(Baonghean) - Tôi từng nghe nhiều người bạn đất Bắc, quê Nam tâm sự rằng, họ yêu mến xứ Nghệ vì lưu luyến hương vị đậm đà của bát nước chè xanh, nhớ thương điệu ví, giặm trên dòng sông Lam da diết, ngẩn ngơ trước đôi mắt lúng liếng với “mô tê răng rứa” của người con gái Nghệ. Còn với tôi - người con sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này, những điều ấy đã trở thành máu thịt, chỉ cần lắng lòng mình chậm lại thì mỗi phút giây đều hiện về từng góc ảnh của quê hương.

Thành phố Vinh độ này trời đã vào thu, gió đã đủ lạnh để ta thèm thuồng được nhâm nhi ly cà phê nóng. Thường những lúc như thế, tôi tìm đến quán cà phê nào đó bên bờ hồ Goong. Yên tĩnh, thư thái và đầy thi vị. Hồ Goong không dài rộng như hồ Tây, cũng chẳng mang nét hoài cổ như hồ Hoàn Kiếm, nhưng hãy thử đến hồ Goong vào một ngày đầu thu, bạn sẽ chẳng thể nào hờ hững trước vẻ đẹp bình yên và dịu dàng ấy. 
images1382278_h__goong_nh_n_t__du_ng_ng__s__th_c.__nh_ng__ki_n.jpgHồ Goong với các góc nhìn từ đường Ngô Sỹ Thục. Ảnh: Ngô Kiên
Sương thu bảng lảng trên mặt hồ, vương lại giọt tinh khôi trên chùm hoa sữa đang tỏa hương nồng nàn trong góc phố. Những ngày cuối tuần, quán cà phê ven hồ hầu như không còn chỗ trống. Đông đúc là vậy nhưng không mảy may một chút ồn ào. Ai nấy đều khẽ khàng, nhỏ nhẹ như sợ đánh động không gian tĩnh lặng và vẻ đẹp thanh sơ huyền ảo của hương thu bên mặt hồ. Người nghệ sỹ già ngồi bên ô cửa nhỏ, nhả từng làn khói thuốc, đôi mắt lim dim mơ màng theo dòng nhạc Trịnh Công Sơn.
“Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt. Trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt. Rọi suốt trăm năm một cõi đi về…”. Giai điệu ấy vốn chỉ dành để nghe khi thời gian ngưng đọng trong đêm khuya, người ta chìm vào cõi miên man của nhạc Trịnh lúc nhịp sống đã không còn hối hả. Thế nhưng ở hồ Goong, người ta có thể tìm đến dòng nhạc ấy, đưa hồn mình vào lãng du bất cứ lúc nào. Có lẽ vì hồ Goong trầm và phảng phất nét buồn tĩnh tại. 
 
Tôi từng hàn huyên chuyện trò với anh bạn thời đại học tại chiếc bàn nhỏ mà người nghệ sỹ già đang ngồi. Đó là một buổi chiều mùa Đông rét buốt, sương mù dày đặc phủ kín mặt hồ, chỉ thấy thấp thoáng màu áo của những chị bán khoai lang nướng ở gần đó. Nhâm nhi ly cà phê nóng, anh bạn tôi chợt hỏi: “Hồ này có từ bao giờ vậy cậu?”. Câu hỏi ấy của cậu bạn làm tôi chợt chững lại, gắn bó với hồ Goong từ rất lâu, mỗi tuần ghé qua đây độ dăm bảy lần, vậy mà cũng chưa bao giờ tôi tìm hiểu đến nguồn gốc của nó. Câu chuyện của tôi và anh bạn vẫn tiếp tục trong giai điệu du dương của nhạc không lời trong quán cà phê, nhưng câu hỏi băn khoăn về nguồn gốc của hồ Goong vẫn chưa có lời giải đáp. 
 
Bẵng đi một thời gian, tôi tình cờ vào thư viện tìm hiểu thông tin về lịch sử thành Vinh mới biết, sau khi tiến hành khai thác thuộc địa lần thứ 2 (năm 1914), người Pháp xây dựng Nhà máy xe lửa Trường Thi. Để đắp nền nhà máy, họ phải đào một lượng đất lớn, những hố đất ấy ban đầu là ao chuôm, lâu dần tạo thành hồ. Hồi đó, phu phen đẩy xe goòng chở đất băng ngang qua đường, đất lấy đến đâu làm đường goòng theo đến đấy nên sau này người dân quen gọi là hồ xe goòng, gọi mãi thành tên đi vào văn bản, ghi chệch ra là “Goong”. 
 
