(Baonghean) - Thật lạ, khi nhìn bức ảnh ấy tôi lại liên tưởng đến một khuông nhạc. Dòng sông làm nền, làm khuông nhạc để những người đàn ông đang quăng chài trên sông trở thành những nốt nhạc. Nó khiến người xem phải ngạc nhiên bởi tính tạo hình và hơn thế, người ta cảm thấy có một nội lực rất dồi dào, khỏe khoắn và đồng nhất toát ra từ gam màu, hình ảnh, góc độ…, tức mọi yếu tố để tạo nên một bức ảnh. Đó là bức “Thả chài ven sông Lam” của nữ nhà báo công tác tại Báo Nghệ An – nhà báo Thu Hương.
 
images892457_8.jpgThả chài ven sông Lam. Ảnh: Thu Hương
 
Bốn người đàn ông làng chài trong khoảnh khắc ấy đều đang rướn mình về phía, những cánh tay cuồn cuộn, những cái mím môi, những đôi mắt hướng cái nhìn về phía lòng sông, theo nhịp quăng chài…, tất cả đều hài hòa đến kỳ lạ. Mỗi người một tư thế nhưng chính ánh nhìn của họ chung về một điểm, khiến cho chủ đề bức ảnh trở nên sắc nét, rõ ràng: họ đang say sưa lao động, họ cùng nhau nhìn về phía trước với một mục tiêu chung. Vẻ đẹp của sự lao động miệt mài, của tình yêu lao động cùng sự hòa nhập với thiên nhiên bao trùm lên nội dung bức ảnh. Nhà báo Thu Hương đã tâm sự rằng phải mất đến vài buổi chờ đợi, quan sát chị mới có được một khuôn hình cho ảnh sinh động đến như vậy. Khi thì ánh sáng không thuận tiện, lúc thì không có sự đồng nhất trong tư thế các nhân vật, lúc lại không nhìn rõ lưới… Cuối cùng, một bức ảnh duy nhất khiến chị hài lòng, bức mà chị đã chụp với tất cả sự “khấp khởi”, háo hức, bức mà khi lên hình, sức mạnh mà nó tạo ra trong lòng người xem là sự say đắm, vui vẻ, yêu đời, cũng chính là bức mà Ban giám khảo cuộc thi ảnh báo chí “Khoảnh khắc Vàng” của Báo Nghệ An đã trao giải Ba, chính là bức “Thả chài ven sông Lam”. 
 
Nghệ An là vùng của lũ, của gió Lào, cũng là nơi con người có truyền thống chịu thương chịu khó, chăm chỉ, cần cù… Sông Lam đã đi vào bao tác phẩm nghệ thuật, lịch sử và chừng nào những con sóng còn cuộn chảy thì chừng ấy sông Lam còn là nguồn cảm hứng cho biết bao người làm nghệ thuật. Ở bức ảnh này, đứng trên ranh giới rất mỏng manh giữa báo chí và nhiếp ảnh, Thu Hương đã có sự tinh tường của người làm báo, lại có được con mắt thẩm mỹ của một người đam mê và có năng khiếu chụp ảnh. Chị đã chớp được “khoảnh khắc vàng” của những con người lao động trên sông Lam. Chị nói rằng, đó là những ngày sau lũ, dòng sông quê hương lại trở về hiền hòa lặng chảy. Vừa qua dữ dằn, đau thương, nước mắt, những người dân chài bao đời lại bám sông với niềm hy vọng mới, với những yêu thương và biết ơn chưa bao giờ vơi cạn. 
 
Bức ảnh là một bản nhạc, một giai điệu tụng ca cuộc sống lao động của người dân chài sông Lam, và hơn thế, nó còn nói lên rằng, còn có gì đó sâu sắc hơn nữa ở những con người bình dị kia. Vẻ say mê, miệt mài khi làm việc của họ không chỉ nói lên sự chăm chỉ, cần mẫn trong lao động. Nét mặt, ánh mắt, tư thế, những cánh tay cuồn cuộn, sự nhịp nhàng trong động tác thả lưới… còn toát lên một thứ tình yêu mang tính nghệ thuật: họ đắm mình trong thiên nhiên, đắm mình trong công việc như thể họ đang hát, đang diễn, đang nhảy múa. 
 
Còn nhà báo Thu Hương, chị cũng đã chớp được giây phút và thần thái ấy của họ, cũng với một tình yêu và niềm say mê như thế.
 
Quỳnh Lâm