(Baonghean.vn) -Không ồn ào sôi động như Hội báo xuân, không nhộn nhịp người xem như ở các gian trưng bày báo nhưng phòng trưng bày “Tinh hoa cổ vật rồng và thư pháp” lại đem đến cho người xem một cảm giác thích thú, sâu lắng. Đó cũng là một nét khác lạ trong hội báo Xuân năm nay…

 

Được đặt nơi trang trọng của Thư viện Nghệ An và nằm trong không gian trưng bày chung của Hội báo Xuân, phòng trưng bày “Tinh hoa cổ vật rồng và thư pháp” cuốn hút người xem ở ngay những cổ vật quý giá được các nhà sưu tầm trong tỉnh gửi đến. Phòng trưng bày này là ý tưởng của nguyên một người chơi đổ cổ có tiếng của Nghệ An, đólà ông Đào Tam Tỉnh – Giám đốc thư viện tỉnh cùng với các thành viên trong hội cổ vật. Ý tưởng này tuy mới lạ nhưng lại nhanh chóng được các tay chơi cổ vật trong toàn tỉnh hưởng ứng bởi “đã lâu lắm rồi và phải mong chờ nhiều năm chúng tôi mới có nơi để trưng bày, giới thiệu các cổ vật quý. Đây là một sân chơi thực sự” – ông Nguyễn Quyết Thắng, nhà sưu tầm ở phường Trung Đô (Thành phố Vinh) vui mừng nói.

772170_small_70363.jpg

                     Khách tham quan phòng sưu tầm
                                

                                 Bên một tác phẩm thư pháp

Có thể cảm nhận được niềm hân hoan đó trong số lượng cổ vật mà các nhà sưu tầm gửi đến. Bởi đây tuy chỉ là một cuộc trưng bày nhỏ và lần đầu thử nghiệm nhưng hầu hết những người chơi cổ vật có tiếng đều có hiện vật sưu tầm, đó là các bộ sưu tầm của Hồ Sỹ Toàn, Nguyễn Quyết Thắng, Lê Huy (Thành phố Vinh), Đặng Sinh Hoàn, Xuân Hùng (Quỳnh Lưu)… Song song với đó, nhiều hiện vật quý hiếm có giá trị hàng trăm năm đã được giới thiệu đến khách tham quan. Đặc biệt, năm 2012 là năm Nhâm Thìn nên những nhà trưng bày có ý tưởng chỉ giới thiệu những cổ vật có liên quan đến Rồng vì thế từ bình bát cổ đến các lư hương… đều có những hình ảnh liên quan đến 1 trong bốn tứ linh của người phương Đông. Cũng chính bởi nét đặc biệt này nên cuộc trưng bày chỉ diễn ra trong một diện tích nhỏ nhưng nhiều người chơi cổ vật ở các tỉnh khác cũng đã nghe tiếng và tìm đến để xem và “săn lùng” vật lạ.

Nhà sưu tầm Nguyễn Lâm (quê ở Hải Lăng – Quảng Trị) thích thú: Số lượng hiện vật ở đây chắc chỉ là một số nhỏ so với gia tài đồ sộ mà các nhà sưu tầm ở Nghệ An hiện đang có nhưng tôi vẫn cảm thấy rất hấp dẫn bởi qua cách trưng bày và giới thiệu cổ vật ở đây tôi thấy được cái “tâm” của những người chơi đồ cổ. Đó là thái độ trân trọng với quá khứ, trân trọng với những tinh hoa của dân tộc và nhân loại…Trong số những hiện vật đang trưng bày, nhà sưu tầm Nguyễn Lâm đặc biệt thích chiếc chóecủa Trung Quốc, chiếc chóe được làm bằng chất liệu sứ có khắc họa hình ảnh sơn thủy hữu tình hết sức thơ mộng và tinh vi… Ngoài ra ở phòng trưng bày còn có rất nhiều bộ bát chén có từ thời Lý, nhiều sản phẩm tinh xảo của gốm Bát Tràng và một vài hiện vật bằng ngọc quý.

 

Một không gian trưng bày khác cũng được nhiều khách tham quan thích thú đó là phòng trưng bày thư pháp. Có thể bắt gặp ở đây cuốn Nhật kí trong tù được viết bằng thư pháp, những trang sách cổ hay là những văn bia được khắc bằng chữ Hán quý giá. Anh Nguyễn Văn Liên (xã Phúc Thọ, Nghi Lộc), không khỏi ngạc nhiên và tự hào khi bắt gặp hình ảnh của bia đá nói về thân thế Song nguyên Hoàng giáp Nguyễn Ngọc. Ông là người Phúc Thọ từng đứng đầu cuộc thi hội, thi đình năm 1984 – đời Thiệu Trị 1. Bia đá đó, hiện vẫn được những người trong dòng họ anh gìn giữ và để một nơi tôn nghiêm trong nhà thờ…

 

Được biết để có phòng trưng bày này, những nhà sưu tầm cổ vật Nghệ An đã mất gần một tháng chuẩn bị, lên ý tưởng. Các thành viên trong hội cổ vật cũng hi vọng rằng, từ thành công của năm đầu tiên này, phong trào sẽ tiếp tục được duy trì trong nhiều năm sau nữa bởi đây là cách gần nhất, hiệu quả nhất để “lịch sử, văn hóa và cái đẹp đến với mọi người” – anh Nguyễn Lê Huy, nhà sưu tầm ở phường Hà Huy Tập - TP Vinh khẳng định.


Mỹ Hà