Sau lần gặp gỡ ở quán cà phê ấy, anh bạn tôi chuyển vào Nam lập nghiệp, chúng tôi ít liên lạc với nhau hơn và cũng quên khuấy câu chuyện về hồ Goong. Sống giữa nhịp phố ồn ào náo nhiệt ở chốn Sài thành, liệu anh bạn còn nhớ đến sự trầm lắng của thành Vinh, nhớ đến chiều thu bên mặt hồ bảng lảng khói sương và những băn khoăn còn bỏ ngỏ?... Còn tôi, vẫn ở đây, để sau những vất vả thường nhật lại tìm về khoảng không gian tĩnh tại, thả lòng mình chầm chậm trong từng nhịp phố. Đôi khi ngồi bên hồ, lẩm nhẩm cái tên nghe có vẻ lạ kỳ - hồ Goong - cái tên xuất phát từ một sự thật lịch sử buồn thương, lòng không khỏi nao nao nhớ nhung người bạn cũ…
 
Nhưng không phải lúc nào Vinh cũng buồn và trầm tư như thế. Hồ Goong nằm trong khuôn viên của công viên Nguyễn Tất Thành nên đây là điểm đến lý tưởng của các cụ già tập dưỡng sinh mỗi sớm, của những đôi nam thanh nữ tú tâm sự bên chiếc ghế đá cạnh hồ, của những em nhỏ háo hức, vui sướng vì được bố mẹ dẫn vào công viên chơi trò đạp vịt. Cũng có lúc hồ Goong sôi động lắm, nhộn nhịp lắm; nhưng không phải là cái nhộn nhịp của sự xô bồ mà là tiếng động của thanh âm cuộc sống. Hồ Goong là một bức tranh đa màu sắc với những mảng sáng tối khác nhau. 
 
Có lần tôi lang thang dọc bờ hồ, chợt bắt gặp hình ảnh hai cụ già đang dắt tay nhau dạo bộ. Chân bước chầm chậm, hai bàn tay nước da đồi mồi nắm chặt và nụ cười an yên hiện lên sau nếp nhăn khóe mắt. Đó là nụ cười của những con người đã sống qua hết những sóng gió, nếm trải hết những mùi vị cuộc đời, để rồi đến cuối cùng chỉ còn tình yêu vĩnh hằng ở lại. Hạnh phúc đơn giản thế thôi…
 
Nhưng cũng có những góc hồ mà con chim xanh hạnh phúc chưa ghé qua ríu rít. Thấp thoáng nơi đó bóng dáng những em bé đánh giày gầy gò khắc khổ. Chiếc hộp gỗ trên tay, những đứa trẻ ấy dạo khắp phố phường, ghé vào từng quán cà phê, hàng nước vỉa hè mong kiếm từng đồng trang trải cuộc sống. Có lúc mệt quá, em nằm ngủ quên trên bãi cỏ cạnh hồ, khi thì dưới tiết trời mùa hè oi ả, lúc lại co ro trong cơn gió đông. Lần khác, khi đang ngồi trên tầng hai của một quán cà phê, tôi lại bắt gặp ánh mắt buồn khao khát của một cô bé bán kẹo bông. Em lặng người dõi theo những đứa trẻ đang nô đùa cùng bố mẹ trong Công viên Nguyễn Tất Thành. Tôi vẫy em lại, hỏi mua một chiếc kẹo bông màu hồng. Kẹo kéo từ đường hay từ mồ hôi, nước mắt em mà sao tôi thấy mằn mặn trên môi…
 
Cứ như thế, Hồ Goong nằm nép mình giữa những con đường lớn, chứng nhân cho những chuyện đời, chuyện người, cho cả những bước chuyển mình, thay da đổi thịt của thành phố. Sống dưới thời kỳ lầm than đô hộ, con người xứ Nghệ đã vùng lên đấu tranh bằng chính nghĩa, hào hùng khí thế cách mạng theo tiếng trống 30 – 31. Trải qua thời kỳ chiến tranh tàn phá, thành quách, chùa chiền và những công trình bị hư hại đi nhiều. Chỉ còn lại hồ Goong, điềm nhiên nằm lại một chốn yên bình trong lòng thành phố, chứng kiến những đau thương và chí khí quật cường của con người xứ Nghệ. Để rồi hôm nay lại chứng kiến những bước tiến vững chắc trên con đường hội nhập và phát triển của mảnh đất đầy nắng gió này. Sức sống thành Vinh đang bật lên mạnh mẽ qua những lõi thép. Hàng loạt công trình, hàng loạt đô thị đã, đang và sẽ mọc lên. Vinh sẽ còn vươn xa hơn nữa, tỏa sáng hơn nữa, đẩy xa những nghèo đói, lạc hậu để đứng vững trên một tầm cao mới. 
 
Nhưng Vinh sẽ không bớt dịu dàng, không bớt nồng nàn, vẫn giăng mắc nhớ thương trong lòng khách lạ. Bởi Vinh có nét trầm mộc mạc của hồ Goong. Còn với tôi, hồ Goong là để đi, để đến, để về. Khi lòng đã trĩu nặng với những nỗi buồn thế sự, mệt mỏi với những chen lấn ngược xuôi của dòng đời, tôi trở về với hồ Goong, thả hồn mình theo từng làn sóng nước, hòa vào cái bao dung của trời đất, thanh thản và bình yên. Bấy nhiêu thôi cũng đủ để tôi yêu tha thiết nơi này, để mỗi lần xa là một lần nhớ, mỗi lần gần là một nỗi bâng khuâng. 
 
Phương Thảo