(Baonghean) - Người dân lại rủ nhau “xuống đường” chặn xe cộ qua lại, gây sức ép buộc chính quyền phải giải quyết kịp thời những bức xúc của họ. Những con đường huyết mạch bỗng dưng trở thành một loại “con tin” bất đắc dĩ.
 
Còn nhớ, đầu năm ngoái, vì không hài lòng với giá đến bù đất đai, hoa màu, công trình trên đất bị di dời để phục vụ việc thi công đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai, người dân Vĩnh Phúc đã kéo nhau ra chặn đường cao tốc. Dù sao thì giữa việc đền bù, giải tỏa với việc chặn đường cao tốc của người dân còn có sự liên quan với nhau. Còn vào ngày 15/4 vừa rồi, người dân xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong (Bình Thuận) rủ nhau mang bàn ghế, dù, đá... chắn ngang Quốc lộ 1A, không cho các loại xe đi qua nhằm phản đối Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 thải xỉ than gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thì sự liên quan giữa 2 sự việc nhà máy thải xỉ than và dân chặn đường đã mờ nhạt đi nhiều lắm.
 
Nhưng dù sao, còn có tí chút liên đới. Đến ngày 20/4, lại có hơn 100 người dân phường Cam Phúc Bắc, Thành phố Cam Ranh (Khánh Hòa)  mang rất nhiều cá, tôm chết ra Quốc lộ 1A đoạn trước UBND phường để chặn xe với lý do  phản đối việc nạo vét luồng lạch lấy cát tại Cam Ranh, khiến nguồn nước bị ô nhiễm làm tôm, cá họ nuôi trong bè chết sạch. Rõ ràng, giữa việc cá chết dưới đầm với việc chặn xe trên quốc lộ chẳng có một chút gì liên quan với nhau cả. Rõ ràng là “ăn vạ” không đúng đối tượng. Nhưng người ta vẫn kiên quyết ngáng đường, chặn xe đòi giải quyết chuyện tôm, cá chết. 
 
Vì đâu mà có chuyện ngược đời như vậy? Đơn giản thôi, những bức xúc chính đáng của người dân đã không được chính quyền sở tại và các cơ quan có liên quan quan tâm giải quyết một cách kịp thời và thấu đáo. Ở Tuy Phong là khói bụi từ xỉ than của Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 bao phủ  trùm toàn bộ xã Vĩnh Tân, khiến người dân không thở nổi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt của người dân xã này. Và dù người dân đã phản ánh lên các cấp chính quyền từ nhiều tháng qua , nhưng tình trạng trên vẫn không được một cơ quan nào đứng ra khắc phục. Còn ở Cam Ranh là do việc nạo vét luồng lạch lấy cát khiến nguồn nước bị ô nhiễm làm tôm, cá nuôi trong các lồng, bè của dân bị chết. Thiệt hại ước tính lên đến tiền tỷ.
 
Người dân đệ đơn kêu nài, kiến nghị nhiều rồi mà việc vẫn đâu nằm nguyên ở đó. Cát vẫn bị hút một cách vô tội vạ để làm lợi cho ai đó, cá tôm của dân vẫn tiếp tục chết trắng bè. Xót của, uất ức vì cảm thấy như bị coi thường, bị đối xử bất công người ta liền tìm cách gây áp lực theo đúng kiểu “tức nước vỡ bờ”. Chặn đường không cho xe cộ qua lại được người dân chọn như là giải pháp gây hiệu quả tức thì. Vì trước đó, nhiều nơi đã chọn cách thức này và đã mau chóng đạt kết quả. Kết cục là đúng như dự đoán. Việc chặn quốc lộ đã làm rúng động dư luận cả nước. Chính quyền và các cơ quan có liên quan vội vã xúm vào xem xét, xử lý ngay tức thì. Những bức xúc nào giải quyết được ngay thì làm ngay còn những việc cần có thời gian thì được hứa hẹn, cam kết thực hiện đến nơi, đến chốn.  
 
Thế là sau bao nhiêu ngày, tháng đệ đơn đề xuất, kiến nghị theo đúng quyền hạn của công dân và trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật, nghĩa là đã thực hiện đúng khẩu hiệu “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”, người dân Vĩnh Tân, Cam Phúc Bắc không thu được kết quả gì. Nhưng chỉ cần một lần làm sai, làm càn trong một ngày là ra chặn đường không cho xe cộ qua lại, người ta lại nhanh chóng đạt được mục đích như mong muốn. Hóa ra, cứ làm liều, làm sai thì lại được việc.
 
Đương nhiên, người dân có quyền phản đối những chủ trương, chính sách và những việc làm, hành động gây tổn hại quyền lợi của họ nhưng không nên và là không thể phản đối theo cách thức tiêu cực như vậy được. Hành vi bột phát đó của người dân là vi phạm nghiêm trọng Luật Giao thông đường bộ, thuộc diện gây rối trật tự công cộng, làm mất an ninh trật tự, an toàn xã hội.  Thật ra, họ hành động sai trái như vậy là cực chẳng đã. Là bước đường cùng. Là một “xé rào” làm bừa,  ẩu. Nhưng lỗi không hoàn toàn thuộc về những người đội nắng ngáng đường không cho xe cộ qua lại, nếu như những bức xúc chính đáng của họ được các cấp chính quyền, các ngành liên quan quan tâm giải quyết kịp thời, vừa thấu tình, vừa đạt lý… 
 
Điều đáng lo ngại hơn cả là kiểu hành xử của người dân, cách giải quyết của chính quyền sở tại và kết cục của sự việc đang tạo ra tiền lệ xấu. Hễ có gì không hài lòng, người ta lại bắt chước nhau,  hò nhau ra chặn đường. Bắt bí, bắt chẹt, gây áp lực với chính quyền để được việc cho mình. Tạo ra “hội chứng ngáng đường” rất nguy hiểm!
 
Bụt Sơn