(Baonghean.vn) - Với tôi, Xuân không chỉ là Tết. Xuân là những ngày mà lòng mình phơi phới niềm vui, như thấy mình trẻ lại. Đó là những ngày được trở lại với Thành phố Vinh với bao kỷ niệm của thời trai trẻ. Đó là những ngày được gặp lại bạn bè, đồng nghiệp để ôn lại những kỷ niệm đẹp của hàng chục mùa Xuân, trong những ngày chiến tranh ác liệt và cả những ngày đón Xuân trong nghèo khó sau chiến tranh, cùng đi khai hoang trồng sắn, gieo ngô ở Anh Sơn, dùng báo cũ "đổi công" những buổi cày mảnh ruộng ở đồng trũng Hưng Thái để tăng chất bột cho phóng viên thêm sức viết cho những trang báo phục vụ công cuộc xây dựng lại quê hương ngày càng "to đẹp hơn, đàng hoàng hơn" sau chiến tranh.

Và đặc biệt là được gặp lại những đồng nghiệp trẻ trung, sung sức trên mảnh đất 50 năm trước mình từng sống, làm báo và trưởng thành từ tờ báo Nghệ An yêu quý của mình. Bởi vậy, với tôi, những ngày dự kỷ niệm lần thứ 50 ngày báo Nghệ An ra số đầu (10/11/1961-10/11/2011) là những ngày Tết, là những ngày Xuân của đời mình.

772400_small_70621.jpg

Nhà báoThanh Phong trao kỷ vật - chiếc hộp đèn hoa kỳ đã sử dụng để viết báo trong thời chiến tranh năm 1967 - 1972 cho nhà báo Hồng Toan - Tổng Biên tập Báo Nghệ An để trưng bày tại phòng truyền thống. Ảnh: Sỹ Minh


Sáng 9/11/2011, một ngày trước lễ kỷ niệm 50 năm báo Nghệ An ra số đầu, sau một đêm trên tàu, tôi đã có mặt tại Tòa soạn báo đóng trên Đại lộ Lê Nin. Đón tôi là những gương mặt rất trẻ, có người chưa bao giờ tôi được gặp. Cũng phải thôi, trừ một ít đồng nghiệp đã biết nhau, còn lại là thế hệ con cháu chúng tôi. Ngay Tổng Biên tập Phạm Thị Hồng Toan cũng còn rất trẻ. Còn nhớ gần 20 năm trước, khi tôi còn là Phóng viên báo Nhân Dân thường trú tại Nghệ Tĩnh, cháu Toan vừa về báo, có đi cùng nhau vài chuyến công tác. Ngay khi đó tôi cũng chưa bao giờ hình dung được cô gái xinh xắn, trẻ trung, xuống cơ sở cái gì cũng còn xa lạ đến ngơ ngác, nay đã là một nhà báo vững vàng. Tôi nói một nhà báo vững vàng vì đó là cái cốt của nghề nghiệp chúng tôi. Còn vị trí Tổng Biên tập là sự phân công của tổ chức trên cơ sở vững về nghề để quản lý, lãnh đạo.

Theo các nhà báo trẻ lên thăm Phòng Truyền thống ở lầu 7, tôi thực sự xúc động khi được thấy lại hình ảnh thân thương của những người anh, người chị, những đồng nghiệp 50 năm trước. Xin cảm ơn các đồng chí trong Ban Biên tập, cảm ơn phóng viên nhiếp ảnh Sỹ Minh đã dày công sưu tầm và trưng bày một cách trang trọng những hình ảnh, hiện vật mà nhìn vào đó, ai cũng bồi hồi xúc động nhớ lại những ngày...

Nhìn tấm ảnh đồng chí Nguyễn Hường, người Tổng Biên tập đầu tiên của báo Nghệ An, trong tâm trí tôi tự nhiên những chuỗi ngày tháng xa xưa cứ dần về. Khi đó, Tòa soạn báo đang ở khu "nhà xanh" ở số 6 đường Hồng Bàng. Tòa soạn ở phía trước, nhà Tổng Biên tập là một ngôi nhà tranh bé xíu ở ngoài hàng rào. Anh chị khá nhiều con, đứa nào cũng còn nhỏ. Nhà còn nuôi cả cụ thân sinh anh Hường đã cao tuổi. Những năm đó, kinh tế còn khó khăn, đông con như anh chị Hường càng khổ.

Có ai biết rằng một đồng chí Tổng Biên tập, nguyên Ủy viên Tuyên truyền khu 4, người chuyên "sản xuất" xã luận và chăm lo toàn bộ bài vở cho một tờ báo của Đảng ở một tỉnh lớn mà mỗi bữa ăn chỉ có nước tương Nam Đàn và cà muối, ít khi có thịt, vài bữa mới có một quả trứng gà để bồi dưỡng "đặc cách", vì ông ấy "thức đêm, viết khuya" như lời chị Hường nói. Thế mà mỗi lần có bát canh cua ngon, nồi khoai từ mới luộc, chị đều gọi anh em trẻ ở bên báo sang cùng ăn. Còn chum tương của nhà anh chị thì như chum tương của những người ăn cơm tập thể của Tòa soạn báo Nghệ An. Bởi vì, bữa ăn nào chúng tôi cũng vác ca sang dỡ chum để múc tương, dỡ vại để bốc cà.


