(Baonghean) - Đã 85 năm trôi qua kể từ ngày diễn ra phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh, âm vang của những tiếng hò reo, tiếng trống, tiếng kèn, tiếng mõ dường như vẫn còn vang vọng khắp mọi nơi trên mảnh đất xứ Nghệ giàu truyền thống yêu nước. Mong muốn được nghe nhân chứng của thời kỳ 1930 - 1931 thuật lại khí thế hào hùng lúc bấy giờ thôi thúc chúng tôi đi tìm những lão thành cách mạng, nhân chứng của sự kiện “long trời lở đất” - Xô viết Nghệ Tĩnh.
Ngôi nhà của cụ Trần Văn Diệu nằm khuất sau con ngõ nhỏ cách Đài tưởng niệm Xô viết Nghệ Tĩnh (Thị trấn Hưng Nguyên) tầm 200m. Chúng tôi theo chân một cậu bé để đến nhà cụ Diệu. “Cô chú hỏi nhà ông giáo Diệu ạ? Sao nhiều người hỏi ông giáo thế nhỉ?”. Câu hỏi hồn nhiên của cậu bé khiến chúng tôi thoáng mỉm cười… Khi chúng tôi đến, sức khỏe cụ Diệu không được tốt, nhưng không vì thế mà cụ từ chối cuộc trò chuyện. Ngay khi vừa gợi nhắc về thời kỳ diễn ra cao trào cách mạng, cụ say sưa chìm vào dòng hồi tưởng, cuốn cả chúng tôi theo về với những tháng ngày lịch sử:
“Hồi ấy, tôi còn nhỏ, mới chỉ 7 tuổi thôi. Cái tuổi ấy chưa hiểu chuyện gì đang diễn ra, thấy cha mẹ mình, anh em mình, làng xóm mình đánh mõ, vác gậy, vác cờ đi từng đoàn để biểu tình thì mình cũng đi theo. Thấy mọi người hô to “Đả đảo thực dân Pháp”, rồi nghe người lớn nói loáng thoáng chuyện làm cách mạng, tôi chỉ lờ mờ biết rằng làm cách mạng là một điều gì rất quan trọng, rất vĩ đại, khiến cho tất cả mọi người đều sục sôi khí thế”. Một lý do khác giải thích cho việc một cậu bé 7 tuổi lại có ấn tượng sâu sắc với một sự kiện mà chính bản thân còn chưa đủ nhận thức để hiểu, là bởi chính những người thân yêu trong gia đình cậu cũng tham gia vào phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh lừng danh một thời nói riêng và phong trào cách mạng của cả dân tộc nói chung.
Cụ tự hào kể, thân sinh cụ là ông Trần Khiếu (tức Trần Điểm) tham gia phong trào cách mạng và bị địch bắt tù đày 3 lần. Trước đây, ngôi nhà của cụ là nơi họp kín của những chí sĩ yêu nước và những người làm cách mạng. Thời kỳ năm 1930, khi có lệnh nổi dậy cướp chính quyền, hằng đêm, các bậc cha chú lại tụ họp tại nhà cụ để bàn bạc về địa điểm, vũ khí và cách thức biểu tình. Cụ kể: “Trong lúc các chú, các anh bàn việc nước, sẽ có một người được cắt cử đứng canh ở ngoài ngõ. Khi có quân lính đến thì lập tức người đó sẽ giả vờ hô to để ra hiệu. Còn nếu họp vào ban ngày, mẹ tôi sẽ làm một mâm cỗ bày lên bàn thờ tổ tiên, nhỡ có bọn lính đến thấy đông người thì còn lấy cớ nhà mình có giỗ”.
Cuộc họp bàn kín đáo là thế nhưng khi đã tổ chức biểu tình thì công khai và hừng hực khí thế. Vào ngày 12/9/1930, nông dân ồ ạt kéo về phủ lỵ ở Hưng Nguyên và trương các khẩu hiệu: Bỏ sưu thuế, chia lại ruộng đất, đả đảo chủ nghĩa đế quốc, đả đảo phong kiến,…Cả rừng người với khẩu hiệu, cờ đỏ từ khắp các ngả đường đổ về phía Ga Yên Xuân ở Vinh, tiếng hô, tiếng trống mõ vang dậy, giáo mác tua tủa. Chính quyền thực dân Pháp đáp trả mạnh mẽ, huy động máy bay ném bom vào đoàn biểu tình làm 217 người chết và 125 người bị thương.
Nhưng đạn bom của kẻ thù làm sao ngăn nổi dòng người biểu tình như dòng sông đỏ cuồn cuộn dậy sóng căm hờn, đập phá nhà lao, đốt phá các huyện đường, bao vây đồn lính khố xanh, đánh mạnh vào thành trì của chính quyền thực dân đô hộ và phong kiến thối nát. Nhiều lý trưởng, tri huyện sợ hãi bỏ trốn, hệ thống chính quyền nơi thì tan rã, nơi thì lung lay, rúng động trước làn sóng cách mạng mạnh mẽ của nhân dân.
