Hỗ trợ lao động tự do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 - Bài 1: Còn chậm ở cơ sở
Nhiều lao động chưa tiếp cận chính sách
Những đối tượng thuộc diện được hỗ trợ theo Quyết định số 22 của UBND tỉnh có thể là những người mưu sinh trên vỉa hè, trước cổng chợ, bến xe, ga tàu… Cá nhân họ cũng chưa bao giờ đòi hỏi các cấp chính quyền phải hỗ trợ mình trong những giai đoạn khó khăn nhất do tác động của đại dịch. Tuy nhiên, đã là cơ chế, chính sách của Nhà nước thì phải thực hiện công bằng, kịp thời. Có nhiều người lao động tự do thậm chí không biết có một cơ chế hỗ trợ dành cho mình; cũng có nhiều người được xã, xóm hướng dẫn làm hồ sơ nhưng đến nay vẫn không thấy được hỗ trợ.
Hiện chưa có con số thống kê chính thức số lượng lao động không có giao kết hợp đồng lao động trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Nhiều người cho rằng, số đối tượng này có thể lên đến hàng chục vạn người. Họ là người bán hàng rong, người bốc vác, thu gom rác thải, xích lô, xe ôm, thợ xây,… Nguồn thu nhập của nhóm đối tượng này phụ thuộc vào việc mưu sinh hàng ngày. Và trong Quyết định số 22 của UBND tỉnh cũng đã nêu rất cụ thể các loại hình lao động tự do này. Trong các đợt Nghệ An thực hiện các đợt giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, Chỉ thị 16, Chỉ thị 16 nâng cao…, các lao động tự do nói trên bị tác động mạnh nhất.
Thế nhưng, khi Nghị quyết số 68 của Chính phủ và Quyết định số 22 của UBND tỉnh Nghệ An được ban hành, nhiều lao động tự do vẫn không thể tiếp cận chính sách. Một số địa phương chậm thực hiện hoặc thực hiện với kết quả khiêm tốn. Nguyên nhân được cho rằng, việc rà soát tại cơ sở và chính quyền cấp xã gặp nhiều khó khăn; thủ tục phức tạp.
Tuy nhiên, theo quy trình việc xét duyệt hồ sơ khá đơn giản: Khối, xóm, bản xác nhận hồ sơ từng đối tượng, sau đó nộp lên chính quyền cấp xã; xã rà soát, xác minh, tổ chức niêm yết công khai tại nhà văn hóa khối (xóm, bản) rồi chuyển lên huyện thẩm định, phê duyệt. Huyện chuyển hồ sơ lên Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh. Tiếp đó, hồ sơ chuyển đến Sở Tài chính; Sở Tài chính trình UBND tỉnh…
Theo quy định tất cả trình tự, thủ tục thực hiện hồ sơ mất 18 ngày. Trong đó, việc phân loại, lựa chọn, xác minh, phê duyệt đối tượng được hỗ trợ hoàn toàn thuộc vai trò, trách nhiệm của chính quyền cơ sở.
Kinh nghiệm ở huyện Thanh Chương
Trong khi nhiều địa phương cho rằng việc thực hiện chính sách đối với các lao động tự do gặp khó khăn, thì ở một số huyện lại giải quyết tốt vấn đề này. Đơn cử như ở huyện Thanh Chương, đến ngày 1/12/2021, huyện này đã tiến hành 16 đợt chi trả tiền hỗ trợ cho nhóm đối tượng lao động không có giao kết hợp đồng lao động với hơn 1,582 tỷ đồng. Tất cả các lao động tự do trên địa bàn nếu làm hồ sơ, có đầy đủ giấy tờ xác nhận, thẩm tra của xóm, khối, xã đều được UBND huyện rà soát, thẩm định, phê duyệt và chuyển đến Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh.
Đến đầu tháng 12/2021, Thanh Chương đã tiến hành giải ngân, chi trả hỗ trợ cho 1.055 đối tượng, mỗi người nhận 1,5 triệu đồng như quy định của Nghị quyết 68 và Quyết định 22. Có những đợt, chỉ có hơn 5 hồ sơ huyện vẫn tiến hành thẩm định, phê duyệt và chuyển cấp trên.
Để làm rõ thêm tính chân thực của thông tin, chúng tôi quyết định tìm vào bất kỳ cơ sở kinh doanh, dịch vụ nhỏ lẻ nào trên địa bàn Thanh Chương. Gặp anh Lê Giang Linh (SN 1972) làm nghề cắt tóc tại khối 3A, thị trấn Thanh Chương khi anh này đang cắt tóc cho khách; hỏi chuyện, anh Giang nói ngay: “Tôi vừa đi nhận tiền hỗ trợ lúc 7giờ 30 sáng (1/12-PV). Cũng không nghĩ là nhanh thế. Tôi không biết có chính sách này, chỉ đến khi cán bộ khối gọi điện hướng dẫn làm hồ sơ thì mới hay. Chỉ mới 2 tuần đã thấy cán bộ thị trấn gọi đến nhận tiền”.
Anh Lê Giang Linh còn cho biết, nhân viên làm cùng anh là chị Lê Thị Ngọc (SN 1991), quê ở xã Thanh Phong cũng được nhận tiền hỗ trợ cách đây 1 tháng. “Nói thật người lao động như chúng tôi rất phấn khởi vì trong lúc khó khăn có Nhà nước, các cấp chính quyền quan tâm, lo lắng”, chị Ngọc chia sẻ.
Trở lại với cách triển khai Nghị quyết số 68 và Quyết định số 22 của huyện Thanh Chương, ông Nguyễn Văn Chiến – Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, quan điểm của lãnh đạo địa phương là ngay sau khi chính sách có hiệu lực thi hành, cả hệ thống chính trị tập trung tuyên truyền, phổ biến đến tận người dân; không để ai thuộc đối tượng hỗ trợ mà không tiếp cận được chủ trương của Đảng và Nhà nước. Chính quyền cấp xã được giao trách nhiệm đôn đốc các khối, xóm, bản dân cư, rà soát người lao động để chính sách được thực hiện kịp thời.
Nói thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hòe - Trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Thanh Chương cho biết, từ khi thực hiện Quyết định số 22 của UBND tỉnh đến nay từ xã lên đến huyện chưa ghi nhận bất kỳ một ý kiến phàn nàn nào của người dân. Qua các đợt tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp, không có ý kiến nào của bà con phản ánh về vấn đề hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng do dịch Covid-19.
Kinh nghiệm nêu trên ở huyện Thanh Chương cho thấy, khi chính quyền địa phương làm việc hết trách nhiệm thì mọi khó khăn đều sẽ được giải quyết, huống hồ đó lại là chính sách được tỉnh tạo điều kiện thuận lợi như Quyết định số 22.