Hàng năm, Bảo tàng cũng phối hợp với Phòng Giáo dục - Đào tạo Thành phố Vinh đưa học sinh đến tham quan nghiên cứu, tổ chức hoạt động ngoại khóa tại Bảo tàng, phối hợp với ngành giáo dục thường xuyên tổ chức 10 - 12 cuộc thi giao lưu văn hóa, tìm hiểu lịch sử, các cuộc trưng bày lưu động để đưa hình ảnh về Xô viết Nghệ Tĩnh đến tận các trường học, góp phần tích cực giáo dục truyền thống yêu nước và truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, được nhân dân ghi nhận”.
 
Thu Giang