Chiều 8/12, Kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021-2026 tiếp tục chương trình với phần chất vấn và trả lời chất vấn.
Các đồng chí: Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Nam Đình - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Nguyễn Như Khôi - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh điều hành phiên chất vấn.
Ông Đoàn Hồng Vũ - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh được lãnh đạo UBND tỉnh ủy quyền trả lời chất vấn nội dung: Việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 và công tác giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn tỉnh do ảnh hưởng dịch Covid-19.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Hồ Văn Đàm (đơn vị huyện Quỳnh Lưu) về việc ngành đã có giải pháp gì hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có đủ nhân lực để sản xuất, kinh doanh, ông Đoàn Hồng Vũ cho biết, hiện vấn đề kết nối cung cầu lao động đang rất khó khăn. Tính đến thời điểm này, có 260 doanh nghiệp cần tuyển khoảng 29.000 lao động, trong khi địa bàn tỉnh mỗi năm bổ sung cho thị trường khoảng 47.000 lao động nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn không tìm được lao động.
“Nguyên nhân chính là giữa cung và cầu chưa gặp nhau. Vì doanh nghiệp cần tuyển tay nghề, mức lương như vậy nhưng ngược lại, người lao động tìm kiếm việc làm phù hợp với tay nghề, trình độ và mong muốn của họ, đặc biệt là thu nhập. Đây là sự dịch chuyển bình thường của thị trường lao động”, ông Vũ lý giải và cho biết thêm, khi doanh nghiệp vào đầu tư nhưng chưa có phương án sử dụng lao động một cách kỹ càng về vị trí việc làm và lực lượng lao động nằm ở đâu. Bên cạnh đó, chỉ có 25% lao động có chứng chỉ trong 65% lao động đã qua đào tạo nên doanh nghiệp khó tuyển.
Về giải pháp thời gian tới, ông Đoàn Hồng Vũ cho rằng, Sở đã tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành các đề án, kế hoạch và triển khai việc làm, đào tạo nghề làm sao để người lao động tìm được việc làm, doanh nghiệp tìm được nhân lực. Sở cũng đã phối hợp với các địa phương rà soát nhu cầu việc làm đến cấp xã, gửi nhu cầu của doanh nghiệp đến người lao động. Thông qua các phiên giao dịch việc làm, cung cấp thông tin cho người lao động tìm hiểu. Cùng đó, có hơn 50.000 lao động sẽ tự tạo việc làm trong gia đình, hộ kinh doanh, làng nghề, HTX, nông lâm trường nhằm ổn định cuộc sống.
Đặt vấn đề, trung bình mỗi năm tỉnh giải quyết việc làm mới cho khoảng 38.000 lao động. Từ thực tế hơn 75% lao động trở về quê không có tay nghề, hiệu quả giải quyết việc làm không chỉ số lượng mà cả về chất lượng, đại biểu Lục Thị Liên (đơn vị huyện Con Cuông) đề nghị lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH nêu rõ quan điểm trong vấn đề chất lượng việc làm và tương quan trong vấn đề giải quyết việc làm của tỉnh hiện nay, giải pháp nào nâng cao chất lượng việc làm cho lao động. Ngành đã có giải pháp gì hỗ trợ cho lao động nữ, nuôi con nhỏ, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa?
Khẳng định trong thời gian tới, lực lượng lao động sẽ được tính toán lại để tăng số lao động làm việc tại địa phương, giảm lao động làm việc ở các tỉnh, ông Đoàn Hồng Vũ cho biết, tỉnh phấn đấu mỗi năm sẽ giải quyết bình quân 42.000 lao động, cao hơn chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX; nâng tỷ lệ lao động làm việc trong tỉnh lên 66,2%; giảm tỷ lệ lao động làm việc ngoại tỉnh xuống còn 6,4%; giảm tỷ lệ lao động xuất khẩu còn 27,4%.
Bên cạnh đó, Sở đang tham mưu đề án đào tạo kỹ năng nghề theo hướng tăng đào tạo cao đẳng, trung cấp, giảm đào tạo nghề sơ cấp và dưới 3 tháng; kết hợp tăng đào tạo kỹ năng mềm cho người lao động. Tiếp tục tăng cường kết nối 3 nhà: Nhà nước, nhà trường, nhà doanh nghiệp trong công tác đào tạo nghề cho người lao động để khi người lao động vào làm việc sẽ cơ bản tiếp cận được máy móc hiện đại.
Xung quanh việc thực hiện Quyết định 22 của UBND tỉnh về hỗ trợ cho lao động tự do được nhiều đại biểu quan tâm, ông Đoàn Hồng Vũ cho rằng, Quyết định số 22 của UBND tỉnh được ban hành sớm, qua 9 bước và được tính toán kỹ lưỡng, cơ bản phủ hết 9 nhóm với 36 ngành, nghề cụ thể.