 
Nhân những ngày hội ngộ mùa Xuân, nhìn lại hình ảnh anh Nguyễn Hường, tôi không quên những cái Tết chúng tôi "trực Tết". Nói là trực Tết nhưng không có gì căng thẳng như bây giờ. Tài sản chẳng có gì mà sợ mất. Khách khứa cũng chẳng có ai đến để mà đón. Người trực thì cơ quan cũng chẳng cần phân công mà năm nào cũng "mặc định" hai người là tôi và anh Phan Đình Sung, không gia đình, không nhà cửa và như tôi, chưa có cả người yêu nên "trực Tết" là đương nhiên.

Nhưng với Tổng Biên tập Nguyễn Hường và cả nhà anh ấy thì chúng tôi đã trở thành "thượng khách". Khoảng 28 Tết, khi cả cơ quan đã ai về nhà nấy, chị Hường sang gặp hai anh em người miền Nam chúng tôi mời chân thành: "Mấy ngày Tết mời hai chú sang nhà anh chị nhé, nhớ không được đi mô rồi ông Hường la tôi đó nghe". Nói thì nói thế chứ anh chị cũng biết hai anh em tôi biết đi đâu. Thị xã thì cửa hàng, cửa hiệu đều đóng. Cả Thị xã Vinh chỉ có 2 rạp chiếu bóng thì cả hai rạp "Nhân Dân" và "Điện Biên" cũng đóng cửa từ ngày mồng 1 Tết. Anh chị và các cháu coi hai anh em tôi như người nhà, thậm chí chăm lo cho chúng tôi hơn cả con của anh chị.

Biết tôi hay thích ăn bánh tét không nhân, khi ngồi gói bánh để nấu vào đêm 30, anh dặn chị: "Thằng Phong thích ăn bánh không nhân, nhớ gói và làm dấu mấy đòn cho nó nghe". Phòng Tổng Biên tập có mấy gói chè "Hồng Đào" là loại ngon nhất hồi đó, anh dành đến đêm giao thừa. Nghĩa tình của anh chị làm cho chúng tôi - những đứa con miền Nam tập kết ra Bắc ấm lòng vào những ngày cả miền Bắc vui Xuân, đón Tết. Rồi đến ngày mồng 3 Tết, tất cả cán bộ, công nhân viên đã vào làm việc thì hai chúng tôi tràn ngập quà Tết. Bởi vì anh Duy Liêu mang cam từ Nghĩa Đàn xuống, anh Nguyễn Tường mang kẹo lạc từ Nam Đàn về, anh Chuyên, anh Vượng, anh Thơ, chị Nhật... đều có quà cho "hai chú miền Nam".

Đó là mấy ngày Tết. Còn trong cuộc họp chiều mồng 3 Tết thì Tổng Biên tập Nguyễn Hường đã như một người khác: nguyên tắc, sắc sảo. Kế hoạch tuyên truyền "Ra quân đầu Xuân" không biết anh chuẩn bị lúc nào, mà trong cuộc họp anh nêu từng chủ đề cụ thể cho từng bộ phận.

Xã luận số báo đầu Xuân anh cũng đã viết xong, chỉ còn các bộ phận ráp tin, bài, ảnh vào để họa sỹ Ngụy Như Thơ làm ma-két để mang đi nhà in. Tôi nhớ, ngay chiều mồng 3 Tết hôm đó, trước khi anh Ngụy Như Thơ mang bản ma-két và bài vở xuống nhà in, anh Hường còn gọi vào phòng rồi đưa gói chè "Hồng Đào" duy nhất còn lại, dặn dò: "Anh đưa gói chè này xuống biếu anh em tổ sắp chữ nhé. Muốn báo đẹp thì phải nhớ đến anh em sắp chữ".


 
Đó là một trong những ngày Tết của Tổng Biên tập Nguyễn Hường vô cùng thân thiết của chúng ta. Giờ đây, trong cuộc hội ngộ mùa Xuân nhân báo tròn 50 tuổi, tôi được ngồi ở một trụ sở khang trang với nhiều tiện nghi, thiết bị hiện đại, nói chuyện với một lớp phóng viên trẻ trung, nhưng điều mừng nhất là không ai quên những ngày đầu tiên, những người đầu tiên có mặt ở tờ báo này. Họ không hề biết mặt, mới nghe tên nhưng khi chúng tôi nhắc đến những kỷ niệm thì ai cũng xúc động, nghẹn ngào.

Khách khứa đông, công việc dồn lên công việc, tôi sợ mất thì giờ của các bạn đồng nghiệp. Nhưng Tổng Biên tập Phạm Thị Hồng Toan cứ muốn tôi nói với anh chị em phóng viên trẻ vài điều "Về những ngày ấy". Ai ngờ, chuyện cũ, người xưa kể ra giữa những ngày vui rộn rã của báo lại được các bạn trẻ đón chào thực lòng. Những nét mặt xúc động, những đôi mắt ướm lệ làm cho lòng tôi dâng trào bao cảm xúc.

Anh Hường, anh Chuyên, anh Sung, anh Vượng, anh Thơ, anh Liêu... ơi! Gần 70 phóng viên, cán bộ của báo Nghệ An đang nhớ các anh, họ coi như các anh đang đứng bên họ trong những ngày hội ngộ mừng mùa Xuân lần thứ 50 của báo mình. Các anh, các chị hãy yên nghỉ và yên tâm vì Báo Nghệ An chúng ta đã có một thế hệ kế tiếp xứng đáng. Cũng như toàn tỉnh, cả nước, báo Nghệ An của chúng ta cũng đang thực hiện mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời là xây dựng Nghệ An trở thành một trong những tỉnh gương mẫu, trong đó có tờ báo Nghệ An yêu quý của chúng ta.

Xuân Nhâm Thìn 2012


Thanh Phong