Tiếp tục theo dòng lịch sử, chúng tôi ngược dòng Lam giang về với mảnh đất Thanh Chương - nơi thành lập chính quyền Xô viết đầu tiên, cái nôi của cách mạng thời kỳ 1930 - 1931. Người chúng tôi may mắn được gặp là cụ Phan Tố Đức ở thôn Kim Tiến, xã Võ Liệt. Năm nay bước sang tuổi 99 nhưng cụ vẫn còn rất minh mẫn và nhanh nhẹn, cụ thường xuyên đọc báo, theo dõi thời sự và bình phẩm một cách rất sắc bén. Nhắc đến thời kỳ lịch sử 1930 - 1931, đôi mắt cụ sáng bừng lên, giọng kể rành mạch và sang sảng, tưởng như trước mắt chúng tôi không phải là một cụ già trăm tuổi mà là cậu thiếu niên của phong trào đỏ năm nào.
Theo lời kể của cụ, những năm 1930 - 1931, nhân dân tổng Võ Liệt lấy đình Võ Liệt (hiện vẫn còn di tích) làm trụ sở chỉ đạo của các phong trào cách mạng. Sáng 1/6/1930, nhân dân quanh vùng tay gậy, tay thước tập trung tại đây rồi kéo lên huyện đường nêu yêu sách với chính quyền. Ngày 1/9/1930, cả Thanh Chương sục sôi khí thế cách mạng, 2 vạn nhân dân trong 5 tổng đồng loạt vượt sông Lam sang vây phá huyện đường với khí thế như “triều dâng thác đổ”. Cụ Đức còn nhớ như in hình ảnh đi đầu là những người cầm cờ đỏ, đi hai bên là đội viên tự vệ được trang bị các loại dao, gậy, còn lại là nông dân không kể gái trai, già trẻ, đồng lòng quyết tâm nổi dậy giành chính quyền.
Trước tình thế đó, tri huyện Phan Sỹ Bàng bỏ chạy, chính quyền về tay nhân dân một cách hết sức thuận lợi. Chi bộ Đảng họp ở đình Võ Liệt quyết định thành lập tổ chức Nông hội đỏ, đại diện cho quyền lợi của người lao động, công khai giải quyết mọi công việc như một chính quyền cách mạng. Chính quyền Xô viết một mặt thi hành các chính sách mới, mặt khác phá bỏ hệ thống chính quyền cũ, trưng thu đất, thóc gạo, tiền bạc của các địa chủ. Đình Võ Liệt trở thành trụ sở làm việc của chính quyền Xô Viết công nông - chính quyền xô viết đầu tiên trong cao trào cách mạng 1930 - 1931 trên phạm vi cả nước.
Những dòng hồi tưởng lắng xuống, nhưng nụ cười đầy tự hào của cụ Đức vẫn còn lưu lại ở thời khắc hiện tại, cũng như tiếng trống 30 - 31 vang vọng mãi đến tận 85 năm về sau và hơn thế nữa. Cụ Đức kể thêm là cuộc nổi dậy của dân chúng thời kỳ đó cuối cùng cũng bị đàn áp, nhưng lịch sử cách mạng hào hùng của dân tộc sẽ không bao giờ phai dấu kỳ tích đầu tiên mở đầu cho làn sóng cách mạng mạnh mẽ, đưa con thuyền dân tộc vượt qua những ngày tháng đen tối để đến được bến bờ hoà bình, tự do, hạnh phúc của ngày hôm nay.
Những chứng nhân của một thời kỳ lịch sử đến bây giờ không còn nhiều, nhưng tiếp xúc, nói chuyện với họ, đều cảm nhận được hào khí, tinh thần cách mạng dội về từ quá khứ. Là những người sống qua những thời khắc đau thương mà hùng tráng của đất nước, họ không chỉ góp mặt, góp tên trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh mà còn tham gia vào hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Nhưng có lẽ với họ, khi nhắc đến lịch sử, khi hồi vọng lại quá khứ, điều đầu tiên và cũng là vọng âm lưu lại lâu nhất, rõ nét nhất trong tiềm thức, vẫn là tiếng trống 30 - 31 năm nào.
Chúng tôi từ biệt 2 cụ, thấy trong lòng trào dâng những cảm xúc mãnh liệt. Đó là sự phấn khích, hồ hởi rộn theo nhịp bước tiến lên của dòng người trong lời kể của các cụ. Là sự ngưỡng mộ, vinh dự khi được tận mắt gặp và trò chuyện với những con người bằng xương, bằng thịt của phong trào đỏ năm xưa - những tượng đài sống lưu giữ hào khí của vùng đất Nghệ Tĩnh anh hùng. Là sự tiếc nuối phảng phất đâu đó trong lời kể của các thế hệ đi trước và suy tưởng của thế hệ hôm nay về một phong trào bị đàn áp dã man và dập tắt sau vài tháng. Thế nhưng, chính quyền Xô viết sơ khai ấy đã để lại những dấu ấn lịch sử oai hùng về ý chí quật cường và khát vọng tự do, độc lập cháy bỏng của dân tộc - những dấu ấn nóng rẫy và rực lửa đến hôm nay và mãi tận mai sau.
Phương Thảo