Khẳng định việc triển khai Quyết định số 22 trong thực tiễn còn bất cập, chưa bao phủ hết đối tượng, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho rằng, Nghị quyết 68 của Chính phủ quy định thẩm quyền do tỉnh, tỉnh phải cân đối 100% ngân sách. Trong điều kiện của tỉnh khó khăn nhưng tỉnh đã phê duyệt đối tượng lao động tự do đã vượt 170% so với dự toán ban đầu. Cùng đó, chính sách chỉ hỗ trợ những đối tượng ảnh hưởng sâu nhất, còn đối tượng tự do thì rất lớn nên không bao phủ hết đối tượng.
“Nếu ngành nghề nào cũng đưa vào thì gần như phủ kín, số lượng rất lớn, vượt quá khả năng cân đối ngân sách của tỉnh. Có một số đối tượng, địa bàn, thời điểm ban hành chính sách thì chưa bị dừng hoạt động, chưa ảnh hưởng sâu. Sở sẽ rút kinh nghiệm và khi ban hành các chính sách sau này sẽ làm kỹ hơn, nên mong đại biểu và cử tri thông cảm, chia sẻ với những bất cập trên”, ông Vũ nói.
Giải trình nguyên nhân một số địa phương triển khai chính sách hỗ trợ người lao động chậm theo câu hỏi của đại biểu Trình Văn Nhã (đơn vị huyện Thanh Chương), ông Đoàn Hồng Vũ cho rằng, một số chính sách vẫn còn bất cập, khó triển khai trong thực tiễn, trong khi chưa có hướng dẫn cụ thể. Bên cạnh đó, một số cán bộ, có cả cán bộ lãnh đạo hiểu chính sách chưa sâu, một bộ phận người lao động còn lựa chọn để hướng chính sách tốt hơn.
Đại biểu Hồ Thị Thùy Trang (đơn vị TX. Hoàng Mai) còn đề nghị Sở LĐ-TB&XH làm rõ vì sao việc thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động theo Nghị quyết 116 của Chính phủ tại các đơn vị sự nghiệp công lập đảm bảo một phần chi thường xuyên chưa thực hiện, hướng xử lý trong thời gian tới?
Trả lời câu hỏi đại biểu Hồ Thị Thùy Trang, ông Đoàn Hồng Vũ cho biết, việc triển khai Nghị quyết 116 của Chính phủ khá khó vì chính sách còn bất cập. Với trách nhiệm của ngành, Sở phối hợp với Sở Tài chính, BHXH tỉnh báo cáo Bộ LĐ-TB&XH và BHXH trung ương để tháo gỡ vướng mắc nhưng hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn tháo gỡ.
Kết luận phần chất vấn Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, ông Nguyễn Như Khôi - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cho biết, phiên chất vấn đã có 7 đại biểu nêu câu hỏi. Các câu hỏi và phần giải trình đều rõ ràng, cụ thể, đúng nội dung, đi thẳng vấn đề cử tri quan tâm.
Ghi nhận những kết quả mà tỉnh và các cấp, ngành triển khai, thay mặt chủ tọa kỳ họp, ông Nguyễn Như Khôi cũng thẳng thắn đánh giá, trong thực hiện chế độ chính sách cho người lao động và sử dụng lao động, không ít địa phương thực hiện chậm. Về phía doanh nghiệp phản ánh, điều kiện thụ hưởng chính sách quá cao, thủ tục hành chính quá rườm rà. Việc chưa bao quát hết các nhóm đối tượng ảnh hưởng gây bức xúc trong một bộ phận mất việc làm. Bên cạnh đó, chất lượng đào tạo nghề chưa gắn với nhu cầu doanh nghiệp sử dụng lao động, chưa gắn với thị trường lao động.
Chủ tọa kỳ họp đề nghị, UBND tỉnh và các ngành cần đánh giá, rút kinh nghiệm thực hiện chính sách thời gian qua, đề xuất triển khai các giải pháp cụ thể, tham mưu bổ sung các nhóm đối tượng bị ảnh hưởng trên thực tế để giải quyết chính sách theo đúng nguyên tắc: hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để sai sót. Đề nghị Sở Tài chính và các địa phương ưu tiên cân đối đủ nguồn lực để chi trả kịp thời cho các đối tượng được phê duyệt hỗ trợ. Sở LĐ-TB&XH tập trung tham mưu, triển khai đồng bộ, hiệu quả Nghị quyết 126 của Chính phủ và Quyết định 33 của Thủ tướng Chính phủ.
UBND tỉnh, các ngành, địa phương cần tiếp tục chỉ đạo, thực hiện đề án giải quyết việc làm cho lao động trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025 có hiệu quả. Cần đặc biệt quan tâm nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động, đây không chỉ là trách nhiệm của riêng ngành LĐ-TB&XH. Nâng cao, quan tâm hơn nữa chất lượng cơ sở đào tạo nghề, nhất là vùng miền núi, nông thôn. Tiếp tục nghiên cứu, hướng dẫn doanh nghiệp đào tạo lao động theo yêu cầu. Quan tâm thêm việc triển khai thực hiện tốt công tác chăm lo chính sách, an sinh xã hội trên địa bàn./.