(Baonghean) - Khi cái chỉ thị “dọa trảm” 207 mã ngành tuyển sinh đại học chưa nguôi thì dư luận lại tức khắc được “thắp lửa” bởi một câu chuyện khác mà xuất xứ của nó, vẫn là Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tuy nhiên, vấn đề này thì đã là quá lớn, một hệ quả rất buồn và thật đáng lo ngại, đấy chính là câu chuyện sĩ tử công khai quay lưng lại với môn thi Lịch sử!
 
Sự việc bắt đầu từ khi Bộ công bố các môn thi tốt nghiệp THPT năm nay và Lịch sử được “xô” về phía các môn tự chọn. Nói thẳng ra, môn Sử xếp vào hạng “thích thì thi không thích thì… thôi”! Và số phận của nó được “lật ngửa” bằng một kết quả vô cùng phũ phàng, khi Trường Lương Thế Vinh, một ngôi trường thuộc hàng “khủng” nằm ở ngay giữa Thủ đô, đã không có lấy bất kỳ một cô cậu học trò nào “ưng” môn Sử?
 
Việc không có học sinh nào chọn môn Lịch sử đã là một tiếng chuông cảnh báo là một giọt nước tràn ly, là một minh chứng không thể sống động hơn về cái bức tranh u ám của môn khoa học xã hội quan trọng này. Đó không chỉ là câu chuyện của ngày hôm nay, mà còn là cái giá mà chúng ta đang trả cho ngày hôm qua, và đó cũng là những gì chúng ta còn phải gánh chịu trong ngày mai. Sẽ rất buồn khi học sinh “quay lưng” lại với bất kỳ một môn học nào, nhưng buồn hơn, buồn nhất lại là Lịch sử!
 
Ý nghĩa to lớn của việc dạy và học Lịch sử đã được chính lịch sử chứng minh như thế nào, chắc ai cũng biết, Bộ Giáo dục - Đào tạo lại càng biết! Chúng ta đang sống trên một mảnh đất có ngàn năm lịch sử hào hùng. Một dân tộc can trường gan góc, một Việt Nam đầy sức mạnh trong dựng nước và giữ nước. Không bao giờ chúng ta bị đồng hóa, chưa từng thất bại trước bất kỳ kẻ thù nào. Tại sao có sức mạnh ấy? Đó chính là tinh thần của mỗi một người con đất Việt Nam được hun đúc, được hình thành, được nuôi dưỡng, được chưng cất từ chính lịch sử.
 
Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng viết: Lịch sử không chỉ trang bị cho thế hệ trẻ những kiến thức cơ bản về dân tộc và thế giới, mà còn giữ vai trò quan trọng bậc nhất trong giáo dục chủ nghĩa yêu nước, các giá trị truyền thống và cách mạng, góp phần xây dựng nhân cách, bản lĩnh con người, giữ gìn bản sắc dân tộc… Chắc mọi người còn nhớ, vào năm 1942, trong bộn bề công việc chuẩn bị cho cuộc cách mạng vĩ đại giải phóng dân tộc, Bác Hồ vẫn không quên dành thời gian cho lịch sử. Ngay mở đầu cuốn “Lịch sử nước ta”, thời đó, Người đã căn dặn: “Dân ta phải biết sử ta/ Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam...”.
 
Chúng ta cũng đang bảo tồn những bộ sử khổng lồ mà cha ông đã dày công ghi chép lưu hậu thế. Câu hỏi đặt ra là, tại sao một đất  nước như vậy mà thế hệ trẻ lại không biết yêu, không biết tự hào? Lịch sử - cái được mệnh danh là “sức mạnh mềm” bị coi là “môn phụ” hay là cách chúng ta đang dạy quá bất ổn? Bao giờ thì chúng ta mới thay đổi được cái tư duy rằng, học sinh giỏi Sử sẽ  nhớ hết tất cả các sự kiện kiểu như những ngày, tháng, năm, giờ, phút cụ thể, bao nhiêu người chết, bao nhiêu người bị thương, dùng bao nhiêu máy bay, bom loại gì... Cứ nhồi tất cả những thứ có trong đầu “người lớn” để bắt học sinh thuộc lòng thì thử hỏi liệu Lịch sử có còn đáng “yêu” không? Tại sao, có chuyện trẻ em không biết Lê Lợi là ai? Đất nước sẽ đi về đâu nếu những chủ nhân tương lai có thể rất giỏi Toán, có thể rất thành thạo Ngoại ngữ, có thể am hiểu về Tin học nhưng lại mù mờ về lịch sử của mảnh đất nơi mình sinh ra và lớn lên?!
 
Cũng gần đây, thậm chí chưa đầy một năm, học sinh Trường THPT Nguyễn Hiền tổ chức “lễ” ăn mừng bằng cách xé đề cương môn Sử, tung trắng sân trường rồi quay phim tung lên mạng, khi nghe thông tin môn học này bị “loại ra khỏi đấu trường” thi tốt nghiệp! Chuyện này, chắc Bộ cũng chưa quên? Lúc ấy, đã có ý kiến cho rằng ai đó muốn đưa môn Sử ra ngoài vì sợ “vạch áo cho người xem lưng” khi trước đó cả mấy năm liền điểm môn Sử thuộc hàng bết bát. Năm nay thì khác, bóng được “đưa” về phía học sinh. Người ta lại xì xào rằng, “khôn quá hóa dại”, sự việc học sinh “nói không với môn Sử” đã là một cuộc “vạch áo” công khai, mà “lưng” thì không dễ chịu chút nào!
 
Ứng xử với lịch sử không chỉ là chuyện của khoa học, nó còn là trách nhiệm, là sứ mệnh thiêng liêng đặt lên vai những người làm giáo dục. Đã đến lúc chúng ta cần một cuộc cách mạng thực sự với lĩnh vực này. Thay cho kiểu điều hành “giật cục”, nên chăng với việc dạy học môn Lịch sử cũng cần phải có một quyết định… lịch sử?!
 
Nguyễn Khắc An